Thị trường chứng khoán - Dòng tiền chảy mạnh
Sự phục hồi khá mạnh mẽ của TTCK thời gian qua cùng với diễn biến thị trường tháng 5 đang phản ánh những thông tin tích cực khi kinh tế quý 2.
Tháng 5 vừa qua, những thông tin tích cực như: động thái cắt giảm lãi suất huy động của các ngân hàng lớn xuống thấp hơn trần huy động, chỉ còn khoảng 5% - 6%/năm; sự kiện chính thức thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) để xử lý nợ xấu; gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản và người mua nhà ở xã hội, đã khiến cho Index tại cả 2 sàn chứng khoán tăng gần 10%.
Nhà đầu tư ngoại giải ngân mạnh
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng xấp xỉ 25%. Theo nhận định chung của các công ty chứng khoán, chính dòng vốn của khối ngoại đổ mạnh vào TTCK Việt Nam đang là một “bệ đỡ” đáng kể cho đà tăng của thị trường. “Trong tháng 5, chính dòng vốn nội tăng mạnh đã đẩy VN-Index tăng gần 10%, HNX-Index tăng hơn 10% nhưng không thể phủ nhận dòng vốn ngoại nâng đỡ các cổ phiếu bluechips đã hỗ trợ mạnh cho thị trường trong các phiên điều chỉnh” - đại diện Công ty Chứng khoán FPT nhận định.
Cụ thể, trong tháng 5-2013, khối
ngoại mua ròng 17,94 triệu cổ phiếu trên sàn TPHCM với giá trị mua ròng
đạt 1.285 tỷ đồng, gấp 4,6 lần giá trị giải ngân trong tháng 4 do khối
ngoại đẩy mạnh thỏa thuận một số mã cổ phiếu như MSN, VIC… Tại sàn Hà
Nội, khối ngoại cũng mua ròng 3,39 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 70 tỷ
đồng.
Thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho thấy, số nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán trong 4 tháng đầu năm 2013 lớn hơn con số của cả năm 2012. Tính đến ngày 30-4, đã có 16.238 nhà đầu tư nước ngoài được cấp tài khoản trong khi con số của năm 2012 chỉ là 16.001.
Theo dữ liệu thống kê của hãng tin Bloomberg, 5 tháng
đầu năm 2013, các quỹ đầu tư nước ngoài đã mua ròng 233 triệu cổ phiếu
trên hai sàn, giá trị mua ròng đạt 5.892 tỷ đồng, tương đương hơn 280
triệu USD. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008. Hãng tin Bloomberg cũng
cho rằng, dòng vốn đầu tư từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản hiện đang
chuyển hướng vào Việt Nam khi các thị trường xung quanh khu vực đã tăng
mạnh trước đó. Nguyên nhân TTCK Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư
ngoại là do thị trường Việt Nam có mức giá rẻ nhất ở Đông Nam Á hiện
nay. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn nhờ tác động từ các biện
pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ.
Một tín hiệu rõ nét chứng
tỏ khối đầu tư ngoại đang gia tăng mối quan tâm tới TTCK Việt Nam là
trong tháng 4 và tháng 5-2013, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính
nước ngoài liên tục gia tăng các cuộc tiếp xúc với các tập đoàn đầu tư
tài chính, các quỹ đầu tư nội địa để tìm hiểu cơ hội giải ngân vào TTCK
Việt Nam.
Thông tin từ Tập đoàn
VinaCapital cho biết, số lượng các đoàn và các cuộc tiếp xúc tại tập
đoàn này cũng tăng lên đáng kể. Theo Giám đốc điều hành VinaCapital,
khối ngoại sẽ không ngừng mua cổ phiếu Việt Nam vì mức giá hiện nay vẫn
rất hấp dẫn. Nếu trước đây dòng tiền ngoại chủ yếu đầu tư vào các mã
bluechips thì nay nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã thu gom nhiều cổ phiếu
nhỏ. Đây cũng là một động lực cho thị trường phát triển tích cực trong
thời gian tới.
Liên quan đến diễn biến của dòng vốn đầu tư ngoại
trong thời gian gần đây, các chuyên gia phân tích thị trường thuộc Công
ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, mặc dù rủi ro rút vốn của các quỹ
ETF đã tạm lắng nhưng dòng vốn ngoại xét về mặt tổng thể đang có dấu
hiệu suy yếu so với giai đoạn đầu năm. Điều này cũng có thể thấy qua
động thái nhà đầu tư ngoại đã bán ròng liên tiếp vào những phiên giao
dịch cuối tháng 5.
Đang phục hồi?
Câu ngạn ngữ lâu năm “Sell in May and go away” (bán vào tháng 5 và đi chơi) xuất phát từ thị trường chứng khoán Mỹ nhiều năm qua cũng đã phản ánh đúng ở nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới và cả thị trường Việt Nam.
Theo thống kê của các công ty
chứng khoán, từ năm 2010 đến nay, tháng 5 luôn là khoảng thời gian buồn
đối với thị trường. Cụ thể, trong 6 năm từ năm 2006 đến năm 2011,
VN-Index chỉ có 2 lần tăng nhưng có đến 4 lần giảm trong tháng 5. Trong
đó, vào thời điểm tháng 5-2011, VN-Index giảm mạnh từ 460 điểm xuống còn
380 điểm. Thế nhưng, đi ngược với vụ mùa “bán tháng 5” này, thị trường
chứng khoán Việt Nam trong tháng 5-2013 lại có những phiên giao dịch
bùng nổ, với mức tăng mạnh về cả điểm số lẫn khối lượng giao dịch. Kết
thúc phiên cuối tháng vào ngày 30-5, VN-Index đã tiến sát mốc 520 điểm.
Lý
giải cú lội ngược dòng này, giới phân tích cho rằng, sự phục hồi của
VN-Index trong tháng 5 là nhờ các thông tin vĩ mô được công bố kịp thời
đã nâng đỡ thị trường. Cụ thể như việc thành lập công ty mua bán tài sản
(VAMC) để xử lý nợ xấu, chính thức áp dụng gói tín dụng hỗ trợ bất động
sản trị giá 30.000 tỷ đồng, lãi suất điều hành tiếp tục giảm. Ngoài ra,
việc giãn thời gian áp dụng Thông tư 02 cũng có tác động tích cực trong
ngắn hạn tới TTCK. Thông tư 02 được lùi thực hiện một năm có thể hỗ trợ
về tâm lý cho nhà đầu tư trước nỗi lo nguồn vốn khả dụng của các ngân
hàng sẽ giảm đi khi phải tăng trích lập dự phòng rủi ro và kỳ vọng tình
hình tài chính của DN niêm yết không bị ảnh hưởng xấu từ việc phân loại
nợ. Việc này cũng không loại trừ khả năng một nguồn tiền từ các DN tham
gia vào thị trường với hy vọng kiếm lời nhanh để cân đối tình hình tài
chính.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cũng
đưa ra nhận định: Sự phục hồi khá mạnh mẽ của TTCK thời gian qua cùng
với diễn biến thị trường tháng 5 đang phản ánh những thông tin tích cực
khi kinh tế quý 2 có những tín hiệu chuyển mình rõ nét hơn. Triển vọng
kinh tế nói chung đang dần ổn định, các DN đầu ngành và các DN trong
ngành có lợi thế cạnh tranh tiếp tục phát triển mạnh với báo cáo kết quả
kinh doanh tháng, quý sau ấn tượng hơn tháng, quý trước. Giá cổ phiếu
của các DN có chỉ số cơ bản tốt dù biến động nhưng mức đáy sau cao hơn
đáy trước, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, thể hiện xu thế tăng giá tương
đối ổn định.
Với xu hướng đó, công ty này cũng
dự đoán tháng 6 sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh với mức tăng cao về
điểm số và lớn về thanh khoản. Dòng tiền vẫn tiếp tục hướng đến các mã
có chỉ số cơ bản tốt và DN có triển vọng phát triển trong dài hạn.
Nhận
định chung của các công ty chứng khoán là dòng tiền đầu cơ vẫn còn đổ
mạnh vào thị trường bởi lẽ dòng tiền này vẫn chưa thể tìm được điểm đến
khả quan hơn do lãi suất giảm và vẫn trong xu hướng phải giảm nữa mới
kích được cầu tín dụng, thị trường vàng biến động thất thường, bất động
sản vẫn nặng nề chuyển biến bởi lượng căn hộ tồn kho còn quá lớn. Dĩ
nhiên, những diễn biến thực tế trên thị trường trong thời gian tới mới
là câu trả lời thuyết phục nhất.
Theo HUY ANH