MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: Các khoản tiền lớn luôn nằm trong những đợt sóng dài

Không ai kiếm tiền cho mình cả. Ta phải nỗ lực để tự kiếm tiền cho mình thôi. Hiện nay, tôi đang cô gắng để làm điều đó mỗi ngày: Phân tích cơ bản.

Cuộc thi viết TÔI ĐẦU TƯ tiếp tục nhận được nhiều bài viết dự thi của các nhà đầu tư. Chúng tôi trân trọng những chia sẻ đó. Đã có không ít kết nối được thực hiện sau những bài viết đăng tải. Chúng tôi hy vọng kiến thức, kinh nghiệm của những người đã đầu tư sẽ giúp những người khác có được bài học hữu ích cho bản thân.

Kỳ này, chúng tôi giới thiệu cho độc giả CafeF bài viết của tác giả Tạ Quang Hóa. Đây cũng là tác giả của bài viết Con cái chúng ta chưa thể ngẩng cao đầu "Bố mẹ tôi làm nghề đầu tư chứng khoán". Mời quý độc giả đón đọc và đừng quên gửi bài dự thi của các bạn đến chúng tôi vào email huongnguyenthithanh@vccorp.vn /hainguyenduc@vccorp.vn


Các khoản tiền lớn luôn nằm trong những đợt sóng dài

“Các khoản tiền lớn luôn nằm trong những đợt sóng dài” trong đầu cơ đây là một chân lý. Để có được những đợt sóng dài đó, cần phải có các yếu tố cơ bản hợp lý, những nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của toàn thị trường, cho các con sóng lớn hình thành: tăng trưởng GDP, nguồn cung tiền mặt, tâm lý thị trường, lãi ngân hàng, lạm phát, tỷ giá, những chính sách mới ưu việt,... Phân tích cơ bản giúp ta làm điều đó.

Chúng ta phải tìm sự hợp lý, hướng đi đúng đắn cho những đợt tăng trưởng hoặc suy thoái. Bản thân tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự trong sáng, lành mạnh, và trung thực của thị trường. Người ta chỉ có thể tác động lên một cổ phiếu, một nhóm cổ phiếu trong một thời điểm nhất định nào đó nhưng không thể làm giá cho cả thị trường. Thị trường lên mạnh hay giảm sâu trong một thời gian dài thì nhất thiết phải có những lý do chính đáng, và hoàn toàn trung thực. Đổ lỗi cho lực lượng này “đánh lên”, cá mập hay tay to kia “đè xuống” chỉ là cách lý giải hời hợt và vô trách nhiệm.

Và, khi thị trường đã tìm ra đúng đường đi của mình thì những ý kiến cá nhân hay cả những ý chí chính trị to lớn cũng gần như vô nghĩa. Ta có thể thấy rõ điều này qua việc lao dốc trên thị trường Chứng khoán Trung Quốc: Nhiều nhà đầu tư phải bán nhà để lấy tiền cứu chứng khoán. Một quý bà ép chồng con vay ngân hàng để lấy tiền duy trì tình yêu với thị trường khi nó sụt giá (và đã xảy ra án mạng - báo nước ngoài). Những lời trấn an của các Vip lớn. Những chính sách khẩn cấp nhằm cứu thị trường. Những lời đe dọa dành cho “những người bán khống độc hại”. Đóng băng các giao dịch của nhiều công ty... Rất nhiều nỗ lực, rất nhiều những chính sách đúng đắn nhưng rất ít ý nghĩa.

Thị trường vẫn lao dốc như đúng những gì nó cần làm tại thời điểm vừa qua. Điều này cũng đã xảy ra tại nhiều quốc gia. Lịch sử chứng khoán thế giới đã ghi nhận rõ ràng. Gần đây tôi có thể kể thêm rất nhiều về cuộc khủng hoảng trên thị trường Mỹ năm 2008.

Tôi đã từng là một nhà đầu tư non nớt, tôi cũng đã nộp học phí rất đắt để nhận ra, đồng thời phát minh lại cái bánh xe cũ: “Thị trường luôn luôn đúng”. Ai cố tìm lý do để chứng minh thị trường sai còn mình đúng người đó sẽ nhận được những thảm bại. Càng chứng minh thị trường sai, họ càng sai, vết thương khi đó sẽ càng rỉ máu, nhiễm khuẩn và lâu bình phục.

Xuôi dòng lịch sử để tìm lại những bài học kinh điển mà thị trường chứng khoán đã dạy tôi.

Thị trường không bao giờ đứng trên đỉnh trong sự huy hoàng

Rất có thể một ngày nào đó lịch sử sẽ lặp lại: Ở Việt Nam, ngày 15/10/2007 thị trường lập đỉnh, Vn-Index đạt 1.150 điểm sau đó bắt đầu quá trình lao dốc xuống về còn 234 điểm vào ngày 25/02/2009. Đó là thời kỳ suy thoái kép của thị trường chứng khoán Việt nam. Ban đầu là việc vỡ tung của bong bóng giá cổ phiếu, chấm dứt những huy hoàng thửa sơ khai của thị trường chứng khoán. Thời mà người ta kiếm tiền chỉ bằng cách đơn giản là mua bất kỳ cổ phiếu nào có thể. Thời mà các ngân hàng, các tổng công ty, các tập đoàn nhà nước thi nhau vung “tiền chùa” để đầu tư chứng khoán. Với các khoản “tiền chùa” này họ tiến hành những mua bán “không cảm xúc”, mua với bất kỳ giá nào. Tại sàn chứng khoán của Công ty Chứng khoán FPT, nơi tôi mở tài khoản giao dịch, mọi người thỉnh thoảng vẫn ôn lại kỷ niệm của thời vàng son ấy.

Tôi ấn tượng với hoài niệm của một người trong số đó. Một quý bà độc thân, can đảm, sành điệu, và quý phái, luôn hòa đồng với mọi người. Năm 2007, thị trường thăng hoa, bà hòa cùng dòng người đi đấu giá một cổ phiếu thuộc họ dầu khí trong đợt IPO. Mua xong, bà đi du lịch Trung Quốc hơn một tuần. Khi trở về cổ phiếu của bà mua tăng hơn 100%. Bà hơi buồn vì nó tăng chậm hơn chút ít so với những cổ phiếu khác. Sau khi mang quà cho vài người ban thân bà lại tiếp tục lao tới những vụ IPO mới.

Trong giai đoạn bùng nổ ấy, tiền từ rất nhiều nguồn khác nhau đổ vào thị trường. Tiền bán đất, tiền cắm nhà, tiền vay ông anh bên vợ, tiền vay tiêu dùng, tiền từ các sân sau của hệ thống ngân hàng....Trăm sông đổ về biển lớn. Và cái biển lớn chứng khoán ấy dậy sóng sôi sục. Nhưng rồi mọi chuyện cũng đi đến hồi kết như câu ngạn ngữ cổ “Thị trường không bao giờ đứng trên đỉnh trong sự huy hoàng”.

Cho dù thị trường đang trong trạng thái cực kỳ hưng phấn nhưng những vụ IPO tràn nan đã làm khánh kiệt túi tiền của mọi nhà đầu tư. Đòn bẩy tài chính được sử dụng quá mức, vượt xa giới hạn an toàn của các chủ tài khoản. Một thế hệ nhà đầu tư mới đông đảo, nhiệt tình, nhưng còn non nớt, ồ ạt tham gia và làm chủ thị trường. Thị trường quá nóng. Bong bóng vỡ. Thị trường bắt đầu lao dốc. Trong suốt quá trình đi xuống, những chuyên gia, những bình luận viên trên truyền hình, những người nắm giữ cổ phiếu luôn đổ lỗi cho “tâm lý đám đông”, thậm chí có người còn miệt thị gọi đó là “tâm lý bầy đàn” đã làm mọi người thi nhau bán cổ phiếu ra làm hại thị trường.

Sau này khi nỗi đau đã dần nguôi, bình tĩnh nhìn lại vấn đề. Họ chấp nhận sự thực về giá bong bóng của cổ phếu giai đoạn 2006- 2007. Nhận ra sự ấu trĩ trong cung cách nhập lệnh thủ công vào sàn. Chấp nhận về hậu quả của việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức. Không một “đám đông” hay “bầy đàn ” nào tự tử tập thể bằng cách cùng nhau nhảy xuống vực chỉ để dìm thị trường từ 1.150 điểm xuống còn 234 điểm. Nhiều năm sau, khi quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng lên nhiều so với thời kỳ năm 2007 nhưng mốc Vn-index đạt 1.150 điểm vẫn là "đỉnh cao muôn trượng" không dễ vươn tới. Thử hỏi nêu "đám đông" hay "bầy đàn" kia là sai và đáng khinh bỉ thì mọi chuyện có diễn ra như thế không?

Vỡ bong bóng cổ phiếu năm 2007 tại Việt Nam kết hợp chết người cùng khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, đã biến thị trường chứng khoán Việt Nam thành một thảm họa thực sự. Không có “đám đông” nào “đè giá” ở đây cả. Bảng điện tử nhiều ngày liền luôn trong tình trạng bên mua trống trơn, bên bán thì tràn ngập khối lượng dư bán sàn. Có rất nhiều nỗi đau trong giai đoạn sụt giá này: Một quý cô trên phố tài chính Láng Hạ đã không cầm lòng được khi nhìn cổ phiếu của mình lao dốc, òa khóc nức nở giữa sàn giao dịch chứng khoán An Bình. Cô nhận được nhiều sự đồng cảm. Một trí thức mẫu mực ở quận Thanh Xuân tuy đã trắng tay nhưng vẫn giữ được vẻ lịch lãm của riêng mình. Bắt tay từ biệt bạn chơi. Cảm ơn các nữ nhân viên môi giới xinh đẹp, nhiệt tình. Xem lại danh mục đầu tư. Về nhà tắm rửa sạch sẽ, tự thưởng cho mình một vài ngụm rượu vang ngoại hảo hạng. Ôm vợ. Thơm má các con. Lên tầng 4. Đóng cửa lại. Tự đâm dao vào ngực mình cho tới chết! Một con người quyết đoán...!!! Theo thống kê không chính thức từ một chủ quán Cafe wifi tại phố tài chính Láng Hạ thì đó là cái chết thứ 3, tại khu vực Hà Nội có liên quan tới các cổ phiếu, trong vòng 41 ngày kể từ khi thị trường lao dốc. Họ trung thành và đi xuống theo phương thẳng đứng cùng với thị trường. Điều này đúng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Còn nhiều nỗi đau khác trong giai đoạn thê lương ấy.

Sau nhiều thời gian tê buốt, cuối cùng mùa đông ảm đạm cũng qua đi. Mùa xuân ấm áp tràn về. Trên những cành khô, lộc xuân từ từ hé lộ. Năm 2009, để cứu nền kinh tế thế giới khỏi đổ vỡ, những nỗ lực phi thường của các chính phủ dẫn đầu là Mỹ và Châu Âu được thực thi. Những gói cứu trợ khổng lồ, những gói kích cầu với nguồn tiền không giới hạn, những chính sách chưa từng có tiền lệ dồn dập được tung ra. Việt Nam tung ra liên tiếp 02 gói kích cầu trị giá khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Thị trường chứng khoán hưởng lợi. Màu tím và màu xanh lá ngập tràn bảng điện tử. Vn-index có cuộc bứt phá ngoạn mục từ 234 lên 624 điểm. Tôi và mọi người lại thấy một quý cô khe khẽ hát tại sàn chứng khoán An Bình khi thấy thị trường tăng trưởng gần 300%.

Những yếu tố cơ bản vững chắc luôn tạo ra những đợt sóng dài dù là sóng lên hay sóng xuống

Điều nay một lần nữa cho ta thấy những yếu tố cơ bản vững chắc luôn tạo ra những đợt sóng dài dù là sóng lên hay sóng xuống. Không bao giờ có những chuyện “đánh lên” hay “đè xuống” đối với toàn thị trường. Thị trường luôn trung thực và cao thượng. Bởi vậy muốn hòa mình vào những đợt sóng lớn của thị trường. Muốn kiếm ra tiền. Muốn tránh xa những thảm họa. Theo tôi trước hết ta hãy bớt tự phụ, đồng thời vận dụng trí não và phóng tầm nhìn để xác định các yếu tố cơ bản hợp lý. Xác định hướng đi đúng đắn của thị trường. Tránh xa các quan điểm cá nhân của các “chuyên gia”, thận trọng với các ý chí chính trị.

Không ai kiếm tiền cho mình cả.

Ta phải nỗ lực để tự kiếm tiền cho mình thôi. Hiện nay, tôi đang cô gắng để làm điều đó mỗi ngày: Phân tích cơ bản.

Tạ Quang Hóa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên