Thị trường xìu theo khối ngoại
Những phiên giao dịch đầu tháng 7, thị trường không có những phiên lao dốc mạnh như cuối tháng 6, nhưng thanh khoản trên thị trường cạn kiệt thể hiện tâm lý dè dặt và hoài nghi của giới đầu tư.
Cho dù áp lực bán ròng của NĐTNN đã được giảm nhẹ sau tuần cơ cấu mạnh của các quỹ ETF trong tháng 6, nhưng việc khối ngoại hạn chế giao dịch cũng chính là nguyên nhân khiến các chỉ số xìu xuống trong các phiên giao dịch gần đây.
Theo lý giải của các chuyên gia, với bối cảnh các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong nước không có nhiều biến động, hiện tượng lao dốc của TTCK bắt nguồn từ việc rút vốn mạnh mẽ của NĐTNN trong nửa cuối tháng 6 vừa qua.
Cụ thể, trong suốt 19 phiên giao dịch của tháng 6, chỉ có 2 phiên khối này mua ròng, còn lại là bán ròng với giá trị gần 1.760 tỷ đồng. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2013, khối ngoại đã rút ra gần 1.170 tỷ đồng khỏi TTCK Việt Nam.
Những phiên giao dịch đầu tháng 7, thị trường không có những phiên lao dốc mạnh như cuối tháng 6, nhưng thanh khoản trên thị trường cạn kiệt thể hiện tâm lý dè dặt và hoài nghi của giới đầu tư khi mà diễn biến thế giới có nhiều thông tin theo chiều hướng bất lợi.. |
Điểm đáng chú ý nữa là sự liên thông giữa TTCK trong nước và thế giới. Trong những năm trước, mức độ tương quan của TTCK Việt Nam với thế giới là khá thấp nên biến động của thị trường tài chính thế giới chỉ có sức ảnh hưởng ngắn hạn đối với tâm lý NĐT trong nước.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2013 đến nay, tác động từ bên ngoài không chỉ ảnh hưởng gián tiếp về mặt tâm lý mà còn tác động trực tiếp đến thị trường thông qua việc bơm/rút dòng vốn FII trên TTCK.
Có thể lý giải nhận định này qua nhịp tăng mạnh của TTCK trong quý I với sự đóng góp không nhỏ từ dòng vốn đầu cơ bên ngoài thông qua các quỹ đầu tư chỉ số (ETF). Nhưng một khi dòng vốn này thực hiện hóa lợi nhuận nhưng không có lực cầu đối ứng sẽ dẫn đến hiệu ứng tiêu cực. Điển hình là diễn biến của TTCK trong tháng 6 vừa qua.
Trong bối cảnh nền tài chính thế giới đang còn khủng hoảng như hiện nay, đặc biệt là thị trường tài chính Trung Quốc, khả năng dòng vốn ngoại sẽ còn bị rút ra. Cho dù khả năng về sự đổ vỡ của Trung Quốc mới chỉ là dự báo và tỷ lệ xảy ra cũng không cao, nhưng tâm lý lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu cơ vào các thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, khả năng chấm dứt dòng vốn đầu cơ giá rẻ từ Hoa Kỳ vẫn treo lơ lửng thêm vài tháng nữa. Đây là thời điểm nhóm họp của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (tháng 9-2013) và những con số về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này được công bố. Xác suất xảy ra, kịch bản bi quan này chưa thể định lượng được song hiện tượng ETF đã bắt đầu rút ồ ạt trong hơn 1 tháng qua là minh chứng cho việc dòng tiền đầu cơ đang hiện thực hóa lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.
Trong kịch bản bi quan được xây dựng trên các yếu tố này, các chuyên gia phân tích của CTCK Rồng Việt lo ngại 2 quỹ ETF lớn nhất về quy mô cũng như sức ảnh hưởng trên TTCK Việt Nam là Market Vector Vietnam ETF và FTSE Vietnam ETF, sẽ tiếp tục giảm chứng chỉ quỹ về mức tương đương hồi đầu năm 2013. Và như vậy, sẽ có khoảng 1,8 triệu chứng chỉ quỹ bị rút ra.
Con số này tương ứng với giá trị cần phải tiếp tục bị bán ra trên TTCK xấp xỉ 32 triệu USD. Với quy mô giao dịch hiện tại của cả 2 sàn và quan sát các phiên mua bán ròng kéo dài từ đầu năm đến nay thì tác động của việc thoái vốn này đến TTCK là không nhỏ.