MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời điểm giải ngân

Hiện tại, chỉ số P/E bình quân của TTCK VN đang ở khoảng 12,6 lần, thấp nhất trong khu vực. Thời điểm giải ngân mạnh của khối ngoại thường là vào những tuần cuối tháng 12 và quý 1 hàng năm.

Liệu khối nhà đầu tư ngoại có tiếp tục đổ vốn và dẫn dắt thị trường? Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khoa - Phụ trách khối phân tích – Cty CK Bảo Việt - BVSC.

- Thưa ông, chỉ có 1 tháng nữa là khép lại năm cũ, ông đánh giá thế nào về xu thế dòng tiền những tháng cuối năm?

Chuyển động của thị trường cho thấy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đang dần chiếm ưu thế. Đối với nhóm blue-chip, dòng tiền chỉ ưu tiên tìm đến những mã có thông tin hỗ trợ về kết quả kinh doanh tốt. Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, một số mã trước đó có được thông tin cơ bản hỗ trợ vẫn đang có sức hấp dẫn dòng tiền. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhìn chung đã cẩn trọng hơn và chủ yếu chờ điểm chốt lời theo kỳ vọng.

Hiện các thông tin cơ bản đang hỗ trợ khá tích cực cho tâm lý nhà đầu tư. Dựa vào những yếu tố thanh khoản, độ rộng thị trường trong những phiên tăng điểm và số lượng cổ phiếu đã xác lập được xu hướng tăng trung và dài hạn, chúng tôi dự báo xu hướng hồi phục sẽ tiếp tục được duy trì trong tháng còn lại của năm 2013.

Tốc độ tăng giá của thị trường ở thời điểm hiện tại vẫn tương đối chậm do VN-Index đang ở trạng thái tích lũy phía dưới vùng kháng cự dài hạn 520 điểm. Hiện nền kinh tế VN vẫn còn những yếu tố thách thức như nợ xấu, thị trường bất động sản vẫn đóng băng…

- Liệu thời điểm này có là cơ hội tốt cho nhà đầu tư ?

Hiện dòng tiền mới đang đổ vào thị trường do thanh khoản ổn định mức 1.400 tỉ đồng mỗi phiên trên 2 sàn từ đầu tháng 10, tương ứng với mức tăng khoảng 30% so với những tháng trước đó.

Thị trường nhiều khả năng sẽ đi lên với một độ dốc thoải cùng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận khả quan trong quý 4. Theo đó, những nhóm ngành nhạy với tín hiệu phục hồi của nền kinh tế như điện, tài chính, vận tải, xây dựng có thể là những mã cho lợi suất đầu tư cao.

Từ đầu tháng 12 tới, giao dịch của khối ngoại sẽ sôi động hơn, đặc biệt là hoạt động tái cân bằng danh mục của các quỹ ETF hàng quý. Thống kê cho thấy, các cổ phiếu như GAS, VNM… có đóng góp rất lớn vào mức tăng điểm của VN-Index. Các mã trụ cột đã tăng giá mạnh kể từ đầu năm, do đó, trong thời gian tới, các mã này sẽ khó đạt được mức tăng giá ấn tượng để giúp VN-Index vươn lên mốc 550 điểm như một số ý kiến dự báo.

Thị trường hiện tại vẫn đang theo dõi động thái của khối ngoại, đặc biệt việc cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETF trong tháng 12 có thể sẽ khuấy động một số nhóm cổ phiếu trên thị trường.

- Thưa ông, trong ngắn hạn, triển vọng nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường tăng điểm?

Một trong những nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm sẽ là cổ phiếu BĐS, bởi đây là nhóm tập trung dòng tiền đầu cơ nhanh nhất và thị trường vẫn kỳ vọng vào Cty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC). Động thái mua nợ xấu của tổ chức này tại các ngân hàng có thể gián tiếp kích hoạt cổ phiếu bất động sản tăng giá.

Nền kinh tế VN có xu hướng phục hồi, mặc dù còn chậm trong năm nay và có thể là trong năm tới. Do đó, một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại thị trường VN, song mức độ rót vốn của họ nhiều khả năng mang tính thăm dò và có quy mô nhỏ. Tiến độ rót vốn đầu tư sẽ chậm và đồng biến với sự cải thiện của nền tảng kinh tế vĩ mô.

Một vấn đề nữa, dòng vốn “nóng” từ nhà đầu tư nước ngoài chảy vào các thị trường mới nổi (trong đó có VN) phụ thuộc chặt chẽ vào chi phí vốn và khả năng sinh lời của các thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.

Với dấu hiệu khởi sắc của kinh tế Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, cộng thêm khả năng cắt giảm các gói kích thích tiền tệ trong thời gian tới, dòng vốn “nóng” có xu hướng rút dần khỏi các thị trường mới nổi trong thời gian qua và có khả năng tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, song với mức độ nhẹ hơn.

- Thưa ông, việc khối ngoại mua ròng 1.200 tỉ đồng trong tháng 10 đã góp phần tích cực tạo nên đà tăng điểm tốt của thị trường trong tháng và nhà đầu tư đang kỳ vọng dòng vốn này sẽ tiếp tục đổ vào TTCK trong những tháng cuối năm?

Thực tế, đối với TTCK VN, dòng vốn ngoại không chỉ nâng đỡ thị trường về mặt kỹ thuật mà còn giúp tạo tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư vốn nội. Nhờ có sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại trong các nhịp điều chỉnh mà chỉ số chung không giảm sâu, qua đó “động viên” nhà đầu tư nội mạnh dạn tham gia hơn ở các mã midcap và penny, đặc biệt là các mã có tính chất đầu cơ cao.

Ở phương diện vĩ mô, việc mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong tháng 10 cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục lạc quan vào triển vọng kinh tế VN.

- Dòng vốn ngoại cũng là dòng vốn đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, nên nếu không còn nhìn thấy cơ hội đó thì dòng vốn này sẽ rút đi. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Nếu dòng vốn ngoại xuất phát từ các quỹ ETF thì sự bền vững là không cao. Vì các quỹ này đang tranh thủ nguồn tiền rẻ từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ (QE3), nên khả năng rút nhanh như hồi tháng 6/2013 sẽ rất dễ lặp lại.

Đây là diễn biến bình thường của các quỹ đầu tư lớn để cân đối lại trạng thái danh mục nhằm đề phòng rủi ro trước những biến động trên thế giới.

Hiện tại, chỉ số P/E bình quân của TTCK VN đang ở khoảng 12,6 lần. Đây là mức thấp nhất trong khu vực, trong khi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế đang cho thấy và được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong quý 4 và sang năm 2014, nên TTCK vẫn có sức hút nhất định đối với dòng vốn ngoại. Một điều đáng lưu ý là, theo chu kỳ giải ngân của khối ngoại, thời điểm giải ngân mạnh thường là vào những tuần cuối tháng 12 và quý 1 hàng năm.

Xin cảm ơn ông!

Theo H.Phương

phuongmai

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên