MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán 2015: “Bùng nổ” nguồn hàng!

Thị trường chứng khoán (TTCK năm 2015 được dự báo sẽ “bùng nổ” nguồn hàng mới do hàng trăm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sắp sửa cổ phần hóa (CPH), thoái vốn và niêm yết lên sàn…

 Những chính sách mới được thực thi sẽ tăng cường bảo vệ nhà đầu tư (NĐT), siết chặt kỷ luật của DN, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh và ổn định.

Hai năm trước, anh Thắng - nhân viên của một công ty sản xuất thép lớn ở miền Bắc - không mặn mà với chơi cổ phiếu vì TTCK năm 2012 suy giảm mạnh, NĐT bị thua lỗ nặng… Từ đầu năm 2014, khi thấy thị trường “ấm” hơn, anh Thắng quyết định nghỉ hẳn việc ở công ty để theo một NĐT chứng khoán lâu năm, anh Nam, học chơi cổ phiếu niêm yết.

Niềm tin trở lại

Cũng “canh” bảng điện tử giao dịch cả ngày, mở nhiều tài khoản, nghe ngóng thông tin cùng các “đồ nghề” hỗ trợ việc đặt lệnh, giao dịch… anh Thắng tỏ ra “thạo” hơn với việc mua bán cổ phiếu.

Trong khi đó, bỏ nghề xây dựng để theo chứng khoán, anh Nam chia sẻ:“Thị trường đã suy thoái mấy năm liền, các NĐT nhỏ lẻ bị thua lỗ, mất trắng vốn là phổ biến. May mắn là tôi không “chết” và giờ mới quay lại chơi cổ phiếu”.

Nhưng 2 NĐT này chỉ chuộng các mã cổ phiếu “nóng” hay DN có nhiều tin đồn để “lướt sóng” kiếm lời vì thanh khoản cao. Còn cổ phiếu của DN tốt thì lại ít biến động, giao dịch èo uột.

“Rủi ro chính là cơ hội của NĐT nhỏ như chúng tôi. Nhưng quan trọng là lựa chọn thời điểm đầu tư và cảnh giác với các mã có nghi vấn “làm giá”, anh Nam chia sẻ. Đôi khi, những “thông tin rỉ tai” lại có giá trị với NĐT này.

Ở một diễn biến khác, 2 sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX) liên tiếp tổ chức các phiên đấu giá cổ phần của DNNN, thu hút rất đông NĐT trong và ngoài nước tham gia.

Tại HoSE, riêng tháng 12/2014, đã có tới 17 phiên đấu giá với hơn 253 triệu cổ phiếu được chào bán, tổng giá trị vượt trên 2.540 tỷ đồng. Trong đó, các phiên đấu giá cổ phần SASCO, SAGS, Vietnam Airlines… đã “cháy hàng” với lượng đặt qua vượt cả chục lần lượng chào bán.

Một số cổ phần tiềm năng, có khả năng tăng giá mạnh được các NĐT “săn lùng”, tranh mua với mức giá cao gấp vài lần giá khởi điểm.

Còn theo HNX, trong năm 2014 đã có 51 phiên đấu giá cổ phần được thực hiện với tỷ lệ thành công cao, huy động được hàng nghìn tỷ đồng. Điều quan tâm lớn hơn, là có chừng ấy DN sẽ niêm yết trong vòng 1 năm kể từ lúc đấu giá, tạo nguồn hàng mới cho thị trường.

Đã có nhiều NĐT phải ngậm ngùi tiếc nuối vì trượt đấu giá cổ phiếu tiềm năng, nhưng họ cho biết, sẽ tiếp tục theo đuổi các phiên đấu giá trong năm 2015. Bởi theo kế hoạch CPH, vẫn còn hơn 300 DN sẽ phải bán đấu giá cổ phần và đây thực sự là cơ hội đầu tư hiếm có…

Cùng với đó, những yếu tố vĩ mô được dự báo sẽ thuận lợi hơn trong năm nay, nhiều chính sách mới thực thi, đã và đang tạo hứng khởi cho thị trường.

“Hâm nóng” thị trường

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HNX, năm 2014 là năm có nhiều điều kiện thuận lợi cho TTCK. Nhưng yếu tố tác động trực tiếp nhất là lãi suất giảm, thanh khoản dồi dào, tăng gấp đôi trên cả 2 sàn. Các NĐT có thể chưa có lãi, nhưng khoảng 50% CTCK đã hoạt động tốt hơn, thay vì có tới gần 2/3 công ty gặp khó khăn…

Nổi bật nhất là thị trường trái phiếu Chính phủ, tăng tới 24% và “hút” mạnh vốn ngân hàng. Chính trái phiếu đã đóng góp lợi nhuận nghìn tỷ cho nhiều ngân hàng năm 2014.

Quyết định 51 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/11/2014 được xem là sẽ tác động lớn tới chương trình CPH các DNNN, trong đó, cho phép đấu giá cổ phần dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách, yêu cầu về niêm yết, quản trị, minh bạch thông tin hơn… Đồng thời, SCIC sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ CPH, mua cổ phần DN nhằm đảm bảo đấu giá thành công.

“Quyết định 51 nhằm thúc đẩy CPH, thoái vốn gắn với niêm yết lên sàn có lẽ là cuộc đấu tranh và thay đổi nhận thức, tạo nguồn hàng lớn cho TTCK. Sang năm 2015, dự báo sẽ bùng nổ về DN niêm yết, hàng mới cho thị trường cùng với những thay đổi lớn, nhất là về bảo vệ quyền lợi của NĐT, phân tán rủi ro…”, ông Dũng nhận định.

Việc xác định trọng tâm là CPH nhằm tái cấu trúc, thay vì CPH chỉ thu tiền về cho Nhà nước, cũng là thay đổi quan trọng, góp phần thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển TTCK bền vững hơn.

Với việc bán đấu giá cổ phần, ông Dũng cho rằng: “Nhà nước có thể bán thấp hơn đi một chút, nếu có thiệt hại cũng chỉ là thiệt tạm thời số tiền thu về. Nhưng lợi ích mà Nhà nước thu được sau CPH lại lớn hơn nhiều”.

Hiện, chưa có thống kê nào cho biết kết quả hoạt động của DNNN trước và sau CPH thay đổi ra sao, cụ thể: số DN bị lỗ hay có lãi, đóng góp ngân sách nhà nước…

Dù vậy, thực tế đã ghi nhận nhiều DNNN sau CPH đều báo lãi, nộp thuế lớn, phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn và có sự tăng trưởng rất nhanh. Nhiều DN đã vươn lên trở thành DN đầu ngành, lĩnh vực và đóng vai trò cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

Theo Hải Hà

thanhhuong

Thời báo Kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên