MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh sẽ ra đời sau khi hợp nhất hai Sở

Thời gian qua, một số sản phẩm CKPS hoặc sản phẩm tương tự đã được một số công ty chứng khoán tổ chức giao dịch nhưng nhanh chóng bị cấm thực hiện do không có quy định pháp lý hướng dẫn.

Sáng nay, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) đồng tổ chức hội thảo: “Nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS)”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK nhấn mạnh sự cần thiết phải có TTCKPS tại Việt Nam và tầm quan trọng của Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCKPS.

Thực tế, thời gian qua, một số sản phẩm CKPS hoặc sản phẩm tương tự đã được một số công ty chứng khoán tổ chức giao dịch nhưng nhanh chóng bị cấm thực hiện do không có quy định pháp lý hướng dẫn.

Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh là một bộ phận của SGDCK Việt Nam sau khi hợp nhất hai SGDCK hiện tại

Do đó, khung pháp lý về CKPS mà UBCK đang xây dựng sẽ cởi nút thắt cho các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, cá nhân mong muốn được giao dịch các CKPS, một công cụ phòng vệ rủi ro và đầu tư sinh lợi vốn đã phổ biến trên thế giới nhưng còn lạ lẫm tại Việt Nam.

Các nội dung chính của Dự thảo Nghị định

Về phạm vi điều chỉnh

Theo ông Nguyễn Sơn, đại diện Ban soạn thảo Nghị định, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán - UBCK, Bộ Tài chính, UBCKNN chủ trương phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tập trung, bỏ qua giai đoạn hình thành thị trường phái sinh phi tập trung (OTC) theo trật tự của nhiều thị trường tài chính trên thế giới là thị trường OTC hình thành trước, thị trường tập trung hình thành sau.

Trước mắt, Nghị định chỉ điều chỉnh các hoạt động giao dịch, niêm yết, kinh doanh, đầu tư và dịch vụ liên quan đến các công cụ phái sinh trên chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số cổ phiếu…

Trước mắt, trong phạm vi quản lý của UBCK, Nghị định chỉ điều chỉnh các hoạt động giao dịch, niêm yết, kinh doanh, đầu tư và dịch vụ liên quan đến các công cụ phái sinh trên chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số cổ phiếu…

Tuy nhiên về dài hạn sẽ thống nhất hoạt động thị trường phái sinh có công cụ gốc là chứng khoán, hàng hóa và tiền tệ theo định hướng tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Điều đó có nghĩa, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có một thị trường chứng khoán phái sinh tập trung, giúp hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Về cấu trúc tổ chức thị trường

Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh là một bộ phận của SGDCK Việt Nam sau khi hợp nhất hai SGDCK hiện tại (SGDCK Hà Nội và SGDCK Việt Nam) thành một SGDCK duy nhất.

Sàn giao dịch CKPS là một bộ phận (hệ thống) thuộc SGDCK Việt Nam, không có tư cách pháp nhân, vận hành song hành cùng sàn giao dịch cổ phiếu, sàn giao dịch trái phiếu. Theo đại diện của UBCKNN, đây là mô hình của nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới hiện nay, đặc biệt là Hàn Quốc là thị trường châu Á hết sức thành công mà Việt Nam đang học hỏi.

Về tổ chức trung gian của TTCKPS

định hướng chỉ cho phép khoảng 15%-20% các CTCK hiện có trên thị trường (khoảng 20 CTCK) có cơ hội tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

Dự thảo Nghị định đã cho phép các ngân hàng thương mại được tham gia làm thành viên giao dịch, thành viên thanh toán trên thị trường CKPS bên cạnh các công ty chứng khoán hiện có. Hiện nay, các NHTM là thành viên hết sức tích cực trên thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt trong lựa chọn các CTCK về vốn và tỷ lệ an toàn tài chính, cơ sở hạ tầng, định hướng chỉ cho phép khoảng 15%-20% các CTCK hiện có trên thị trường (khoảng 20 CTCK có cơ hội tham gia TTCKPS).

Về cơ chế giao dịch và cơ chế thanh toán bù trừ

Các CKPS do SGDCK xây dựng theo những nguyên tắc cơ bản được quy định trong hợp đồng mẫu, được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch CKPS sau khi được UBCKNN chấp thuận. Nhà đầu tư muốn giao dịch các CKPS phải ký hợp đồng mở tài khoản (hợp đồng môi giới) với các CTCK, ký quỹ ban đầu trước khi giao dịch.

TTCKPS yêu cầu phải có hệ thống thanh toán bù trừ theo mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Trung tâm thanh toán bù trừ CKPS là một bộ phận độc lập được đặt tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) với tên tạm gọi VSD-CCP. Mô hình CCP là yêu cầu cần thiết, đặc thù cho thị trường CKPS nhằm ngăn ngừa rủi ro hệ thống, gây đổ vỡ thị trường.

Tại Hội thảo, chuyên gia tư vấn của Viện nghiên cứu Nomura và chuyên gia của GIZ tại Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bù trừ đối tác trung tâm (CCP) trên thị trường CKPS.

Về giám sát

Giám sát trên thị trường CKPS là rất quan trọng và có những khác biệt đối với công tác giám sát các sản phẩm cơ cấu (như ETF- Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục). Giám sát trên TTCKPS cần có sự phối chặt chẽ với giám sát trên thị trường cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu,...) để ngăn ngừa thao túng, lũng đoạn trên hai thị trường.

Có thể nói, dự thảo Nghị định đã bao gồm cơ bản các nội dung điều chỉnh về niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư và dịch vụ về CKPS và thị trường CKPS.

Ông Nguyễn Thanh Hải- chuyên gia cao cấp của Tổ chức GIZ tại Việt Nam tại hội thảo đã đánh giá Nghị định là văn bản pháp lý hết sức quan trọng và cần thiết, đánh dấu bước phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức GIZ sẵn sàng hỗ trợ cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam trong công tác đào tạo, tập huấn và tư vấn về xây dựng khung pháp lý cho phát triển TTCKPS.

Hội thảo cũng nhận được ý kiến đóng góp và tham gia tích cực của các thành viên thị trường, các chuyên gia tư vấn của Viện nghiên cứu Nomura (NRI) của Nhật Bản; đại diện công ty chứng khoán SSI- ông Phạm Ngọc Bích đối với dự thảo Nghị định và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển một số loại CKPS trong thời gian đầu hình thành thị trường phái sinh như hợp đồng tương lai trái phiếu (bond futures), chứng quyền (cover warrent)...

Trà My

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên