MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro… ý thức

Khi đặt ra câu hỏi “Ai chịu trách nhiệm nâng hạng cho TTCK?” nhiều NĐT có thể sẽ nghĩ ngay đến cơ quan quản lý thị trường. Nhưng trong thực tế, nỗ lực của UBCKNN, HOSE hay HNX… là chưa đủ để giúp TTCK Việt Nam chuyển vị thế từ cận biên (frontier) lên mới nổi (emerging).

Nâng hạng là câu chuyện của cả TTCK không riêng gì cơ quan quản lý vì vậy cần ý thức chung. Nhưng đôi khi ý thức chung lại là một khái niệm có phần xa xỉ. Khi mà có DN đưa CP lên sàn còn bận suy nghĩ làm thế nào để phát hành, lãnh đạo tính đường bán ra CP sao cho có lãi, tức là chỉ mới có tầm nhìn ngắn hạn cho mình. Đến lúc này đây, có lẽ lại xuất hiện một loại rủi ro mới: .

TTCK được nâng hạng, các bên tham gia sẽ được hưởng lợi, và khi đã có quyền lợi trách nhiệm cũng phải kèm theo. Trong quá trình nâng hạng, muốn thúc đẩy một cách nhanh chóng các bên phải chứng tỏ thiện chí của mình để chung tay cùng cơ quan quản lý. Thí dụ: Muốn gia tăng thanh khoản, một trong những tiêu chí mấu chốt để nâng hạng là thị trường cần có nhiều hàng hóa và thanh khoản của mỗi CP đều tăng.

Chúng ta đã chứng kiến nỗ lực của Nhà nước trong việc thúc đẩy cổ phần hóa, IPO, thoái vốn và lên sàn của các doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sở hữu, tất nhiên cũng có một số trục trặc không mong muốn do cả chủ quan lẫn khách quan. Song với NĐT, tiền sẽ đầu tư vào những CP có hoạt động kinh doanh ổn định, phát triển và quan trọng hơn nữa là minh bạch thông tin.

Trong các yếu tố này, minh bạch là dễ thực hiện nhất và trong tầm tay của DN, nhưng thử hỏi có bao nhiêu DN ý thức được điều này. Dù rằng, chất lượng công bố thông tin (CBTT) nói chung đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn có một số DN xem việc này giống như nghĩa vụ (không nhìn thấy quyền lợi) nên chỉ làm vừa đủ, làm cho xong. Thậm chí có DN chỉ minh bạch khi cần (phát hành CP, đẩy giá CP) và xem như “ban ơn” cho NĐT.

Xét riêng rẽ về chất lượng CBTT, có không ít DN đã khẳng định đẳng cấp, chất lượng của mình. Thí dụ, báo cáo thường niên của Dược Hậu Giang (DHG), CTCK HSC (HCM), Tập đoàn Bảo Việt (BVH)… đều được đánh giá cao, thậm chí đoạt giải thưởng quốc tế. Nhưng chênh lệch về chất lượng CBTT của nhóm CP lớn nhất thị trường với nhóm mid cap vẫn còn khoảng cách quá lớn. Việc này nếu còn tiếp tục sẽ lại khiến cho dòng tiền cả trong nước lẫn nước ngoài chỉ tập trung tại 50 CP lớn nhất thị trường và kỳ vọng thanh khoản gia tăng sẽ còn rất xa vời. Một nhóm CP lớn, DN hàng đầu không thể gánh hết trách nhiệm về minh bạch cho cả thị trường. Tại một số TTCK quốc tế, nhiều DN có quy mô nhỏ và vừa được đánh giá rất cao về công tác minh bạch thông tin. Minh bạch là nền tảng, tạo ra niềm tin và sự ổn định trong dài hạn.

Một câu chuyện điển hình khác chứng tỏ sự kém thức thời của một số DN niêm yết liên quan đến chuyện CBTT bằng tiếng Anh. Cho đến thời điểm này, những quy định mang tính bắt buộc về việc này chưa rõ ràng, nhưng thiết nghĩ đây là việc mà chưa cần có quy định các DN cũng nên làm. Việc cơ quan quản lý kỳ vọng các DN sẽ phải CBTT bằng tiếng Anh không nằm ngoài mục tiêu tăng cường minh bạch. CBTT bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau sẽ có nhiều NĐT quan tâm hơn. Đi từ vấn đề này, sẽ thấy rằng chỉ cần DN có ý định minh bạch thì ngôn ngữ không phải là rào cản. Cứ cho rằng tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc tài chính nói tiếng Anh không tốt cũng không khó gì để có phiên dịch. Và dù có rào cản về ngôn ngữ, nếu lãnh đạo DN chia sẻ một cách minh bạch, chân thành các thông tin về DN thì NĐTNN cũng có thể cảm nhận rõ ràng.

Phần lớn các DN niêm yết, dù quy mô có thể khác biệt, nhưng trong ngành nghề của mình đều có vị thế riêng, mà đã như vậy việc có quan hệ kinh doanh với đối tác ngoại và sử dụng tiếng Anh là không tránh khỏi. DN vẫn giao dịch thường xuyên với đối tác bằng tiếng Anh lại không thể CBTT bằng tiếng Anh?

Thiết nghĩ đây là việc không khó, nếu không muốn nói là rất dễ, mấu chốt nằm ở sức ì và sự thiếu trách nhiệm, cầu thị của DN. Một điều rất rõ ràng nếu DN đẩy mạnh CBTT nói chung, bằng tiếng Anh nói riêng thì sự quan tâm của NĐTNN đến mình sẽ gia tăng, có cơ hội gọi vốn, mở mang kinh doanh. Nói đến đây cũng cần đặt câu hỏi về động lực phát triển của các DN cũng như ý thức khi tham gia TTCK. Nói một cách sòng phẳng, TTCK đã đem lại nhiều lợi ích cho từng DN thì chính các DN cũng phải có trách nhiệm với sự phát triển chung.

Những phiên gần đây, CP có yếu tố “mở room” hay có chủ trương mở room như SSI, BIC, VHC, EVE… đã tăng giá rất tích cực. Tính đến thời điểm này, việc DN mở room vẫn bị vướng một số yếu tố và chờ các phương án giải quyết.

Tuy nhiên, các DN không thể lấy lý do này để đổ thừa cho việc chậm nới room. Chẳng hạn, việc tổ chức ĐHCĐ để thông qua chủ trương nới room là chuyện trong tầm tay, nhưng có bao nhiêu DN đã thực hiện? Hiện tại ngoài SSI, đã có bao nhiêu DN trong ngành này nới room. Và thậm chí khi chưa nới room được thì từ chủ trương nới room, các DN cũng có thể phác thảo những kế hoạch nới room và lộ trình thực hiện để các cổ đông, NĐT nắm rõ thông tin.

Sẽ là thiếu hợp lý nếu DN có quan điểm rằng cứ đợi những quy định cụ thể về nới room xuất hiện lúc đó sẽ tiến hành, còn bây giờ cứ tạm gác lại. Điều này vừa mang tính thụ động vừa cho thấy sự thiếu hưởng ứng với xu hướng chung. Thậm chí có thể nói rằng, trong quá trình nới room vẫn sẽ còn gặp những khúc mắc trong quy định, văn bản pháp lý thì các DN phải xắn tay áo vào làm mới xác định được vấn đề. TTCK là thị trường của kỳ vọng, nhưng kỳ vọng trong tương lai cần được nuôi dưỡng bởi những hành động thiết thực, cụ thể ở hiện tại.

Theo TRẦN LÊ NGỌC CHÂU

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Trở lên trên