MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá: Bước đường cùng?

Con đường phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhưng xem ra mọi thứ vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Một phần do giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này đang ở mức giá cực thấp, mặt khác vướng các thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, trong lúc cạn kiệt nguồn tiền buộc các doanh nghiệp phải bán cổ phiếu dưới mệnh giá.

Mùa đại hội cổ đông năm 2013 vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp niêm yết tìm đến con đường phát hành dưới mệnh giá và đã được cổ đông chấp thuận. Điểm qua có các doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty CP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (BGM) dự kiến phát hành 2,4 triệu cổ phần với mức giá 5.000 đồng. Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) cũng đã được cổ đông nhất trí việc phát hành hơn 14 triệu cổ phiếu với giá phát hành thấp hơn mệnh giá, dao động từ 5.000 - 10.000 đồng. Và, Công CP Việt An (AVF) đăng ký chào bán hơn 22,3 triệu cổ phần với giá chào bán chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu.

Cơ hội thu hút vốn?

Theo dự thảo Thông tư, việc phát hành dưới mệnh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), khi doanh nghiệp có thặng dư vốn cổ phần hay lợi nhuận chưa phân phối đủ bù đắp số thiếu hụt ở vốn chủ sở hữu do bán cổ phần dưới mệnh giá sẽ được chấp thuận - có thể thấy cả 3 doanh nghiệp kể trên đều đáp ứng yêu cầu.

Tính đến 31/3/2013, BMG có thặng dư vốn cổ phần 12 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 19,1 tỷ đồng. TTF còn thặng dư vốn cổ phần lên đến 272,6 tỷ đồng, hoàn toàn bù đắp được phần vốn thiếu hụt do chào bán dưới mệnh giá. AVF thì còn 75 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 41,15 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại chưa phân phối.

Điều này tuy mở ra những kỳ vọng mới cho doanh nghiệp trong việc thu hút vốn, nhưng dường như con đường phía trước vẫn còn tối tăm. Một số doanh nghiệp trước đây xin kế hoạch phát hành dưới mệnh giá, nhưng giờ vẫn chưa có kết quả như THV, còn DTA của Công ty CP Đệ Tam thì đã chính thức hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, vì cổ phiếu đã rớt xuống đáy cực thấp.

Cần nhắc lại trên thị trường chứng khoán, Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) là doanh nghiệp đầu tiên phát hành thành công cổ phần ở mức giá thấp hơn mệnh giá là 7.520 đồng.

Trở lại với kế hoạch phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá của TTF, tính đến ngày 25/7/2013, thị giá TTF chỉ hơn 5.000 đồng. Lãnh đạo TTF cho biết khi phát hành cổ phần dưới mệnh giá cho cổ đông hiện hữu thực chất là cho cổ đông góp vốn thêm vào công ty theo nghĩa vụ và lợi ích bằng nhau.

Một số đã bị huỷ niêm yết là SHC cũng từng tìm cách bán cổ phiếu cho cổ đông với giá bèo chỉ 3.000 đồng/cổ phiếu, dẫn đến xung đột lợi ích rất lớn nên phương án này đã thất bại. Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) cũng quyết định phát hành 225 triệu cổ phiếu với giá 6.000/cổ phiếu. Đối tượng chào bán là dưới 100 nhà đầu tư cá nhân/tổ chức có tiềm lực tài chính, cam kết đầu tư lâu dài.

Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp đang có chủ trương phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá thừa nhận: "Chúng tôi cần vốn để đẩy mạnh năng lực tài chính cho công ty nhưng giá cổ phiếu trên sàn dưới mệnh giá thì khó lòng chúng tôi phát hành được trên 10.000 đồng nên phải bán giá "bèo". Đây là chuyện bất khả kháng".

Bất khả kháng?

Theo phân tích của các chuyên gia cho rằng khi doanh nghiệp phải chọn hình thức phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá là đã "cân, đo, đong, đếm" rất kỹ và có thể nói là "bước đường cùng".

Bởi khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu giá 5.000 đồng thì phần thu chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu nhưng lại phải ghi nhận với giá bằng mệnh giá là 10.000 đồng. Điều này đồng nghĩa giá trị doanh nghiệp bị sụt giảm vì không có phần thặng dư vốn sau phát hành.

Một chuyên gia tài chính nhận xét: Về nguyên tắc, không nên phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, bởi lãi suất đã xuống quá thấp mà doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn thì cần xem lại khả năng hoạt động của mình. Vì vậy, nếu là nhà đầu tư, cần cân nhắc khi mua cổ phiếu phát hành loại này bởi một doanh nghiệp phải phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, nhiều khả năng không vì mục đích lấy vốn kinh doanh mà rất có thể là để trả nợ.

Trường hợp doanh nghiệp chỉ phát hành cổ phiếu giá "bèo" cho cổ đông riêng lẻ mà không phát hành cho cổ đông hiện hữu thì nhà đầu tư cần phải xem xét lại bởi khả năng thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ trong trường hợp này là rất lớn.

Ví dụ, một doanh nghiệp có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, muốn mua 50% vốn của doanh nghiệp này, nhà đầu tư phải chi 40 tỷ đồng (giá bằng mệnh giá) nhưng nếu phát hành giá chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 20 tỷ đồng đã sở hữu được 50% cổ phần. Nhà đầu tư có quyền nghi ngờ việc doanh nghiệp muốn "câu kết" với đối tác để tạo ra một cuộc thâu tóm...

Giới tài chính cho rằng Nhà nước cần có quy định và chế tài mức độ hay ngưỡng cho phép doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu. Vì, nếu doanh nghiệp sắp phá sản mà vẫn được phát hành thì làm sao bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư?

Nếu như trước đây các doanh nghiệp ồ ạt phát hành thêm cổ phiếu để mở rộng quy mô, đầu tư vào hàng loạt các dự án thì giờ đây, xu hướng tăng vốn qua phát hành cổ phiếu lại nhằm mục đích đảm bảo an toàn tài chính, đảm bảo tính thanh khoản, bổ sung vốn lưu động... giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.

Vì vậy, phương án huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá cũng rất hợp lý. Bởi lẽ trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp vẫn huy động được vốn để đầu tư cho sản xuất, phát triển thị trường mà không phải gia tăng nợ nần, không phải trả lãi cũng là cơ hội tốt.

Theo Sơn Long

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên