MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có những giao dịch thỏa thuận đột biến trong thời gian tới?

Các ngân hàng trong diện nợ xấu trên 3% phải tích cực đưa ra giải pháp giảm nợ xấu hoặc tăng dư nợ tín dụng lên mạnh mẽ hoặc cuối cùng phải chấm dứt cho vay đầu tư cổ phiếu.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2014 của các Ngân hàng thương mại, tại thời điểm 30/09/2014, khá nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Chỉ tính trong số các ngân hàng đã công bố đầy đủ báo cáo, đã có NH Quân đội, Quốc Dân, Eximbank, ACB, PGbank và Techcombank đứng trong hàng ngũ này.

Chưa kể trong số gần 40 ngân hàng tại Việt Nam, số liệu công bố gần nhất cho thấy đã có những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao vọt như Agribank là 7,5% (tại 31/12/2013), PVcombank là 5,2% (tại 30/06/2014), NH Đông Á là 13,1% ...

Theo thông tư 36 mới được Ngân hàng nhà nước ban hành, đối với hoạt động cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 01/02/2015 sẽ được thực hiện cho đến hết thời hạn của hợp đồng nhưng phải có phương án xử lý cụ thể, trong đó có thể bị thu hồi nếu tại ngày 01/02/2015, NHTM không đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 14.

Còn khoảng 2 tháng nữa là đến thời điểm thông tư này có hiệu lực. Tại bản tin ngày 21/11 của Công ty chứng khoán Rồng Việt, các chuyên gia cho rằng, chắc chắn có một giá trị không nhỏ để cho vay đầu tư cổ phiếu tại các ngân hàng trên. Và các ngân hàng trong diện nợ xấu trên 3% phải tích cực đưa ra giải pháp giảm nợ xấu hoặc tăng dư nợ tín dụng lên mạnh mẽ hoặc cuối cùng phải chấm dứt cho vay đầu tư cổ phiếu.

Nếu trường hợp cuối là phổ biến, thị trường sẽ nhìn thấy nhiều giao dịch thỏa thuận lớn trong thời gian tới.

Như các chuyên gia vẫn đánh giá, mặc dù đến tháng 10/2014, NHNN đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 nhưng kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Các giải pháp để xử lý chủ yếu là các giải pháp “truyền thống” như thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, đặc biệt tăng sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm.

Nhìn chung, việc thực hiện các giải pháp trên vẫn còn gặp những vướng mắc do lịch sử hoạt động của ngành Ngân hàng từ trước, do khuôn khổ pháp luật và chức năng của VAMC còn hạn chế.

Về việc tăng trưởng tín dụng, báo cáo của NHNN cho biết, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng trưởng được 7,26% và có khả năng đạt được mục tiêu 12% cả năm. Dù vậy, con số tăng trưởng tín dụng này vẫn thường được đưa ra mổ xẻ về sự chính xác và ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ.

Bên cạnh đó, tín dụng tăng thấp là mối lo của các ngân hàng nhưng không vì thế mà nhà băng bất chấp để cho vay. Trong bối cảnh nợ xấu cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn yếu thì việc “bất chấp” để tăng trưởng tín dụng đi cùng với nỗi lo lớn hơn về tăng trưởng nợ xấu.

Như CTCK Rồng Việt đánh giá, giải pháp tăng dư nợ tín dụng có vẻ không khả thi. Vì vậy, giải pháp dễ làm hơn để đáp ứng các điều kiện của Thông tư 36 là thu hồi, xử lý dần các khoản cho vay để kinh doanh cổ phiếu.

>> Ngân hàng sẽ phải xử lý như thế nào khi cho vay mua cổ phiếu vượt quá 5% vốn điều lệ?

Nhật Minh

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên