MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng sức mạnh cho doanh nghiệp niêm yết

Trong những lúc doanh nghiệp lâm nguy, cổ đông chiến lược có thể nhanh chóng giúp toàn thể cổ đông trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh..., tránh cho việc quản trị doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào vài người.

Qua tổng kết từ thực tiễn, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, các thương vụ M&A theo phương thức tự nguyện đang ngày càng phát triển và mang tính hội nhập, chiếm trên 90% các thương vụ mua bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

Những thương vụ M&A này thường diễn ra suôn sẻ thuận lợi và tất cả các bên đều có lợi. Tuy nhiên, vẫn còn những vụ M&A không tự nguyện có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.

M&A không tự nguyện cũng có lợi


Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh không hiệu quả thường không có cổ đông lớn tham gia mà chỉ bao gồm cổ đông cá nhân nhỏ lẻ và cổ đông nhà nước.

Khi đó, nhà đầu tư chiến lược lựa chọn trong nhóm này những doanh nghiệp không có nợ nhiều, không có cổ đông nhà nước hay tỷ lệ cổ phần nhà nước ở mức thấp để thực hiện chiến dịch thu gom cổ phiếu. Trong khoảng thời gian không dài, họ có thể làm chủ doanh nghiệp để thực hiện chiến lược tái cơ cấu nhằm phục hồi phát triển doanh nghiệp.

Cũng có 1 số trường hợp, nhà đầu tư chiến lược tham gia mua khoảng từ 10-30%/vốn điều lệ của doanh nghiệp theo các đợt phát hành riêng lẻ nhằm mục tiêu ban đầu là đầu tư tài chính hoặc được ưu tiên cung cấp hàng hoặc ưu tiên mua hàng theo giá thị trường...

Tuy nhiên trong quá trình là cổ đông lớn, có thể doanh nghiệp gặp khủng hoảng, khó khăn do Ban điều hành yếu kém năng lực hay do tham nhũng của ban điều hành.... giá cổ phiếu liên tục lao dốc. Để cứu lấy mình và có thể theo đề nghị của các cổ đông lớn, đối tác chiến lược đó sẽ tăng mua tỷ lệ cổ phần và thực hiện M&A.

Theo VAFI, đa phần các cổ đông tại doanh nghiệp yếu đều kỳ vọng có sự tham gia điều hành của các đối tác này, nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về vốn, thị trường và nhân sự quản lý...

Liệu thương hiệu Việt có mất đi sau các thương vụ M&A hay bị thôn tính bởi nhà đầu tư nước ngoài hay không (?). Trên thực tế thương hiệu Việt, kể cả những thương hiệu nổi tiếng nhất không phải là thương hiệu toàn cầu hay thương hiệu khu vực mà chỉ có giá trị trên lãnh thổ Việt Nam.

Thương hiệu Việt chỉ tồn tại và phát triển nhờ phương thức quản trị doanh nghiệp tốt, ai điều hành quản lý thương hiệu doanh nghiệp cũng được, miễn là có hiệu quả. Hiện nay, hàng trăm thương hiệu Việt nổi tiếng đã biến mất, đang dần biến mất hoặc chỉ tồn tại ở những vùng nông thôn nhỏ bé là do quản trị doanh nghiệp yếu kém, chứ không phải do M&A hay bị thôn tính.

Cần chấp nhận thực tế

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, đa phần các Ban quản trị doanh nghiệp xác định lên sàn niêm yết đều nhằm mục đích: nâng cao phương thức quản trị doanh nghiệp, huy động vốn phát triển doanh nghiệp, làm giàu cho bản thân và người lao động trong doanh nghiệp...

Dĩ nhiên là phải chấp nhận nguy cơ bị thôn tính, hay nguy cơ bị bãi nhiệm bởi chính cổ đông công ty. Thực tế đã chứng tỏ rằng, các Ban quản trị doanh nghiệp đã thu được rất nhiều lợi ích hơn nhà đầu tư chứng khoán, kể cả trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng.

Hiện tại, đa phần lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa không muốn Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nhiều lãnh đạo đã phải rất vất vả đi xin giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước theo chủ trương của Chính phủ nhằm tạo tiền đề cơ bản để thay đổi cơ cấu cổ đông, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết mong muốn doanh nghiệp mình thu hút được nhiều nhà đầu tư tổ chức và đối tác chiến lược để cho doanh nghiệp có nhiều điều kiện phát triển.

Trước tình hình đó, VAFI cho rằng, trong bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên có cổ đông chiến lược có uy tín, cổ đông là nhà đầu tư tài chính thường chỉ có vai trò lớn là đóng góp vốn còn góp ý cụ thể về cung cách điều hành sản xuất, chiến lược sản xuất kinh doanh là không có nhiều khả năng.

Sự có mặt của cổ đông chiến lược trong nhiều công ty sẽ làm tăng tính an toàn cho các khoản đầu tư tài chính. Trong những lúc doanh nghiệp lâm nguy, cổ đông chiến lược có thể nhanh chóng giúp toàn thể cổ đông trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh..., tránh cho việc quản trị doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào vài người...

“Có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vui vẻ chấp nhận rời cương vị quản lý hiện hành sau khi doanh nghiệp bị thôn tính. Họ vui vẻ vì không quá tham lam, vì họ cũng có nhiều quyền lợi từ tiến trình thay đổi cấu trúc cổ đông doanh nghiệp đồng thời yên tâm rằng doanh nghiệp tiếp tục tồn tại, phát triển và trong lịch sử doanh nghiệp có đánh dấu công lao của họ trong một chặng đường phát triển”, ông Hải nhấn mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đang kêu gọi phải tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp hay phải cải tổ doanh nghiệp hơn nữa nhưng theo hướng nào (?).

VAFI cho rằng, Nhà nước cần phải tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để dễ dàng cải tổ cấu trúc cổ đông doanh nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược trong từng doanh nghiệp, giảm nhanh tỷ trọng cổ phần Nhà nước, cổ phần nhà đầu tư cá nhân nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi trong thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp cũng như dễ dàng trong huy động vốn.

Theo Thanh Hải

thanhhuong

Thời báo Kinh tế Việt Nam

Trở lên trên