Thoái vốn gấp, doanh nghiệp thiệt
SCIC đang xem xét để báo cáo lại Thủ tướng danh mục DN phải thoái vốn. Bởi có những đơn vị làm ăn hiệu quả trong suốt 8 năm qua, nay nếu tiếp tục bán cổ phần dưới mệnh giá hay hấp tấp thoái vốn tại DN làm ăn tốt thì thiệt đơn, thiệt kép.
Quyết bán và hệ lụy
Là cổ đông lớn nhất của CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL) với tỷ lệ sở hữu 36,35%, nhưng ngày 6/11 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đăng ký bán toàn bộ số lượng cổ phiếu nói trên. Nếu giao dịch thành công, SCIC chính thức không còn là cổ đông của DCL.
Thực ra, thị trường không quá bất ngờ về sự kiện này vì theo Đề án tái cấu trúc SCIC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2015, ngoài việc giữ lại phần vốn đầu tư lâu dài ở 4 công ty là VNM, DHG, FPT Telecom và VNR thì SCIC buộc phải thoái vốn tại 376 DN còn lại. Trong đó, kế hoạch thoái vốn trong năm 2014 là 298 công ty, gồm cả DCL.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là chỉ còn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm, trong khi đó báo cáo 6 tháng đầu năm SCIC chỉ mới thoái vốn thành công tại 31 DN. Như vậy, sự gấp gáp trong việc thoái vốn của SCIC tại các DN thời điểm này là điều không tránh khỏi. Có điều, nhiều công ty trong danh mục 376 DN thoái vốn của SCIC hiện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì vậy, việc thoái vốn của SCIC không chỉ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán mà quan trọng là đang làm xáo trộn giá trị nội tại của rất nhiều DN.
Với trường hợp DCL, dù thông tin thoái vốn của SCIC không quá bất ngờ nhưng do số lượng cổ phiếu đăng ký bán ra lớn, sự kiện này cũng giáng đòn mạnh lên giá của cổ phiếu DCL trên sàn. Bởi qua báo cáo tài chính, khoản mục dự phòng nợ phải thu khó đòi của DCL cuối tháng 9/2014 đã tăng đến 150% so với cùng kỳ năm trước lại làm chi phí quản lý của DCL trong 9 tháng tăng hơn 38% so với cùng kỳ. Nợ nần, hoạt động kinh doanh gặp khó, nay gánh thêm chuyện cổ đông lớn thoái vốn, ngay cả các chuyên gia tài chính cũng chưa tưởng tượng được làm cách nào DLC có thể thoát ra.
Đề xuất giảm tốc
Không riêng gì DCL bị “quyết bán”, SCIC còn thực hiện thoái vốn tại 12 công ty niêm yết. Qua theo dõi, một số cổ phiếu tăng giá mạnh trước khi SCIC tiến hành bán vốn, nhưng sau đó 10 phiên, giá giao dịch không có đột biến, thậm chí có cổ phiếu còn giảm khá mạnh như trường hợp của CTCP Vải sợi may mặc miền Bắc (TET). Cũng trong tháng 9 và 10/2014, SCIC liên tiếp giảm tỷ lệ nắm giữ tại 7 công ty niêm yết khác. Nguyên nhân là ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg (QĐ 51) nhằm gỡ nút thắt cho vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành và cho phép bán lỗ cổ phần...
Sau khi được QĐ 51 “cởi trói”, rõ ràng SCIC đang “bán đổ bán tháo” lượng cổ phần nắm giữ để hoàn thành đúng tiến độ thoái vốn, chồng chất thêm khó khăn lên các DN thuộc diện “bị” thoái vốn. Chuyên viên phân tích ngành của CTCK Rồng Việt cho biết, vẫn chưa điều chỉnh mức giá mục tiêu đối với cổ phiếu CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC) bao nhiêu. Bởi, câu chuyện cổ đông lớn thoái vốn tác động trực tiếp đến nền tảng cơ bản của DN, trong khi các cổ đông hoặc đối tác mới chưa có khả năng hợp tác và gia tăng giá trị cho DN.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (BMP) chia sẻ, biết rằng SCIC phải thoái vốn đúng lộ trình của Chính phủ, song cần nhận thấy một số đơn vị chỉ có phần nhỏ hoạt động công ích, còn chủ yếu vẫn phải bươn trải làm ăn như các DN khác. Do vậy, khi bán tháo cổ phần dưới mệnh giá, rút tiền đột ngột, thậm chí chuyển nhượng cho một đơn vị đối tác không tương thích… có thể DN khó tồn tại.
Đơn cử, BMP hiện đã giải quyết được phần nào những trở ngại về vấn đề tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, như việc đã xử lý được khoản phạt do vi phạm thuế, đồng thời khoản thuế thu nhập DN truy thu cũng có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mức dự tính ban đầu. Thêm vào đó, giai đoạn 1 của Nhà máy Long An hoạt động từ năm sau sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho BMP thâm nhập sâu vào các thị trường mới như các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên...
Tuy nhiên, đó chỉ là kỳ vọng. Hiện tỷ suất lợi nhuận trước thuế của BMP giảm khá mạnh do phát sinh một số chi phí bất thường. Đồng thời, BMP cũng đang cần rất nhiều vốn để đóng góp thêm cho Dự án Nhà máy Long An...
Thừa nhận sự gấp gáp có thể gây đổ vỡ trong chuyển động thoái vốn, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, đơn vị này đang xem xét để báo cáo lại Thủ tướng danh mục DN phải thoái vốn. Bởi có những đơn vị làm ăn hiệu quả trong suốt 8 năm qua, nay nếu tiếp tục bán cổ phần dưới mệnh giá hay hấp tấp thoái vốn tại DN làm ăn tốt thì thiệt đơn, thiệt kép.
Thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN lĩnh vực ngân hàng dẫn đầu
Theo Quỳnh Chi