Thị trường chứng khoán vừa trải qua một năm nhiều biến động.
Trong quý 3/2012, có tới 56/100 công ty chứng khoán báo lỗ, tổng lợi nhuận của
100 công ty chứng khoán âm hơn 200 tỷ đồng và có tới hơn 70% công ty có lỗ lũy
kế.
Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) là một trong số
ít những công ty đã vượt kế hoạch năm 2012 ngay từ tháng 11. Nhân dịp đầu năm
mới 2013, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Johan Nyvene, tổng giám đốc của
HSC.
Được biết, năm 2012
công ty đã vượt kế hoạch kinh doanh đề ra. Ông có thể cho biết lợi nhuận của
công ty cụ thể là bao nhiêu?
Ông Johan Nyvene: Số liệu hiện nay vẫn chưa được tổng kết,
nhưng tôi ước lợi nhuận ròng sau thuế của HSC vào khoảng 245 tỷ đồng.
Công ty đã hoàn thành
vượt kế hoạch, vậy nhân viên có được thưởng Tết không, thưa ông?
Do năm nay công ty chúng tôi hoạt động hiệu quả nên HSC chắc
chắn sẽ có thưởng cho nhân viên. Nhưng chúng tôi gọi đây là thưởng thành tích,
chứ không chỉ mang ý nghĩa thưởng Tết.
HSC năm
2012 lãi lớn nhờ kinh doanh nguồn vốn và môi giới, ông có nghĩ rằng năm 2013 là
cơ hội để mảng tự doanh thu lãi lớn không?
Chúng tôi không có chiến lược sử dụng nhiều vốn của cổ đông
để đầu tư vào tự doanh.
Trong bối cảnh thị
phần của các công ty môi giới có nhiều thay đổi, trên cương vị là CEO của một
công ty nắm giữ thị phần lớn, ông làm gì để giữ vững thị phần số 1 trên cả hai
sàn vào năm 2013?
Trong lĩnh vực quản trị rủi ro, với các chiến lược chặt chẽ
nên chúng tôi không bị thất thoát tiền trong nghiệp vụ cho vay ký quỹ.
Trong việc quản trị nguồn nhân lực chúng tôi có chính sách
đãi ngộ thích đáng cho các nhân viên môi giới để họ làm việc hiệu quả và gắn bó
với HSC. Trong việc quản lý hệ thống cả khách hàng và các chuyên viên môi giới
đều có thể tin tưởng vào các công cụ công nghệ giúp họ thực hiện các quyết định
đầu tư đúng đắn hơn.
Năm 2012 là
một năm có thể nói là vô cùng khó khăn với các công ty chứng khoán với hàng
loạt các công ty nhỏ phải đóng cửa. Ông có cho rằng điều đó sẽ có lợi cho các
công ty lớn? HSC đã làm gì để thu hút thêm nhà đầu tư?
Các công ty chứng khoán nhỏ đóng cửa không mang lại nhiều cơ
hội cho chúng tôi, bởi lẽ các công ty này chiếm thị phần rất ít. Các công ty đó
có thể đã không còn hoạt động thường xuyên nên đến nay khi đóng cửa thì thị
phần không còn nhiều để các công ty lớn cạnh tranh.
Là một công ty chứng khoán lớn trên thị trường, chúng tôi
vẫn hoạt động theo các chiến lược kinh doanh đã đề ra vào đầu mỗi năm hoặc mỗi
chu kỳ phát triển chiến lược. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục mở rộng hoạt
động môi giới trong cả hai phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức
bằng cách chuyên nghiệp hóa các dịch vụ và tiếp tục củng cố một thể chế uy tín
nhất để phục vụ khách hàng trong việc đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt
Nam.
Hiện có một số công ty
chứng khoán đang thu hút nhà đầu tư bằng các dịch vụ gia tăng như bán khống,
cho vay margin vượt kiểm soát, vậy công ty chứng khoán phải cân bằng giữa lợi
nhuận và rủi ro ra sao?
Để cung cấp các sản phẩm có tính chất rủi ro, chúng tôi cho
rằng trước hết công ty chứng khoán sẽ phải thiết lập một hệ thống quản trị rủi
ro toàn diện trong hoạt động của công ty. Hệ thống ấy phải có mức độ quyền hạn
và trách nhiệm đủ mạnh để đảm bảo kiểm soát hoạt động của các bộ phận kinh
doanh cũng như cấp điều hành của công ty, và mọi quy trình, thủ tục đều phải
bám sát theo hệ thống quản trị rủi ro này.
Ngoài việc có một hệ thống quản trị rủi ro toàn diện, một
công ty chứng khoán uy tín còn phải thực hiện trách nhiệm tư vấn một cách thận
trọng cho khách hàng để đảm bảo khách hàng nhận thức đầy đủ những rủi ro họ
phải đối mặt khi quyết định đầu tư.
Ở những thị trường phát triển, việc mở tài khoản đầu tư đối
với các nhà đầu tư cá nhân thực sự rất khắt khe, vì họ phải trả lời phỏng vấn
để làm rõ mức độ chấp nhận rủi ro và phải được công ty chứng khoán phê duyệt
trước khi họ đầu tư vào bất cứ sản phẩm nào.
Quản trị rủi ro hiện đang là mối quan tâm của nhiều công ty chứng khoán, ông có thể chia
sẻ vấn đề này tại HSC?
Mặc dù chúng tôi đã có nhiều quy trình quản trị và kiểm soát
rủi ro trong hoạt động nhưng vẫn không tránh khỏi rủi ro trên thị trường chứng
khoán, đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường mới phát
triển. Ngoài ra đây là một môi trường nhiều rủi ro bởi vì trong hầu hết hoạt
động kinh doanh và nhiều lĩnh vực xã hội, các tiêu chuẩn đạo đức cá nhân khá
thấp.
Với hành lang pháp lý chưa chặt chẽ nên chắc chắn sẽ còn
diễn ra nhiều trường hợp sai phạm nữa do cố tình hoặc vô tình. Tuy nhiên, quản
trị rủi ro là một văn hóa và một quá trình tiến hóa mà chúng ta sẽ phải tiếp
tục khắc phục các lỗ hổng, cải tiến các quy trình, thủ tục cho tới khi hoàn
thiện hơn.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hằng