MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tỷ giá, không tăng bán tháo

Không giống như các đợt điều chỉnh tỷ giá trước, tác động việc điều chỉnh tỷ giá cuối tháng 6 vừa qua của NHNN đã không gây xáo trộn trên TTCK trong những phiên giao dịch gần đây.

Các chuyên viên phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) đã có những đánh giá sơ bộ tác động của việc này lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang niêm yết: Trong số 22 doanh nghiệp được xem xét, các CP thuộc ngành phân bón và săm lốp được đánh giá là chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Chẳng hạn, DPM có chi phí mua khí được thanh toán neo theo đơn giá USD (ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng) trong khi sản phẩm tiêu thụ ra thị trường nội địa có thể chưa điều chỉnh giá được ngay.

Tương tự, một doanh nghiệp phân bón khác là LAS cũng nhập khẩu khí cho sản xuất phân lân, ước tính khoảng 300 tỷ đồng/năm. Do đó, việc tăng tỷ giá cũng có ảnh hưởng đến chi phí đầu vào nhưng với tỷ lệ điều chỉnh nhẹ, ảnh hưởng sẽ không đáng kể đối với 2 doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp săm lốp tuy không phải nhập khẩu cao su mà từ nguồn trong nước, nhưng giá cao su nguyên liệu có xu hướng neo theo giá giao dịch tính bằng USD, nên sẽ tạo áp lực đàm phán tăng giá nếu tỷ giá tiếp tục tăng. Nhưng trước mắt ảnh hưởng này là chưa đáng kể.

Một số doanh nghiệp khác có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực là các doanh nghiệp vay nợ bằng USD hoặc nhập khẩu nguyên liệu lớn, trong khi tiêu thụ tại thị trường nội địa hoặc doanh thu xuất khẩu thấp. Đơn cử như HSG hiện có khoản nợ vay bằng USD tương đương 1.967 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh thu xuất khẩu hiện chưa cân bằng được tổng chi phí nhập khẩu nguyên liệu của HSG, thiệt hại do việc tăng tỷ giá ước tính vào khoảng 24 tỷ đồng. PAC cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi chi phí nhập khẩu chì nguyên liệu sẽ tăng nhẹ trong khi việc điều chỉnh giá bán có vẻ không khả thi trong điều kiện hiện nay.

Các doanh nghiệp đại gia như HAG, VIC, MSN cũng là những doanh nghiệp đang có dư nợ vay USD cao (trong khoảng từ 73-325 triệu USD). Tuy vậy, do quy mô hoạt động lớn, mức điều chỉnh 1% tỷ giá hiện chưa ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp này.

Ngược lại, các ngành xuất khẩu xem được lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá. Tuy vậy, mức điều chỉnh 1% có lẽ chưa thỏa mãn sự mong đợi của họ. Cụ thể, các doanh nghiệp cao su như DPR, PHR sẽ chỉ được lợi khoảng 7-12 tỷ đồng, hay HVG, DQC có thể được lợi khoảng 15-30 tỷ đồng.

Như vậy, sau 2 năm tỷ giá USD/VNĐ được giữ ổn định, NHNN đã thể hiện quan điểm có khả năng điều chỉnh trong khoảng 2-3% trong năm nay. Theo dự báo của VDSC, có khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tiếp 1% trong quý III-2013. Tuy nhiên, với tỷ lệ điều chỉnh thấp, tác động lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp như đã phân tích ở trên là không đáng kể.

Theo Kim Giang

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên