Đại hội đồng cổ đông hàng năm là thời điểm ban lãnh đạo DN
trình cổ đông việc quyết toán các khoản chi phí cho năm đã qua và dự kiến những
khoản chi trong năm hiện tại.
Theo chế độ kế toán hiện hành thì khoản trích quỹ
khen thưởng - phúc lợi, trả thù lao cho HĐQT, ban kiểm soát cùng những khoản
chi không hợp lý, hợp lệ khác (như chi phí bị phạt hợp đồng…) phải trích từ lợi
nhuận sau thuế của DN.
Điều này khiến nhiều cổ đông tại những DN có mức trích,
trừ cao cho các khoản kể trên không khỏi bất ngờ khi thu nhập thực tế thuộc về
cổ đông thấp hơn đáng kể so với con số lợi nhuận mà DN công bố.
CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) đạt lợi nhuận sau thuế
năm 2008 hơn 62,8 tỷ đồng. Trong các khoản phân phối lợi nhuận, Domesco trình
ĐHCĐ xin trích quỹ khen thưởng - phúc lợi 9,008 tỷ đồng, bằng khoảng 15% lợi
nhuận sau thuế.
Ngoài ra, thù lao HĐQT và Ban kiểm soát là 1,49 tỷ đồng. Tổng cổng
22% số lợi nhuận sau thuế, tương đương 10,5 tỷ đồng của Domesco không thuộc về
cổ đông. Điều này có nghĩa là EPS của Domesco giảm 22% so với tính toán ban đầu
khi Công ty công bố lợi nhuận.
Một trường hợp khác là CTCP Than Hà Tu (THT) trích lập quỹ
khen thưởng - phúc lợi tới 13,6 tỷ đồng, bằng 16,6% khoản lợi nhuận sau thuế
trên 82 tỷ đồng mà Công ty làm ra trong năm 2008. Trong khi đó, chi trả cổ tức
tỷ lệ 16%, chỉ có 15 tỷ đồng.
Theo CTCK Tân Việt, đây là lý do khiến giá cổ phiếu
THT thấp ở mức 20.000 đồng/CP, trong khi lợi nhuận đạt gần bằng vốn điều lệ. Lợi
nhuận nhiều mà cổ đông không được thực hưởng bao nhiêu.
DMC hay THT không phải là ngoại lệ. Tại một số ĐHCĐ gần đây,
ban lãnh đạo nhiều DN đã đưa ra xin ý kiến cổ đông quyết toán mức trích lập quỹ
khen thưởng - phúc lợi khoảng 10% (các khoản trích lập này thường được DN chi rồi,
nay chỉ xin quyết toán).
Phổ biến nhất là xin ý kiến cổ đông trích quỹ khen thưởng
- phúc lợi ở mức 5%. Việc trích quỹ khen thưởng ở mức cao bên cạnh nhiều khoản
khác cũng bị chiết trừ từ lợi nhuận sau thuế khiến lợi nhuận thực tế của cổ
đông sau khi trích đủ đã vơi đi khá nhiều…
Đáng lưu ý là năm 2008, nhiều công ty không hoàn thành kế hoạch
sản xuất - kinh doanh hoặc không có sự tăng trưởng đáng kể, nhưng ban điều hành
vẫn xin ĐHCĐ trích quỹ khen thưởng ở mức cao.
Đơn cử, năm 2008, lợi nhuận sau
thuế của Domesco giảm 2% so với năm 2007, nhưng lại xin cổ đông thông qua việc
trích quỹ khen thưởng tới 15% lợi nhuận sau thuế.
Về phía nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, việc ban lãnh đạo
DN xin quyết toán mức trích quỹ khen thưởng - phúc lợi ở mức cao chỉ phù hợp
khi DN có kết quả kinh doanh vượt trội so với các năm trước.
Việc trình xin cổ
đông thông qua quyết toán trích quỹ này với mức cao trong khi DN không hoàn
thành kế hoạch kinh doanh hoặc hoàn thành ở mức thấp là không hợp lý và không
thuyết phục đối với cổ đông, mặc dù phương án trích này cuối cùng cũng thường
được thông qua do từng cổ đông riêng lẻ không đủ khả năng "đôi co" với
ban lãnh đạo.
Việc DN lạm dụng trích quỹ khen thưởng - phúc lợi quá nhiều như
hiện nay, khiến cổ đông cảm nhận rằng khoản trích này mang ý nghĩa là tiền
lương, thu nhập tăng thêm cho người lao động, chứ không phải khoản phúc lợi.
Trong trường hợp này, DN nên tính toán lại khoản trả lương cho người lao động để
vừa có thể giảm thuế thu nhập, vừa khiến khoản lợi nhuận sau thuế dành cho cổ
đông không bị chiết trừ quá cao.
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital cho biết,
theo thông lệ quốc tế, các khoản thưởng cho HĐQT và ban điều hành được tính vào
chi phí của công ty, chứ không phải trích từ lợi nhuận sau thuế.
Theo đó, toàn
bộ lợi nhuận sau thuế là thuộc về cổ đông. Khi đó, lợi nhuận ròng được DN công
bố sẽ là cơ sở để nhà đầu tư định giá cổ phiếu. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện
nay, chế độ kế toán còn nhiều điểm khác biệt so với chuẩn mực, nên tình trạng
DN công bố con số lợi nhuận sau thuế đẹp, sau đó lại trích lập một tỷ lệ tương
đối cho các quỹ không thuộc sở hữu của cổ đông, làm giảm đáng kể khoản lợi nhuận
thực dành cho cổ đông là khá phổ biến.
Theo Thu Hương
ĐTCK