Tài sản rẻ
Vào đầu tháng 3/2009 khi VN-Index dao động xung quanh mốc
250 điểm nhiều quỹ lớn vẫn tiếp tục bán ra cổ phiếu.
Họ bán để tăng tỷ lệ tiền mặt trong danh mục đầu tư
bởi việc huy động thêm vốn từ bên ngoài ở thời điểm này là không
tưởng.
Sự mất mát quá lớn, ít cũng 40-50%, nhiều thì 70%,
của giá trị tài sản ròng (NAV) trong năm 2008 đã buộc các quỹ đầu tư
trở nên thận trọng. Chính vì thế họ nhìn cổ phiếu với con mắt đặc
biệt khắt khe.
Các quỹ đi về đâu? Trả lời câu hỏi này ông Don Lam,
Tổng giám đốc VinaCapital, buông hai cụm từ “thủ thế”, “đợi và xem
xét”.
Mục tiêu trước mắt của các quỹ do VinaCapital quản
lý vẫn là cơ cấu lại danh mục đầu tư, để làm sao NAV phải luôn cao hơn
một phần ba mức biến động của thị trường.
Thí dụ VN-Index tăng 20% thì NAV của VinaCapital tăng
30%; còn nếu thị trường giảm 30% thì NAV chỉ giảm 20%. Đó là một
chỉ tiêu phấn đấu khó khăn.
Các quỹ đầu tư do Prudential quản lý thận trọng đến
mức tối đa có thể. Trái phiếu là hàng hóa chủ lực trong danh mục
đầu tư của Prudential hiện nay.
Vào cuối năm 2008, danh mục đầu tư của quỹ cân bằng
PRUBF1 chiếm 79% là trái phiếu, cổ phiếu chỉ có 14%. Tỷ lệ này thay
đổi không đáng kể cho đến nay. Prudential vẫn chờ đợi một cơ hội tiếp
cận tài sản rẻ khi VN-Index xuống ở mức thấp hơn để gia tăng lượng
cổ phiếu. Vấn đề là thời điểm của cơ hội đó nằm ở đâu trong năm nay
và nó còn đến nữa không thì không ai có thể trả lời chính xác.
Phản ứng nhanh
Ngược lại với trường phái “chờ đợi và xem xét”,
một số quỹ đầu tư và công ty chứng khoán đang thực hiện chiến lược
“phản ứng nhanh”.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ
VFM, nhận định một cách lạc quan: “VN-Index sẽ còn nhiều biến động,
nhưng là biến động theo hình răng cưa đi lên. Tình hình kinh tế đã rõ
hơn ngày trước. Những yếu tố tồi tệ có thể xảy ra thì đã xảy ra
rồi. Nếu nó có xảy ra tiếp nữa thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến
tâm lý nhà đầu tư.
Trước đây thị trường cũng đã từng có một số đợt
phục hồi lớn nhỏ, nhưng chúng tôi không hề có cảm giác hứng khởi.
Lần này cảm giác hứng khởi đang trở lại với các
quỹ của chúng tôi”. Ba quỹ do VFM quản lý là VF1, VF4, VF2 đã giải
ngân một lượng tiền tương đối lớn khi VN-Index ở mức 240 -250 điểm.
Các quỹ này dự định dành một lượng tiền còn lại
cho đợt giải ngân tháng 5-2009 được dự đoán là thời điểm thị trường
có điều chỉnh khi kết quả kinh doanh quí 1 của doanh nghiệp được công
bố.
Cảm giác hứng khởi có lẽ cũng là tâm lý chung đang
ngự trị ở một số công ty chứng khoán. Thực hiện nghiệp vụ môi giới,
các công ty chứng khoán biết rõ hơn ai hết lượng tài khoản cũ của
nhà đầu tư đã khởi động trở lại ở mức nào, lượng tài khoản mới
được mở ra sao và dòng tiền vào chứng khoán đang “dâng” đến đâu.
Ở mức giảm sâu như hiện nay mà có ngày giá trị giao
dịch của cả hai sàn TPHCM, Hà Nội đã lên đến 1.200 tỉ đồng, tương
đương giá trị giao dịch 4.000-5.000 tỉ đồng khi giá chứng khoán ở mức
cao. Nếu thị trường tiếp tục phát đi những tín hiệu tăng trưởng,
dòng tiền đổ vào chứng khoán sẽ còn tăng mạnh.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Ở thời
điểm thị trường tiến triển nhanh chúng ta có thể bỏ qua việc đầu tư
vào những cổ phiếu phòng vệ, và giải ngân ngay vào các cổ phiếu
blue-chips có mức tăng trưởng cao”.
Bảo Việt đã công bố bán ra hàng loạt cổ phiếu nhỏ
(pennychips) và tận dụng cơ hội hiện tại để cơ cấu lại tối đa danh
mục đầu tư.
Sau một thời gian kiên trì chờ đợi, Công ty Chứng
khoán Sài Gòn cũng đã bắt đầu giải ngân.
Khối ngoại, trong khi Citigroup tiếp tục bán ra,
Deutsche Bank liên tục mua và bán cổ phiếu xen kẽ. Các tổ chức nhỏ
và cá nhân người nước ngoài lưu ký chứng khoán ở HSBC đang giao dịch
tích cực hơn trong một tháng trở lại đây.
Còn quá sớm để khẳng định tính bền vững của đợt
tăng trưởng đang diễn ra của VN-Index bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế
giới lần này và ảnh hưởng của nó đến Việt Nam chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên có hai nhân tố cần tính đến. Gói kích cầu
trị giá 1 tỉ đô la Mỹ thông qua hỗ trợ lãi suất sẽ phát huy tác
dụng sớm nhất vào tháng 5-6 và sự chuyển biến của nền kinh tế có
thể sẽ bộc lộ rõ hơn.
Từ nay đến khi đó VN-Index sẽ còn phải trải qua thử
thách kết quả kinh doanh quí 1 của các công ty niêm yết. Sẽ có sự
phân hóa cổ phiếu mạnh mẽ. Cổ phiếu của những công ty có kết quả
kinh doanh quí 1 tốt có khả năng trụ vững, tăng giá tiếp, và ngược
lại. Sẽ khó có chuyện giao dịch cả hai sàn đồng loạt xanh hoặc đồng
loạt đỏ.
Yếu tố thứ hai là tác động của phố Wall. Những phân
tích từ bên ngoài cho thấy kinh tế cội rễ gây nên khủng hoảng thế
giới có thể đã hết, nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn. Sẽ còn
nhiều doanh nghiệp phá sản và tàn phá ít nhiều nền kinh tế Mỹ.
Có thể mọi thứ không còn tồi tệ, nhưng sự tệ hại
vẫn chưa hoàn toàn qua đi. Và sự chưa hoàn toàn qua đi ấy của phố
Wall sẽ còn tác động đến VN-Index.
Theo Hải Lý
ĐTCK