MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC được thêm quyền: Hạ giá khởi điểm, bán dưới mệnh giá công ty thua lỗ

Sau một thời gian lùm xùm về cơ chế lấy tiền vốn của DN gửi ngân hàng, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã có hành lang pháp lý mới với quyền hành rộng hơn.

Theo đó SCIC được sử dụng nhiều hình thức bán vốn. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn cần đặt ra: Điều này liệu có làm tăng hiệu quả quản lý vốn của Nhà nước đối với DN?

Từ ngày 20-12 tới, SCIC sẽ tiếp nhận cả các công ty liên doanh có vốn góp nhà nước do các Bộ, địa phương làm đại diện chủ sở hữu. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Khi tiếp nhận, SCIC sẽ thực hiện đánh giá lại vốn nhà nước sát với thị trường để làm căn cứ quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý vốn của SCIC, trích thưởng thành tích quản lý vốn.

Về hoạt động bán vốn nhà nước tại các DN, Nghị định cho phép SCIC chủ động bán vốn theo đúng tiêu chí, danh mục DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn. SCIC được sử dụng nhiều hình thức bán vốn như khớp lệnh, đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận, hoán đổi cổ phiếu.

Mục đích việc bán vốn của SCIC tại các DN tiếp nhận là để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, giảm vốn nhà nước tại các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn, không phải là bán vốn của cổ đông sáng lập và không phải thực hiện theo quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng.

Đặc biệt SCIC được quyền hạ giá khởi điểm khi bán đấu giá không thành công; đấu giá bán cả lô đối với các DN thuộc đối tượng bán hết vốn nhà nước và bán thấp hơn mệnh giá đối với các DN thua lỗ nhằm thu hồi tối đa phần vốn nhà nước đã đầu tư.

Riêng về hoạt động đầu tư của SCIC bao gồm: đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty hoặc công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con hoạt động trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà Nhà nước cần nắm giữ quyền chi phối; đầu tư theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào những lĩnh vực trọng yếu; SCIC phải dành tối thiểu 70% tổng mức vốn đầu tư để thực hiện các hoạt động đầu tư trên, còn lại 30%, Tổng công ty chủ động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế.

Trong 8 năm (từ 2006 đến 2013) SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 DN. Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu vốn nhà nước tại DN, SCIC đã triển khai bán phần vốn nhà nước tại các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nằm giữ hoặc chi phối, đồng thời thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế trên nguyên tắc hiệu quả.

Tính đến nay, SCIC đã thực hiện bán vốn tại hơn 600 DN, thu về cho Nhà nước gần 4.000 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách, khoản tiền thu được gấp hơn 2 lần với trên 2.000 tỷ đồng giá trị thặng dư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phải xây dựng một quy chế rõ ràng về hoạt động của các chủ đại diện và mối quan hệ ràng buộc giữa SCIC và các đại diện sở hữu vốn tại DN là cần thiết, nhưng cần phải theo cơ chế thị trường.

Một chuyên gia bình luận rằng, việc cho phép SCIC được quyền hạ giá khởi điểm khi bán đấu giá không thành công; đấu giá bán cả lô là cơ chế mở, nhưng nếu không cẩn thận sẽ khiến cho vốn chui về "sân sau”.

Còn đại diện Bộ Tài chính hi vọng rằng, với chiếc áo mới sau 8 năm tồn tại SCIC sẽ trở thành công cụ, một kênh truyền vốn để Nhà nước chủ động trong việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN và đầu tư theo hướng tập trung hơn vào các ngành, lĩnh trọng yếu.

Theo Hồ Hương

phuongmai

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên