MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phân hóa sóng ngành sau khi tuột đỉnh

Trước phiên giảm ngày 9-9, thị trường trải qua đợt sóng sôi động nhất trong năm.

Tuy nhiên, trong đợt sóng này, sự phân hóa về nhóm ngành cũng đã thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết với sức bật của nhóm bất động sản và tình trạng bất động của nhóm ngân hàng.

Mức tăng điểm chung của TTCK trước phiên giao dịch ngày 9-9 được phản ánh đầy đủ và lan rộng khi tất cả các nhóm ngành đều tăng điểm. Thế nhưng, sự phân hóa giữa các nhóm ngành cũng thể hiện rõ nét trong đợt tăng này. Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), ngành vận tải biển có mức tăng mạnh nhất (tăng 22,71%) với cả 5 mã vốn hóa lớn nhất ngành đều tăng điểm tích cực.

Điều này đến từ kết quả kinh doanh quý II-2014 của nhóm các doanh nghiệp này, đặc biệt là nhóm vận tải xăng dầu, đều có kết quả tương đối khả quan cả về doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, ngành dệt may cũng nằm trong nhóm CP khởi sắc (tăng 20%) chủ yếu đến từ diễn biến tăng điểm của mã có vốn hóa lớn nhất ngành là CTCP Đầu tư - Dệt may - Thương mại Thành Công (TCM). Nguyên nhân là do triển vọng tích cực về kết quả kinh doanh cùng với những thông tin về vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo kỳ vọng cho NĐT.

Ngành bất động sản được ghi nhận là nhóm ngành có mức tăng cao (tăng 17%) nhờ những dấu hiệu hồi phục có phần rõ ràng của thị trường bất động sản. Điều này được phản ánh trên kết quả quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Theo thống kê, có 36/51 doanh nghiệp thuộc ngành này có kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, tính chung trong 8 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư vào bất động sản đã tăng 4,06% so với cùng kỳ. Con số này cho thấy niềm tin của NĐT vào sự phục hồi của nhóm ngành này đã dần được cải thiện. CTCP Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) là doanh nghiệp có tốc độ tăng giá nhanh nhất trong tháng 8 với tỷ lệ tăng 41%.

Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng cho thấy sự tăng trưởng trở lại sau thời gian giao dịch khá trầm lắng trong tháng 7 với mức tăng 18% so với tháng trước. Đặc biệt, nếu như tháng trước CP này luôn nằm trong top bán ròng của khối ngoại thì trong tháng 8, VIC đã được mua ròng trở lại với khối lượng 9,5 triệu đơn vị (tăng 189% so với tháng trước), trị giá gần 470 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lượng mua ròng 835 tỷ đồng đột biến vào cuối tháng.

Ngành công nghệ và dầu khí cùng xếp vị trí thứ 2 trong bảng tăng trưởng chung của các nhóm ngành. Nếu như tháng trước, ngành dầu khí mất vị trí dẫn đầu thị trường do mức tăng thấp, chỉ khoảng 4%, thì trong tháng này đã hồi phục mạnh lên 15%. Đồng thời, đây cũng là nhóm CP dẫn dắt đà tăng của thị trường trong giai đoạn tăng trưởng nóng nửa cuối tháng 8.

Theo thống kê Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế lớn nhất quý II-2014, nhóm dầu khí chiếm 4 vị trí, trong đó Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) tiếp tục là doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao nhất thị trường với 3.230 tỷ đồng (tăng 11,1%). Ngoài ra, mức tăng mạnh và đồng đều từ những mã khác trong ngành như: Tổng CTCP Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (PVC) tăng 60%, CTCP Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PXS) tăng 30%, CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB) tăng 38%, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí (PVX) tăng 33%.

Đối với nhóm ngành công nghệ, mã đại diện lớn là CTCP Tập đoàn FPT (FPT) ghi nhận mức tăng 14%. Được biết trong thời gian tới, FPT sẽ triển khai kế hoạch phát triển toàn diện trong và ngoài nước với dự án hợp tác công - tư (PPP) đầu tiên với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Đồng thời, FPT cũng đang đẩy mạnh kinh doanh mảng dịch vụ S.M.A.C mang tính hội nhập toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, nhóm CP ngân hàng tiếp tục thể hiện sự yếu thế trên TTCK khi là một trong những ngành có mức tăng thấp nhất thị trường chỉ 1% trong suốt tháng 8. Không chỉ riêng trong tháng 8, tính chung trong 3 tháng gần đây, nhóm ngành này chỉ tăng vỏn vẹn 4,1% với thanh khoản của các CP trong nhóm duy trì ở mức thấp và giá thường xuyên giao dịch quanh mốc tham chiếu, ngay cả trong giai đoạn tăng chung của thị trường như trong tháng qua.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), 2 mã CP tăng mạnh nhất trong nhóm này là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng chỉ tăng 9%, thấp hơn nhiều so với những CP đầu ngành khác. Tái cơ cấu ngân hàng cùng nhiều chính sách chưa mang lại hiệu quả trong khi nợ xấu tăng cao và tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm chạp khiến NĐT không còn mặn mà với nhóm CP ngân hàng như vài năm trước.

Theo Kim Giang

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên