MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro từ cơn lốc xả hàng

Nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khả năng thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn phân phối là rất lớn.

Biểu hiện của quá trình này là thị trường có thể tăng điểm và các nhà đầu tư lớn vẫn có thể bán ròng. Khối tự doanh và khối ngoại bán ròng liên tục trong thời gian qua với khối lượng rất lớn là một trong những biểu hiện như vậy.

Giữa lúc thị trường đang “say” với những thông tin tốt và kỳ vọng đà tăng giá tiếp theo, phiên giao dịch ngày 25/3, sắc đỏ đã bao trùm trên cả hai sàn. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa ở 601 điểm, giảm 5,7 điểm; HNX-Index cũng giảm 1,87 điểm, đóng cửa ở 91,12 điểm.

Không bất ngờ với kết quả này, ông Nguyễn Tuấn, Phó phòng Tư vấn - Đầu tư (CTCP Chứng khoán An Bình) cho biết, trong 4 phiên giao dịch gần đây, VN-Index cứ lên đến khu vực 609 điểm thì thị trường lại đối mặt xu hướng bán ra. Dấu hiệu không tích cực ở chỗ, phiên giao dịch ngày 25/3, thị trường giảm điểm với khối lượng giao dịch tương đối lớn. “Kinh nghiệm cho thấy, cứ khi TTCK tăng mạnh mà không vượt được đỉnh cũ thì sau đó, khi thị trường giảm điểm, thời gian giảm có thể sẽ kéo dài”, ông Tuấn nói.

Song, tâm điểm gây chú ý của thị trường trong phiên 25/3 còn ở chỗ, khối ngoại tiếp tục bán ròng rất mạnh. Việc khối ngoại bán ròng kỷ lục trong phiên giống như tín hiệu cho biết, nhà đầu tư lớn bắt đầu bán ra trên thị trường. Khi đó, rất nhiều nhà đầu tư tổ chức khác sẽ tạm dừng không mua vào hoặc sẽ bán ra theo.

“Rất ít khi có chuyện nhà đầu tư chuyên nghiệp bán ra, nhà đầu tư tổ chức khác lại mua vào. Điều này dẫn đến tình trạng thông thường là nhà đầu tư tổ chức tạm thời đứng ngoài không mua gì cả và khi đó thị trường sẽ bị mất một lực cầu từ nhà đầu tư tổ chức. Do vậy, nhiều khả năng TTCK sẽ có xu hướng bị giảm trở lại. Điều này đưa mức độ rủi ro của TTCK lên cao và kịch bản tốt nhất của TTCK có thể là đi ngang chứ ít khi tăng tiếp”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo các chuyên gia chứng khoán, biến động của TTCK thường có tính chu kỳ, xoay vòng quanh việc tích lũy, đẩy giá, phân phối, rồi giảm giá... Quá trình này lặp đi lặp lại với cách thức biến động giá và chu kỳ thời gian rất khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khả năng TTCK đang ở giai đoạn phân phối là rất lớn. Biểu hiện của quá trình này là TTCK có thể tăng điểm và các nhà đầu tư lớn vẫn có thể bán ròng. Khối tự doanh và khối ngoại bán ròng liên tục trong thời gian qua với khối lượng rất lớn là một trong những biểu hiện như vậy.

Ở góc độ khác, một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay cổ phiếu đã được đẩy giá lên rất mạnh, rất nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp thua lỗ trong năm trước như PVA, PVL, PFL, VPC, DCT, PSG, DTA... nhưng cũng đã tăng giá từ 40-130%. Với mức tăng giá như vậy, ý kiến này cho rằng, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc phân phối, bởi nhà đầu tư khôn ngoan sẽ không bao giờ tích lũy khi giá cao mà thường chỉ tích lũy trong vùng giá thấp.

Nhìn vào biến động các chỉ số, ông Tuấn cho rằng, kể từ ngày 4/3/2014, chỉ số HNX-Index tăng rất mạnh, từ mức 80 điểm đã lên đến 93 điểm ngày 24/3, tương đương khoảng 15% trong vòng chưa đầy nửa tháng. Đây thực sự là mức tăng giá rất nhanh, nhưng tăng nhanh và mạnh như vậy cũng chính là lúc rủi ro đầu tư rất cao. Từ kinh nghiệm quá khứ, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, rất có khả năng sẽ hình thành một “cơn lốc bán ra cổ phiếu, khiến thị trường giảm giá và nhiều nhà đầu tư sẽ không kịp cắt lỗ”.

Xét về các yếu tố cơ bản, hiện hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu (P/E) của VN-Index khoảng 14, đứng ở mức trung bình của khu vực châu Á. Nhưng, P/E của HNX-Index đứng ở mức 20. Điều này cho thấy, sự biến động tăng giá nhanh và mạnh trong vòng 6 tháng gần đây khiến nhiều cổ phiếu không còn nằm ở mức giá hấp dẫn. Rất nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp thua lỗ nhưng vẫn được đẩy giá lên rất mạnh đã cho thấy sự thiếu an toàn trong đầu tư.

“Trong bối cảnh rủi ro cao như vậy, nhà đầu tư nên hạn chế việc đảo cổ phiếu, hạn chế mua vào. Đặc biệt, trong lúc này không nên dùng đòn bẩy tài chính mà nên bán dần cổ phiếu đã tăng quá nóng thời gian qua để đảm bảo khi TTCK điều chỉnh vẫn bảo vệ được lợi nhuận”, ông Tuấn khuyến cáo.

Theo Dương Công Chiến

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên