MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cú “hố” của thị trường chứng khoán năm 2015

Thị trường chứng khoán năm 2015 có những phen mà nhà đầu tư nhận xét là "cười ra nước mắt"

JVC – Mừng hụt với bản công bố thông tin cuối tuần

JVC – CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật là nỗi đau của rất nhiều nhà đầu tư, cả cá nhân và tổ chức trong năm 2015.

Điều ấn tượng của “vụ JVC” là những thăng trầm cảm xúc mà công ty này mang lại cho NĐT khi im lặng kỳ lạ trước tin đồn, rồi bất ngờ xuất hiện công bố thông tin “vẫn hoạt động bình thường” bằng một văn bản ngắn gọn trong ngày cuối tuần và rồi lại mất tăm khi cổ phiếu tiếp tục lao dốc.

Cảm xúc cuối cùng của những cổ đông của doanh nghiệp này có thể nói là sự tức giận khi tin đồn đã trở thành sự thật. Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Hướng bị khởi tố vì tội danh “lừa dối khách hàng”, giá cổ phiếu này đã giảm một mạch từ 22.100 đồng trong sự hoang mang và chua xót của các cổ đông. Cho đến cuối năm 2015, giá cổ phiếu JVC vẫn đang loanh quanh mức 6.000 đồng và tình hình hoạt động của công ty dường như vẫn chưa đi vào ổn định dù đã 2 lần thay Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Cổ tức khủng của Kinh Đô và các hệ lụy

Năm 2015, CTCP Kinh Đô (nay là CTCP Tập đoàn Kido) quyết định trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông với tỷ lệ 200%. Do chưa từng có tiền lệ, việc chia cổ tức này đã gây ra nhiều bất ngờ cho thị trường chứng khoán.

Ngày 11/08/2015 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt 20.000 đồng của KDC, do đó giá tham chiếu của mã này bị điều chỉnh giảm 20.000 đồng từ 48.200 đồng (đóng cửa ngày 10/08) về 28.200 đồng. Và nhà đầu tư đã không khỏi “nháo nhác” khi VN-Index và đặc biệt là VN30-Index bất ngờ đảo chiều lao dốc đỏ rực trong khi số mã xanh đang nhiều gấp rưỡi số mã đỏ. Nguyên nhân được chỉ ra khi cổ phiếu KDC của CTCP Kinh đô lúc đó đang hiển thị giá đỏ với mức giảm hơn 19.000 đồng.

Nhưng không chỉ thế, do mức cổ tức hiếm có này, những nhà đầu tư quyết định giữ cổ phiếu qua ngày chốt danh sách để hưởng cổ tức đã gặp phải tình huống bị các công ty chứng khoán giải chấp khi giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh.

Đấu giá cổ phiếu CTCP Du lịch Đồ Sơn với giá trúng không tưởng

Ngày 24/08/2015,  Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước SCIC bán đấu giá cổ phần tại Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn. Tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 450.490 cổ phần với giá khởi điểm 70.400 đồng/cổ phần.

Điểm đặc biệt nhất trong phiên đấu giá này là giá đặt mua cao nhất lên tới 58.563.700.000 đồng (gần 58,6 tỷ đồng). Giá đặt mua thấp nhất là 70.400 đồng.

Như vậy, giá đấu thành công cho cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn là 58,6 tỷ/cổ phần, được bán cho 01 nhà đầu tư.

Với tổng số lượng cổ phần bán được là 450.490 cổ phần, tổng giá trị cổ phần bán được là 26.382.361 tỷ đồng (hơn 26 triệu tỷ đồng).

Có lẽ nhà đầu tư này đã ghi nhầm giá đấu khi tưởng nhầm giá ghi trên phiếu là tổng giá trị đấu giá trọn lô. Theo đó, giá mua dự kiến của nhà đầu tư này là 130.000 đồng/cp.

Sau đó, do NĐT bỏ cọc (3 tỷ), việc đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Du lịch Đồ Sơn đã được tổ chức lại 4 lần, giá khởi điểm của lần 1 và lần 2 lần lượt là 51 tỷ và 40,5 tỷ. Lần thứ 3, SCIC tiếp tục thông báo bán thỏa thuận cả lô với giá 40,5 tỷ đồng/cổ phần. Thỏa thuận lần 3 thất bại, SCIC tổ chức bán đấu giá lần 4 với giá khởi điểm 336.600 đồng/cổ phần vào ngày 7/12/2015.

Các quỹ ETFs làm nhà đầu tư ngã ngựa với cổ phiếu BID

Ngày 13/09/2015, ETF VNM thông báo sẽ mua BID cho kỳ Review quý 3 với tỷ trọng 8%, tương đương 30 – 35 triệu cổ phiếu. Trước đó, hôm 4/9, BID cũng là cổ phiếu duy nhất được thêm vào danh mục chỉ số của FTSE Vietnam Index ETF.

Tuy nhiên, vào ngày 15/09, cả 2 quỹ đã thông báo sẽ không tiến hành thêm BID vào danh mục mua mới cho kỳ Review của Quý 3/2015. Nguyên nhân có lẽ là do các quỹ đã tính toán nhầm lẫn về số lượng cổ phiếu được giao dịch tự do của BID là 718 triệu cổ phiếu trong khi thực tế số lượng cổ phiếu lưu hành của BID trên thị trường chỉ có 2,81 tỷ cổ phiếu vì 337 triệu cổ phiếu hoán đổi của MHB vẫn chưa niêm yết và 276 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ gần 8,6% vẫn chưa lưu hành.

Việc thêm vào rồi lại loại bỏ khỏi danh mục của các ETFs như vậy là lần đầu tiên xảy ra trên TTCK Việt Nam nên đã gây “sốc” cho rất nhiều nhà đầu tư.

Sau “lần đầu tiên” thì khi các quỹ lại điều chỉnh tỷ trọng của cổ phiếu KDC trong đợt review mới đây, các NĐT đã không quá sốc nữa.

 

Hải Long

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên