MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáp nhập 2 Sở: Quan trọng là sự đồng thuận

Cái được từ sáp nhập là tiết kiệm chi phí, quản lý có thể quy về một mối…, nhưng cái mất có thể cũng không nhỏ, ví dụ như sự xáo trộn khó tránh khỏi.

Dù mới chỉ dừng ở mức độ xây dựng đề án tại cấp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nhưng câu chuyện sáp nhập 2 Sở GDCK đang được bàn tán râm ran trên thị trường. Liệu khả năng sáp nhập 2 Sở với nhau có khả thi và câu chuyện sáp nhập nếu xảy ra thì nên như thế nào là tốt nhất? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với chuyên gia độc lập Huy Nam về các vấn đề xoay quanh câu chuyện đang nóng hổi này.

UBCK đang xây dựng đề án tái cấu trúc TTCK trong đó có phương án sáp nhập Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) lại với nhau. Ông có nhận xét gì về phương án này?

Ở nhiều nước, việc sáp nhập các Sở GDCK là rất bình thường và không quá khó khăn, bởi các Sở này hoạt động dưới hình thức sở hữu tư nhân. Vì thế, khi có ý định và thấy ở nhau sự đồng lòng cũng như thấy được lợi ích của sự sáp nhập, quá trình sáp nhập diễn ra nhanh chóng.

Ở Việt Nam thì khác. Có thể thấy, sáp nhập 2 Sở GDCK, nếu xảy ra sẽ chủ yếu đến từ chủ trương của UBCK và cơ quan cấp cao hơn. Chủ trương này có thể xuất phát từ những tính toán như sau sáp nhập, việc tổ chức, quản lý có thể sẽ ít chi phí hơn, công tác nhân sự, kỹ thuật cho điều hành TTCK cũng có thể tiết giảm…

Nhưng từ nhu cầu thị trường, liệu có cần một cuộc sáp nhập, theo ông?

Nếu chỉ dựa vào hoạt động giao dịch đơn thuần trên thị trường thì rất khó có đánh giá chính xác. Vì lượng giao dịch giai đoạn này có thể ít và thị trường ảm đạm khiến người ta có cảm giác không cần phải tổ chức một bộ máy cầu kỳ để quản lý điều hành. Nhưng nếu ngày mai hay trong tương lai, nhu cầu giao dịch thay đổi, lượng mua bán tăng lên thì sẽ thế nào?

Hiện tôi vẫn thấy việc duy trì hình thức 2 Sở GDCK không có gì bất ổn cả. Thậm chí, nhờ tổ chức thành 2 Sở mà việc cạnh tranh, cải tiến để thu hút hàng hóa chất lượng cao cũng được nâng tầm. Tuy nhiên, nhiều khả năng, phía UBCK đã thấy được những lợi ích từ việc sáp nhập nên mới nghiên cứu về khả năng này.

Nếu đề án sáp nhập 2 Sở được UBCK và Bộ Tài chính đồng thuận đề xuất triển khai, theo ông nên sáp nhập như thế nào để đạt hiệu quả nhất?

Từng nấc một, từ 2 Sở với nhau, đến Sở - UBCK và cao hơn là Bộ Tài chính đều cần tìm được tiếng nói đồng thuận. Đặc biệt là giữa 2 Sở phải có sự thông tỏ, tin tưởng và tự nguyện sáp nhập. Về phía UBCK, cần cân nhắc kỹ càng hơn những được - mất của việc sáp nhập trên bình diện tổng thể thị trường.

Cái được từ sáp nhập là tiết kiệm chi phí, quản lý có thể quy về một mối…, nhưng cái mất có thể cũng không nhỏ, ví dụ như sự xáo trộn khó tránh khỏi. Nếu đã xác định phải sáp nhập thì một phương án sáp nhập chi tiết (như thời điểm sáp nhập, kỹ thuật sáp nhập, những vấn đề nảy sinh sau sáp nhập…) theo hướng có nghiên cứu kỹ lưỡng, có dự trù mọi khả năng xảy ra là rất cần thiết.

Liệu TTCK Việt Nam chịu tác động như thế nào nếu diễn ra việc sáp nhập 2 Sở, thưa ông?

Rất khó để đo được mức độ tác động của tiến trình sáp nhập 2 Sở GDCK lên hoạt động của TTCK. Nhưng một điều chắc chắn là bấy giờ, nhà đầu tư sẽ phải chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Thay vì chỉ giao dịch ở sàn TP. HCM hay sàn Hà Nội thôi, khi đó số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư phải sàng lọc và theo dõi sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu không chuyên nghiệp, nhà đầu tư rất khó tìm thấy cơ hội đầu tư phù hợp.

Vậy theo ông, điều kiện cho sáp nhập 2 Sở hiện đã chín mùi chưa?

Phải thấy rằng, trước đến giờ chúng ta chưa từng triển khai công việc nào như thế. Nếu việc sáp nhập 2 Sở xảy ra, đây là lần đầu tiên mà chúng ta đặt lên bàn để cân nhắc. Do đó, nếu bây giờ bạn hỏi đại diện 2 Sở hay phía UBCK thì cũng khó nhận được câu trả lời chính xác. Mọi người vẫn sẽ nói phải nghiên cứu, xem xét thêm. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc, chứ không đơn thuần triển khai theo cảm tính hay theo ý chí chủ quan. Phải nghiên cứu như nghiên cứu một dự án, dưới nhiều góc độ và có phân tích lợi hại rõ ràng.

UBCK nghiên cứu 3 phương án về mô hình 2 Sở

Liên quan đến vấn đề được dư luận quan tâm gần đây về ý tưởng sáp nhập 2 Sở GDCK tại Việt Nam, lãnh đạo UBCK cho biết, đây không phải là câu chuyện mới, bởi UBCK đã nghiên cứu ý tưởng này từ năm 2010 trong quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển TTCK Việt Nam 2010-2020.

Theo đó, UBCK xây dựng 3 mô hình cho việc tái cấu trúc 2 Sở. Thứ nhất là giữ nguyên mô hình như hiện tại; thứ hai là sáp nhập 2 Sở thành 1 Sở và thứ ba là xây dựng mô hình công ty mẹ con, trong đó 2 Sở là 2 công ty con, trực thuộc cùng một công ty mẹ và quản lý các mảng thị trường riêng biệt. Cả 3 phương án này đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng và vẫn trong giai đoạn nghiên cứu để tìm mô hình tối ưu cho TTCK Việt Nam.

Từ thị trường, tham khảo của ĐTCK cho thấy, nhiều CTCK cho rằng, nếu sáp nhập 2 Sở sẽ giúp họ giảm chi phí đầu tư và vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán, khi họ chỉ phải kết nối với 1 Sở, thay vì 2 Sở như hiện nay. Tuy nhiên, việc thành lập và quyết định mô hình vận hành của 2 Sở GDCK là theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 Sở hiện đều là Công ty TNHH 100% vốn nhà nước, ra đời nhằm thực hiện các mục tiêu lớn của Chính phủ trong từng thời kỳ.

Thực tế, mỗi sở có vai trò và nhiệm vụ chính trị riêng, nên khả năng có sáp nhập hay không đến nay vẫn là một câu hỏi ngỏ. Theo một số ý kiến, phương án sáp nhập 2 Sở sẽ rất khó xuất phát từ sự tự nguyện của các bên.


Theo Ngọc Thủy
ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên