MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới room cho khối ngoại – cái “mẹo” của nhà quản lý

Cổ phần hóa hàng trăm doanh doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cùng với việc bắt buộc các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã đẩy ra thị trường một lượng chứng khoán mới rất lớn. Những DNNN lớn và có tiềm năng là hàng hóa chất lượng cao, nhưng làm sao để hàng hóa nhiều mà không bị giảm giá?

Ngày 26/06/2015, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định mới là tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại các công ty đại chúng Việt Nam. Trong đó, đối với công ty đại chúng không thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Giải quyết bài toán vốn để hấp thụ lượng cung từ cổ phần hóa

Theo kế hoạch sắp xếp đã được duyệt, trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Năm 2014 cả nước đã thực hiện cổ phần hóa 143 DN. Như vậy, kế hoạch năm 2015 sẽ còn phải cổ phần hóa 289 DN.

Bên cạnh đó, thống kê của Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tung ra hơn 22.000 tỷ đồng để đầu tư ngoài ngành. Trong năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải hoàn tất việc thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Với kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nói trên, đằng sau bức tranh màu hồng rằng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều hàng hóa tốt hơn, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn để đầu tư hơn … thì vấn đề mà các chuyên gia đặt ra ngay lập tức, đó là làm sao để hấp thụ hết lượng hàng hóa khổng lồ này?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về nới room do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, tiến sỹ Võ Trí Thành đã nhận xét, Nghị định 60 chính là một cái mẹo của nhà quản lý. Khi Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và bắt buộc các DN sau cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán theo Quyết định 51 thì chắc chắn lượng cung cổ phiếu ra thị trường không hề nhỏ. Trước một lượng cung như vậy, lượng cầu cần phải có sự thích ứng.

Thừa nhận điều này, tiến sỹ Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBCKNN đánh giá Nghị định 60 chính là giải pháp để giải tỏa vấn đề căn bản về lượng cầu cho quá trình cổ phần hóa.

Theo ông Long, việc cổ phần hóa hàng trăm DNNN cùng với việc bắt buộc các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã đẩy ra thị trường một lượng chứng khoán mới rất lớn. Những DNNN lớn và có tiềm năng là hàng hóa chất lượng cao, nhưng làm sao để hàng hóa nhiều mà không bị giảm giá? Muốn tháo gỡ vấn đề này, các nhà quản lý phải khơi thông dòng vốn cả trong nước lẫn nước ngoài.

Và nới room là chìa khóa nhằm thu hút lượng vốn lớn để hấp thụ những hàng hóa mới.

Bên cạnh đó, Nghị định 60 không chỉ tác động trực diện đến TTCK thông qua việc tăng thanh khoản và tăng tính minh bạch mà còn tạo hiệu ứng cho nền kinh tế khi vai trò của TTCK được nâng lên, trở thành kênh huy động vốn cũng như phân bổ vốn hiệu quả.

Liệu có nới room cho ngành ngân hàng?

Trước đây, vào tháng 4/2015, khi tiếp Chủ tịch Ngân hàng BTMU (Nhật Bản), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng chia sẻ, Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi và sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30% hiện nay.

NĐ 60 được ban hành đã đem lại một luồng sinh khí mới cho các doanh nghiệp trong diện “hết room” trên TTCK, nhưng với vai trò trụ cột và dẫn dắt thị trường từ đầu năm đến nay, NĐT vẫn không khỏi kỳ vọng vào thông tin nới room đối với nhóm ngân hàng.

Chia sẻ với chúng tôi, một chuyên gia kinh tế nhận xét, một trong những áp lực lớn nhất mà các ngân hàng đang phải giải quyết là đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% và hoàn thành kế hoạch được phê duyệt trước ngày 30/9/2015.

Bán nợ cho VAMC, tăng trích lập dự phòng – đó là những giải pháp giúp ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách nhưng nếu “tự thân vận động” như vậy, một nguồn vốn của nền kinh tế đã bị giữ lại, không được sử dụng hiệu quả. Cách tốt hơn là huy động nguồn vốn từ nước ngoài bằng cách nới room, lấy “tiền tươi thóc thật” để tái cơ cấu các ngân hàng.

Mới đây, thống đốc NHNN cũng đã chia sẻ, chiều hướng chung là Việt Nam phải mở room, nhưng lộ trình cần phù hợp. Vừa qua Chính phủ đã đi trước một bước, mở room cho các doanh nghiệp. Và Chính phủ cũng có thể cho phép nước ngoài vào ngân hàng yếu kém tới 100%.

“Nhưng hy vọng một sáng tỉnh dậy, thấy room ngân hàng đồng loạt mở trên 51% là không thực tiễn đâu.” - Thống đốc nói.

 

Thanh Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên