Sống nhờ liên kết
Trong mấy năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) gặp khó, nhiều doanh nghiệp niêm yết "thừa vốn" tìm cách liên doanh, liên kết mua cổ phần của những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.
Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) vẫn là tay chơi khác biệt trên thị trường chứng khoán. Có thời điểm, SSI dành khoảng 30% tổng giá trị đầu tư dành cho các công ty liên kết. Vào lúc kinh tế khủng hoảng, lĩnh vực nông nghiệp vẫn tăng trưởng vững chắc đã đem về khoản lợi nhuận khá cho SSI, cứu những bàn thua lỗ đầu tư vào chứng khoán.
Tay chơi chuyên nghiệp
Những nước cờ liên kết của SSI thể hiện kinh nghiệm nhận định, đánh giá thị trường của người cầm lái, là ông Nguyễn Duy Hưng. SSI tìm kiếm những doanh nghiệp mệnh giá thấp hơn giá trị thực để đầu tư trong dài hạn. 2/3 số công ty liên kết của SSI hiện nay đều có giá cổ phiếu thấp, ít thanh khoản như: Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC), Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC), Transimex - Sài Gòn (TMS), Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF)...
Cuối tháng 3, SSI có 11 công ty liên kết, tăng 2 công ty so với báo cáo kiểm toán 2012 là Công ty CP Bibica (BBC) và Công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFG) (mới mua thêm cổ phần trong quý I/2013 với tỷ lệ nắm giữ 20%).
SSI căn cứ vào những giá trị mà nông sản Việt Nam đã khẳng định được vị thế đã đạt được trên thị trường thế giới. Số công ty liên kết khác tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng hàng đầu trong nước nên cũng rất tiềm năng, có tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ổn định, mức chi trả cổ tức cao…
SSI dẫn ra một số điển hình như Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, với 5 năm liên tục có lợi nhuận sau thuế tăng trung bình 52%/năm và chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 30% mệnh giá 1 năm; hay Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre tăng trưởng trên 15%/năm và trả cổ tức đến 60% mệnh giá…Hiện tại, SSI đã thoái vốn khỏi Công ty Thuỷ sản Bến Tre, nhưng Công ty liên kết PAN vẫn còn nắm 50% cổ phần ở đây. SSI mới công bố lợi nhuận sau thuế quý II đạt 51,2 tỷ đồng, giảm 57% cùng kỳ 2012. Doanh thu của SSI trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 378 tỷ đồng, lợi nhuận từ công ty liên kết đạt 105 tỷ đồng.
Theo sau SSI đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết thành công chính là Công ty CP Cơ điện lạnh (REE). Trước đây, có thời điểm REE cũng lao vào đầu tư tài chính nhưng bị thua lỗ nặng, nên buộc phải rút khỏi cuộc chơi. Rút kinh nghiệm, REE trở về tập trung vào mảng kinh doanh chính cốt lõi, bao gồm: cơ điện (M&E), sản xuất và thương mại, khai thác bất động sản cho thuê.
Sau đó, REE vẫn tham vọng mở rộng sang lĩnh vực năng lượng mới. Việc REE chọn đầu tư vào ngành năng lượng với lý do là: hoạt động ổn định bất chấp suy thoái kinh tế; cầu vượt xa cung; thu nhập ổn định; thời điểm thuận lợi cho M&A do giá cổ phiếu giảm sâu.
Mục đích của REE khi đầu tư vào các công ty năng lượng là biến họ trở thành công ty liên kết của REE và lợi ích chính của chiêu thức này là kiểm soát được thông tin trong doanh nghiệp, giảm thiểu việc trích lập dự phòng, vì số cổ phiếu lưu hành sẽ giảm xuống và được ghi nhận tỷ lệ lợi nhuận trên tỷ lệ góp vốn.
Lợi nhuận đột biến
Báo cáo tài chính quý II/2013, REE "hiên ngang" công bố với lãi ròng tăng đột biến lên 529 tỷ đồng nhờ các khoản đầu tư vào công ty liên kết. Cụ thể, trong quý, Công ty đạt doanh thu 610 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhờ có khoản lợi nhuận liên doanh, liên kết lên đến 382 tỷ đồng mà lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng vọt lên 529,4 tỷ đồng, tăng 256% so với cùng kỳ, gấp 5 lần quý trước.
Công ty cho biết khoản lợi nhuận liên kết 382 tỷ đồng chủ yếu đến từ các công ty liên kết gồm Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Công ty CP Than Đèo Nai (TDN), Công ty CP Than Núi Béo (NBC).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, REE có doanh thu thuần đạt 1.123 tỷ đồng, giảm 5%; lãi ròng 639,6 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty chỉ mới hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu nhưng đã thực hiện được 98% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Điều đó chứng tỏ các khoản đầu tư, liên doanh, liên kết của REE đã mang lại hiệu quả nhất định. Hiện REE có 13 công ty liên kết và một công ty đồng kiểm soát. Việc hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu các công ty liên kết mới như PPC, TDN, NBC đã góp phần mang lại lợi nhuận đáng kể cho khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Một số công ty niêm yết khác cũng có những khoản lợi nhuận sống nhờ vào các công ty liên kết hoặc từ những doanh thu khác như: Công ty CP Hàng hải Hà Nội (MHC) cũng từng công bố lợi nhuận đột biến nhờ nguồn thu từ hoạt động liên doanh, liên kết.
Còn Công ty CP Đầu tư Địa ốc Khang An (KAC) dù không có một đồng doanh thu nào trong quý nhưng vẫn công bố có lợi nhuận từ hoạt động khác. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, KAC đạt vỏn vẹn 4,2 tỷ đồng doanh thu thuần chỉ bằng chưa đến 2% mức doanh thu thuần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 1,15 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch đề ra.
Như vậy, với nhiều cách tìm kiếm lợi nhuận, doanh nghiệp vẫn sống được dù lĩnh vực chính có thể gặp khó khăn hoặc thua lỗ. Một số tay chơi chuyên nghiệp như SSI hay REE đã có những thành công nhất định thông qua liên doanh, liên kết. Có lẽ đây cũng là hướng đi đúng khi chủ doanh nghiệp quyết tâm đầu tư chứ không chịu cảnh khó khăn, bế tắc của thị trường.
Theo Sơn Long
Thời báo kinh doanh