MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán chao đảo trước tháng “cô hồn”

Theo thống kê từ năm 2010- 2014, diễn biến giao dịch trên TTCK trong tháng 7 âm lịch có phần không thực sự thuận lợi khi có đến 4/5 năm thị trường điều chỉnh trong giai đoạn này.

Tháng 7 âm lịch hay còn được gọi là tháng cô hồn, xá tội vong nhân. Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm mà các hoạt động làm ăn, kinh doanh, buôn bán… nhìn chung không gặp nhiều thuận lợi, hầu hết mọi người đều kiêng kỵ, né tránh thực hiện các công việc quan trọng diễn ra trong tháng này.

Vì lẽ đó, các hoạt động kinh doanh, giao dịch… diễn ra trong tháng này thường khá ảm đạm và “tâm lý tháng 7” cũng xuất hiện hàng năm trên TTCK Việt Nam.

Theo thống kê từ năm 2010- 2014, diễn biến giao dịch trên TTCK trong tháng 7 âm lịch có phần không thực sự thuận lợi khi có đến 4/5 năm thị trường điều chỉnh trong giai đoạn này.

Ngoại trừ năm 2014 khi thị trường nổi sóng với sự dẫn dắt của nhóm dầu khí thì nhìn chung tháng 7 âm không mang lại nhiều điều tích cực cho TTCK trong những năm gần đây.

Diễn biến TTCK tháng 7 âm lịch trong 5 năm gần đây
Diễn biến TTCK tháng 7 âm lịch trong 5 năm gần đây

Trong những phiên giao dịch gần đây, khi tháng 7 âm lịch cận kề, TTCK liên tục có sự sụt giảm mạnh về điểm số khi VnIndex đã mất mốc 600 điểm. Cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng chỉ đạt trung bình 107 triệu đơn vị, sụt giảm 23% so với thời điểm cách đó 1 tháng. Điều này phần nào thể hiện sự thận trọng của giới đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Minh- Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân- CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng “Mặc dù những năm gần đây tháng 7 âm lịch diễn biến thị trường không thực sự thuận lợi, tuy nhiên nếu tính rộng ra trong giai đoạn 2001- 2014 có thể thấy chỉ số VnIndex có 6 lần giảm điểm và 7 lần tăng điểm với mức tăng trung bình là 1,97%. Điều này cho thấy xác suất xảy ra tăng điểm và giảm điểm diễn ra khá cân bằng”.

Đa phần những đợt giảm điểm tháng 7 đều rơi vào giai đoạn thị trường sơ khai, thông tin vĩ mô chưa hỗ trợ mạnh tới nhà đầu tư hoặc vào những giai đoạn nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn (2010- 2013). Qua đó, có thể thấy quan niệm “tháng 7 âm lịch” là không thực sự chính xác.

Nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng tới thị trường trong ngắn hạn

Cũng theo ông Minh, TTCK gần đây đang chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh khi các cổ phiếu Bluechips đã bị chốt lời sau giai đoạn tăng “nóng” trước đó.

Bên cạnh đó, hàng loạt thông tin tiêu cực diễn ra trong hơn 1 tuần nay như việc hiệp định TPP chưa được thông qua như kỳ vọng, các đồn đoán xung quanh chuyện Fed tăng lãi suất, đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc bị phá giá mạnh và điều chỉnh biên độ tỷ giá của NHNN,… đã tác động mạnh tới TTCK Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh- Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân- CTCK Bản Việt
Ông Nguyễn Thế Minh- Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân- CTCK Bản Việt

Thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại

Một vấn đề đang khiến thị trường tài chính toàn cầu cũng như TTCK Việt Nam “chao đảo” là việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ trong 2 ngày vừa qua.

Nhận định về vấn đề này, ông Minh cho rằng “ Với tốc độ phá giá gây “shock” gần đây, nhiều khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ hạn chế động thái phá giá vì điều này sẽ gây bất lợi đến tình hình kinh tế Trung Quốc. Do đó, tôi đánh giá mức độ tác động tiêu cực sẽ không còn trong vài phiên tới và thị trường sẽ sớm tự cân bằng trở lại sau các phiên giảm điểm liên tiếp”.

Ông Minh cũng nhận định thị trường sẽ có diễn biến tích cực theo xu hướng tăng trung và dài hạn, đặc biệt đà giảm ngắn hạn sẽ sớm chững lại khi nhiều cổ phiếu cũng đã về mức giá hợp lý.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi thực sự từ các sự kiện và chính sách vĩ mô như TPP, FTA, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài,…

“Các nhịp giảm điểm luôn được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư trung và dài hạn và tôi đánh giá chỉ số Vn-Index có thể sớm vượt mức 640 điểm và tiến về mức 700 điểm vào cuối năm 2015” ông Minh dự báo.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên