MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những mảng tối trên thị trường

Trong bối cảnh TTCK khó khăn, cơ cấu đầu tư của các quỹ đầu tư chủ yếu vào trái phiếu (64%), tiền mặt (21%), CP niêm yết (6%), cổ phiếu chưa niêm yết (6%), tài sản khác (3%).

Huy động vốn của doanh nghiệp niêm yết sụt giảm, số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết kỷ lục; quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng khiến nguồn tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán bị hạn chế; giá bất động sản sụt giảm, nợ xấu tăng ảnh hưởng tới rủi ro hệ thống ngân hàng đã tác động mạnh đến TTCK. Đây là những mảng tối của TTCK trong nửa chặng đường năm 2013.

Bất thường thành bình thường

Hồ hởi lên sàn khi thị trường sôi động, nhưng đến khi gặp khó các doanh nghiệp niêm yết lại vội vã nói lời từ biệt. Điều đáng nói là hiện tượng bất thường này đang trở nên bình thường trên TTCK trong thời gian gần đây. CTCP Nhà Việt Nam (NVN) vừa bất ngờ thông qua kế hoạch hủy niêm yết tại ĐHCĐ thường niên được tổ chức ngày 27-6. Theo số liệu công bố tại ĐHCĐ, 2012 là năm làm ăn bết bát của NVN với khoản lỗ hơn 51 tỷ đồng do tình hình khó khăn chung của ngành bất động sản.

Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, tổ chức niêm yết chỉ được hủy niêm yết khi Quyết định của ĐHCĐ có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn chấp thuận hủy. Tổ chức niêm yết không được đề nghị hủy bỏ niêm yết trong thời hạn 2 năm kể từ ngày đưa CP vào niêm yết.  Tổ chức hủy niêm yết chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ khi hủy niêm yết nếu đáp ứng được các điều kiện niêm yết.

Nhận thức được tình hình khó khăn hiện nay nên lãnh đạo NVN cũng khá thận trọng khi lên kế hoạch cho năm 2013 với doanh thu thuần 156,5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ phấn đấu ở mức chưa đến 0,5 tỷ đồng. Tình trạng kinh doanh khó khăn cộng với sự ảm đạm của TTCK, nên ĐHCĐ của NVN đã thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện.

Bất ngờ không kém là trường hợp của CTCP Xuất nhập khẩu khoáng sản Hà Nam (MIH) bởi doanh nghiệp này vẫn làm ăn khá hiệu quả. Tại ĐHCĐ thường niên được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, các cổ đông và NĐT của MIH đã đồng ý thông qua kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện trong thời gian sớm nhất có thể. Trước đó, cũng đã có nhiều doanh nghiệp xin hủy niêm yết tự nguyện như: CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT), CTCP Điện kỹ thuật Sông Đà (SDE)...

Trong 6 tháng đầu năm, số lượng niêm yết mới tăng 7 công ty, trong khi lại có đến 21 công ty và 1 chứng chỉ quỹ bị hủy niêm yết, bằng số lượng công ty hủy niêm yết cả năm 2012. Trong đó có 16 công ty hủy niêm yết bắt buộc, 3 công ty hủy niêm yết tự nguyện và 2 công ty chuyển sang thị trường UpCoM.

Nguyên nhân là những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2012 tiếp tục kéo dài đến quý II-2013 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do các điều kiện niêm yết, quản lý giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là vấn đề công bố thông tin, nên số lượng công ty niêm yết mới giảm mạnh và số lượng công ty bị hủy niêm yết tăng với mức cao nhất từ trước tới nay.

Huy động vốn - một trong những chức năng chính của TTCK đã đem đến những hình ảnh trái ngược. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2013 tổng mức huy động trên TTCK thông qua phát hành CP, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 114.840 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ năm 2012), song huy động vốn qua phát hành CP chỉ đạt 2.344 tỷ đồng (giảm 58% so với cùng kỳ).

Hoạt động kinh doanh của các tổ chức cũng gặp không ít khó khăn: 47 công ty quản lý quỹ quản lý khối tài sản giảm 12% so với cuối năm 2012, chỉ còn 86.000 tỷ đồng. Tính đến hết quý I, có 17 công ty quản lý quỹ hoạt động có lãi và 25 công ty bị lỗ; 28/47 công ty có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ do kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ, trong đó 23 công ty có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định.

Bảo vệ giá trị doanh nghiệp

Nếu như trước đây tờ trình xin hủy niêm yết tự nguyện thường bị các cổ đông chất vấn khá gay gắt và rất khó được thông qua, tuy nhiên ở thời điểm hiện nay các tờ trình này nhanh chóng được thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Theo phân tích của các chuyên gia, bên cạnh các trường hợp xin hủy niêm yết vì hoạt động kinh doanh khó khăn, việc chủ động hủy niêm yết của các doanh nghiệp bắt nguồn từ lý do hạn chế đà suy giảm của giá CP.

Có thể lấy trường hợp của MIH làm dẫn chứng. CP của doanh nghiệp này chào sàn HNX năm 2010 với mức giá 42.000 đồng/CP và đỉnh được thiết lập ngày 21-7-2010 với giá 56.900 đồng/CP. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, giá CP MIH liên tục giảm mạnh và đến nay chỉ còn hơn 5.000 đồng/CP mặc dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra thuận lợi.

Theo ông Trần Văn Việt, Chủ tịch HĐQT MIH, TTCK là một thể chế tài chính bậc cao và việc niêm yết trên TTCK là xu thế phát triển tất yếu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian gần 3 năm trở lại đây, do nền kinh tế suy thoái, đã khiến TTCK biến đổi liên tục và giá CP cũng bị biến động mạnh, HĐQT của MIH nhận thấy việc niêm yết trong thời gian tới không phù hợp với định hướng của doanh nghiệp.

Trên thực tế, khả năng huy động vốn từ việc niêm yết không được như mong đợi, trong khi đó thời gian tới MIH không có dự kiến huy động qua kênh đại chúng mà sử dụng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư. Đây là lý do khiến quyết định xin hủy niêm yết được cổ đông doanh nghiệp nhanh chóng thông qua.

Tương tự MIH, những nguyên nhân được HĐQT của NVN nêu ra để giải thích cho quyết định hủy niêm yết là thanh khoản của thị trường thấp, giá CP không phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp, mục tiêu huy động vốn không thể thực hiện được trong thời điểm hiện tại và trong thời gian tới.

Đặc biệt, với tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa như hiện nay việc xin hủy niêm yết sẽ giúp NVN chủ động hơn trong việc tái cấu trúc, tập trung phát triển theo chiến lược và mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp. Sau khi hủy niêm yết, NVN cam kết đăng ký giao dịch trên UPCoM để tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng cổ phần.  

Tạo băng thông cho TTCK

Trong bối cảnh TTCK khó khăn, cơ cấu đầu tư của các quỹ đầu tư chủ yếu vào trái phiếu (64%), tiền mặt (21%), CP niêm yết (6%), cổ phiếu chưa niêm yết (6%), tài sản khác (3%).

Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp niêm yết, từ nay đến cuối năm UBCKNN sẽ xem xét tháo gỡ khó khăn cho việc phát hành CP dưới mệnh giá trên cơ sở ý kiến của ĐHCĐ về giá phát hành dưới mệnh giá, đồng thời doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các điều kiện phát hành ra công chúng và một số điều kiện quy định khác. Cụ thể, cho phép các tổ chức niêm yết không thuộc ngành kinh doanh có điều kiện được phát hành dưới mệnh giá nếu có đủ thặng dư vốn bù đắp.

Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK, UBCKNN sẽ thúc đẩy quá trình thủ tục trình Thủ tướng sửa Quyết định 55 (tỷ lệ tham gia của NĐTNN trên TTCK Việt Nam) theo hướng trước mắt kiến nghị cho phép thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép NĐT chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt tỷ lệ trên 49%, ngoại trừ đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; thí điểm thực hiện phân loại danh mục ngành nghề đối với một số loại hình công ty niêm yết, trên cơ sở đó cho phép NĐT tổ chức nước ngoài sở hữu trên 49%, tập trung đối với các doanh nghiệp trong các ngành nghề không cần nắm giữ theo quy định hiện hành; cho phép bên nước ngoài được nắm giữ trên 49% đến dưới 100% tổ chức kinh doanh chứng khoán theo đề nghị của bên Việt Nam.

Theo đại diện UBCKNN, nhằm triển khai chiến lược phát triển TTCK và thu hút vốn nước ngoài, UBCKNN sẽ kiến nghị ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới (quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm phát triển loại hình đầu tư có tổ chức, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. 

Theo Hà My - Hải Hồ

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên