MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa: Kiến nghị xem xét lại quy định cho vay chứng khoán trong Thông tư 36

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, với tổng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng nằm trong khoảng 350.000 tỷ, thì 5% của con số này là 17.500 tỷ. Do 4 ngân hàng quốc doanh không cho vay kinh doanh cổ phiếu nên số tiền cho vay kinh doanh cổ phiếu chỉ là 5% của 160.000 tỷ tức là 8.000 tỷ

Trong buổi Hội thảo “Giới thiệu quỹ ETF và Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 2015” do FPTs và HNX tổ chức, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã có những phân tích và đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là tác động của Thông tư 36 đến thị trường chứng khoán.

Theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ sở pháp lý đầy đủ nhất để giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng. Thông tư này đồng thời cũng đã đưa ra những hỗ trợ cho thị trường bất động sản bao gồm tái cấu trúc nợ trung dài hạn và giảm hệ số rủi ro của tài sản đảm bảo cho vay bất động sản từ 250% xuống còn 150%.

Nói chung, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa đánh giá tác động của Thông tư 36 về dài hạn là tốt nhưng riêng về quy định cho vay kinh doanh và đầu tư chứng khoán thì cần “xem xét lại”.

Dẫn chứng bằng số liệu một cách cụ thể, chuyên gia cho biết, trên thị trường hiện tại, vốn cho vay margin khoảng 16.000 tỷ, trong đó vốn từ các công ty chứng khoán là 4.000 tỷ còn ngân hàng cho vay khoảng 12.000 tỷ.

“Trên thực tế chúng tôi tính toán 16.000 tỷ này đều từ ngân hàng mà ra” – chuyên gia khẳng định.

“Ngoài 4 ngân hàng quốc doanh không cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán thì còn lại, toàn bộ vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần là 196.000 tỷ. Trong số đó có khoảng 30.000 tỷ của các ngân hàng thương mại không được phép cho vay margin do đang tái cơ cấu, do nợ xấu quá cao … Như vậy, còn 160.000 tỷ vốn điều lệ hiện có thể cho vay margin. Tỷ lệ cho vay chứng khoán đang áp dụng trên thực tế là 20% vốn điều lệ nhưng mới chỉ thực hiện khoảng 10% (tức 16.000 tỷ tính trên 160.000 tỷ).”

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, với tổng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng nằm trong khoảng 350.000 tỷ, thì 5% của con số này là 17.500 tỷ. Do 4 ngân hàng quốc doanh không cho vay kinh doanh cổ phiếu nên số tiền cho vay kinh doanh cổ phiếu chỉ là 5% của 160.000 tỷ tức là 8.000 tỷ.

Cho vay margin sẽ giảm từ 16.000 tỷ còn 8.000 tỷ. Như vậy, thanh khoản thị trường sẽ giảm rất mạnh. Điều này sẽ gây khó khăn cho hàng loạt Doanh nghiệp đang muốn lên sàn và ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.” – chuyên gia kết luận.

Chính vì vậy, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cùng các chuyên gia trong Hội đồng tư vấn Thủ tướng đã đề nghị cả UBCK và NHNN cần xem xét tính toán cẩn trọng riêng vấn đề cho vay margin của thông tư 36.

Tiến sỹ không chia sẻ cụ thể hơn về kiến nghị này, đồng thời cũng phải nói rằng “Không biết có được chấp thuận không”.

Một vấn đề quan trọng nữa đang ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và toàn bộ nền kinh tế hiện nay là giá dầu. Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện nay đang có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất, chính phủ không nên đánh thuế xăng dầu nhập khẩu, để giá dầu tiếp tục giảm theo giá thế giới nhằm hỗ trợ giảm chi phí của doanh nghiệp. Quan điểm thứ hai là sẽ đánh thuế thu tiền về cho ngân sách và không cho giá xăng dầu giảm.

Riêng Hội đồng tư vấn đã có kiến nghị với Thủ Tướng sẽ không đánh thuế giá xăng dầu trong điều kiện các doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Bên cạnh những lưu ý này, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cũng đánh giá về tình hình vĩ mô năm 2015 của Việt Nam. Theo đó, năm 2015, dự kiến GDP cả nước đạt 6,2%. Dù chưa cao nhưng đã đánh dấu kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi. Lạm phát năm 2015 dự kiến sẽ duy trì ở mức 5% và tăng trưởng tín dụng có thể khả quan hơn.

Kết luận cuối cùng, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nhận định, chỉ số VN-Index trong năm 2015 sẽ phục hồi và tiến đến mức điểm 650.

>>>Thông tư 36 và những tác động đến thị trường tài chính

>>> Hiệp hội kinh doanh chứng khoán kiến nghị NHNN xem xét lại lộ trình của Thông tư 36

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên