MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SBS: Tiếng kêu cứu từ cổ đông nhỏ lẻ

Số lỗ khủng của SBS không chỉ khiến các cổ đông mất mát về tài sản, mà có cả sự thất vọng với những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Báo cáo tài chính quý I/2012 của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã đưa SBS trở thành CTCK có số lỗ kỷ lục trên TTCK Việt Nam. Thua lỗ đã xảy ra, nhưng với các cổ đông của SBS, đó không chỉ là sự mất mát về tài sản mà có cả sự thất vọng với những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Lời kêu cứu từ cổ đông

Dồn toàn bộ vốn liếng tích góp của “đời công chức” vào cổ phiếu SBS với mức giá mua bình quân 35.000 đồng/cổ phiếu, “với ước mong nhận được cổ tức nhằm cải thiện cuộc sống đang lúc xế chiều”, nhưng rồi, toàn bộ vốn liếng ấy giờ đứng trước nguy cơ chỉ còn là một đống giấy lộn, bởi chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, SBS đã chuyển từ hoạt động có lãi sang lỗ lũy kế tới… hơn 1.445 tỷ đồng. Giá cổ phiếu SBS cũng giảm về còn bằng số lẻ của giá mua (chưa đến 5.000 đồng/CP). Đó là nỗi đau chung của nhiều cổ đông SBS.

Nếu đem so sánh với vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng, xem như SBS đã mất hết vốn. Trong hoàn cảnh này, đã, đang và sẽ có rất nhiều gia đình đau khổ như chúng tôi” (trích thư “kêu cứu và tố giác tội phạm” mà NĐT gửi tới Báo Đầu tư Chứng khoán).

Theo NĐT này, năm 2009 và 2010, SBS liên tục công bố lãi và chia cổ tức tỷ lệ 10%, khiến họ tưởng quyết định đầu tư của mình là sáng suốt. Tuy nhiên, đến hết quý I/2012, từ chỗ là một công ty làm ăn có lãi, SBS ghi nhận số lỗ lũy kế lên tới hơn 1.445 tỷ đồng. Nếu không có khoản trái phiếu chuyển đổi 800 tỷ đồng, SBS đã phải ghi nhận vốn chủ sở hữu chỉ còn mức gần 70,5 tỷ đồng. Đây có lẽ là đòn giáng mạnh vào niềm tin của những NĐT, những cổ đông đã gắn bó, tin tưởng SBS trong suốt thời gian qua.

Những nghi vấn của cổ đông

Trong tài liệu gửi Đầu tư Chứng khoán, đi kèm với những lời than phiền và bức xúc vì đã bị thiệt hại tài chính, NĐT cũng đề cập đến các nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ “khủng” của SBS. Theo NĐT này, đây là kết quả của quá trình tìm hiểu, điều tra và cả thuê thám tử tư. 6 nguyên nhân được NĐT trích dẫn chủ yếu xoay quanh vấn đề Ban lãnh đạo SBS đã không nghiêm túc trong quá trình điều hành, giấu lỗ trong thời gian dài.

Theo tài liệu NĐT gửi kèm, điểm đáng chú ý là Ban lãnh đạo SBS đã dùng khá nhiều nguồn lực vào việc cho vay các khách hàng đầu tư chứng khoán, nhất là các khách VIP, khách ngoại giao, khách “người nhà”… Tuy nhiên, khi giá cổ phiếu giảm sâu so với mức giá giải ngân, dẫn đến việc giá trị tài sản ròng của NĐT bị âm, nhưng vẫn được Công ty nhân nhượng. NĐT đã trích dẫn một tờ trình của chi nhánh thuộc SBS đề ngày 29/10/2010 gửi Ban Tổng giám đốc và Giám đốc Khối môi giới khách hàng trong nước. Theo đó, một khách hàng của SBS đang có khoản vay 58.410 cổ phiếu SBS với số tiền vay 1,985 tỷ đồng (tương đương giá vay 34.000 đồng/cổ phiếu). Tại thời điểm trình, giá cổ phiếu đã về 23.800 đồng/CP, nhưng vẫn được thông qua việc tiếp tục gia hạn hợp đồng vay, dời giá trigger (giá bán thu hồi nợ) xuống 20.000 đồng/cổ phiếu, với lý do đây là khách hàng nội bộ, gặp một số điều kiện khó khăn.

Điểm thứ hai là Báo cáo về Công tác xử lý dự phòng đề ngày 19/9/2011 của bà T.M.A.T – người “được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi công tác xử lý dự phòng nhằm mục đích tránh lập dự phòng cho Công ty SBS vào thời điểm 30/6/2011” gửi Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc điều hành SBS. Theo nội dung báo cáo này, tính đến tháng 9/2011, tổng số tiền SBS phải trích lập dự phòng là 1.651 tỷ đồng, trong đó đã trích lập 225 tỷ đồng, cần trích lập thêm 1.426 tỷ đồng. Cũng trong công văn này, bà T.M.A.T viết: “Để tránh lập dự phòng, Công ty cần thực hiện ký kết các hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu mà công ty đang nắm giữ (bao gồm cổ phiếu tự doanh và cổ phiếu cầm cố) có khả năng giảm giá so với giá vốn hoặc giá cho vay tại thời điểm 30/6/2011”.

Với báo cáo này, NĐT cho rằng, việc giấu lỗ tại SBS là có chủ trương. “Điều này cũng giải thích lý do SBS luôn có lãi nhưng khi lỗ là mất vốn và lỗ rất nhanh”, NĐT viết.

Mức độ chính xác của các tài liệu này đến đâu, còn phải chờ thông tin phản hồi từ phía SBS và sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có một sự thật là: SBS đã bị thua lỗ và các cổ đông đang phải trả giá cho các thua lỗ ấy. Chỉ có điều, thị trường đang tồn tại câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm cho những thua lỗ quá lớn tại SBS?

Theo Bùi Sưởng
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên