MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới room – không đơn giản, sẽ vướng luật đầu tư nước ngoài

Theo ông Andy Ho nới room là điều không đơn giản bởi khi sở hữu của nước ngoài tăng lên hơn 51% theo luật định tư cách pháp lý của doanh nghiệp bị thay đổi, qua đó một số ngành nghề sẽ bị vướng.

Sáng ngày 17/06/2014, trong khuôn khổ lễ công bố “Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” năm 2014, bà Trần Thị Anh Đào – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, Ông Andy Ho – Giám đốc điều hành VinaCapital, bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch Traphaco đã có những chia sẻ quanh chủ đề “Doanh nghiệp đã sẵn sàng mở room?”

Phó Tổng giám đốc HOSE: Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là giải pháp cho cầu nới room, nhưng cần chờ …

Theo bà nới room cho khối ngoại có phải là giải pháp duy nhất chúng ta buộc phải tính đến trong giai đoạn hiện nay hay không?

Song song với việc Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trình dự thảo nới room, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh cũng đã bắt tay nghiên cứu một số giải pháp như là một lựa chọn bổ sung cho các nhà đầu tư có thêm công cụ đầu tư và tăng tính đa dạng cho sản phẩm đầu tư trên thị trường: Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (None voting depository receipt – NVDR) dành cho các công ty hết room trên sàn.

Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là sản phẩm tách biệt quyền biểu quyết và quyền được hưởng các lợi ích tài chính đem lại từ cổ phiếu đầu tư. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường, họ chỉ quan tâm đến lợi ích được hưởng từ việc đầu tư cổ phiếu thì NVDR là một giải pháp để đáp ứng nhu cầu và giải quyết được vấn đề về nhu cầu nới room ở một góc độ nào đó.

Thực tế trong quá trình HOSE có đề án và trình lên UBCKNN và Bộ Tài Chính, đối với bất cứ sản phẩm mới hay giải pháp mới đều phải có cơ sở pháp lý đi kèm. Hiện để triển khai sản phẩm NVDR vẫn còn một số điều chỉnh về pháp lý như sự tham gia của NĐT nước ngoài nắm giữ NVDR – không tham dự cổ đông dẫn đến đại hội cổ đông không được tổ chức thành công….

Tuy nhiên, đây được xem là giải pháp cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Andy Ho: Nới room – không đơn giản, sẽ vướng luật đầu tư nước ngoài

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế liên quan đến việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài?

Trước khi chia sẻ tôi muốn nói, câu chuyện của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay là “chuyện” mở room ngoại từ 49% lên 60%. Theo tôi hiểu, nếu nhiều nhà đầu tư gom lại được 60% thì chưa có ảnh hưởng đến điều hành doanh nghiệp. Luật yêu cầu cần sở hữu đến 65% vốn của doanh nghiệp khi cần giải quyết/biểu quyết thông qua một số nội dung quan trọng. Chính vì vậy, nếu nới room từ 49% lên 60% nhà đầu tư ngoại được gì? Bởi phải sở hữu đến 65% mới được chi phối doanh nghiệp.

Thứ 2, những công ty như REE hay VNM, được nới room từ 49% lên 60% các công ty này sẽ như thế nào? Nhà đầu tư sẽ tiếp tục có nhu cầu mở room từ 60% lên 70% chẳng hạn. Vì vậy tôi nghĩ rằng, nới room không phải là điều quan trọng, quan trọng là quản trị doanh nghiệp, giúp công ty phát triển, đưa nhiều công ty lên sàn, cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng. Bởi điều quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công ty chưa niêm yết– hoặc niêm yết vì tin vào chất lượng của công ty, tin công ty sẽ phát triển tốt, tin nền kinh tế chúng ta phát triển bền vững.

Về nới room, đây là điều không đơn giản bởi khi sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên – chẳng hạn như tăng lên 55%, theo quy định pháp luật Việt Nam tư cách pháp lý của doanh nghiệp bị thay đổi – doanh nghiệp nước ngoài và chịu quản lý bởi luật đầu tư nước ngoài. Theo quy định của luật đầu tư – doanh nghiệp nước ngoài sẽ bị hạn chế cấp phép một số ngành nghề như bán lẻ hay dược phẩm….

Với tư cách là nhà quản lý quỹ đầu tư, ông có kỳ vọng vào việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài không? Nếu được nới room, quỹ của ông sẽ đầu tư thêm vào ngành nào?

Chắc chắn tôi muốn chuyện nới room cho khối ngoại, thậm chí tôi muốn room khối ngoại được nới đến 100%.

VinaCapital chắc sẽ không đầu tư thêm vào các công ty hiện đã hết room nếu được nới room. Bởi chiến lược đầu tư của VinaCapital là tham gia vào các công ty trước khi lên sàn. Do đó, vấn đề nới room hay không nới room không tác động đến VinaCapital.

Phần lớn các công ty hết room là công ty chất lượng cao,  được các nhà đầu tư quan tâm, VinaCapital cũng quan tâm, nhưng VinaCapital đã đầu tư vào từ trước khi các công ty này chưa lên sàn.

Chiến lược đầu tư của VinaCapital là tiếp tục đầu tư vào các công ty chưa lên sàn, cổ phần hóa để có được tỷ trọng lớn hơn so với đầu tư trên sàn. 

Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch Traphaco chia sẻ thêm: Khi được nới room, trường hợp sở hữu nước ngoài đủ theo quy định để trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, quy chế ngành dược áp cho cho các doanh nghiệp FDI sẽ khác đi.

Các tập đoàn đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các doanh nghiệp có hệ thống phân phối mạnh, khi đó chúng ta đối mặt với nguy cơ chuyển giá, không mang lại lợi nhuận cho công ty họ đang đầu tư vào mà lợi nhuận cho công ty ở nước ngoài.  



Kính mời nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết gửi kiến nghị/phân tích/đánh giá tác động của việc nới room ngoại đến thị trường chứng khoán/doanh nghiệp cho chúng tôi tại: http://cafef.vn/gui-bai-viet.chn

Hoặc box "gửi tin nhanh" ở homepage
.

Vì sao chưa thể nới room?


Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên