MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: Tôi đã tìm thấy "mỏ vàng" chứng khoán như thế nào?

Từ tháng 8/2010, tôi bắt đầu hành trình đầu tư của mình trên thị trường chứng khoán đến nay. Ngay từ thời điểm đó mặc dù chỉ biết chút ít về TTCK, nhưng tôi đã xác định đây là công việc kinh doanh phù hợp với tính cách của mình, đó sẽ là công việc lâu dài của tôi, thậm chí của các con tôi nữa.

Nhà đầu tư Lương Nguyễn Quân đã không ngần ngại khi chia sẻ với độc giả CafeF "tình yêu lớn" của anh đối với chứng khoán. Chẳng dễ mấy ai khẳng định được đầu tư chứng khoán là nghề của bản thân nhưng với nhà đầu tư này thì xác định rõ là công việc lâu dài của bản thân, thậm chí, của các con của anh.

Vì sao nhà đầu tư này khẳng định được phong cách TÔI ĐẦU TƯ rõ ràng đến vậy dù thị trường chứng khoán đầy lúc quá khó khăn để kiếm được bát cơm? Kính mời quý độc giả đón đọc bài dự thi của tác giả Nguyễn Lương Quân và đừng quên gửi bài dự thi của các bạn cho chúng tôi vào huongnguyenthithanh@vccorp.vn / hainguyenduc@vccorp.vn


Tại sao tôi chọn công việc này?

Tôi thuộc tuýp người nhút nhát và làm công ăn lương khu vực nhà nước, mặc dù thích công việc kinh doanh cũng như ý thức được sự giàu có, giàu có lớn và chân chính phải bằng con đường kinh doanh, đầu tư. Nhưng, tôi thực sự rất ngại phải trực tiếp đối mặt với những mặt trái ngoài xã hội, các cơ quan hữu quan khi sở hữu một doanh nghiệp hay một công việc kinh doanh trực tiếp.

Việc đầu tư kinh doanh trên thị trường chứng khoán (TTCK) cho phép tôi tha hồ lựa chọn bắt tay với những người thông minh nhất (đó là các doanh nghiệp mạnh nhất, tiềm năng nhất) với mức giá/ chi phí do mình quyết định, kiếm tiền chân chính bằng sự thông minh, nhanh nhạy.

Đối với tôi, công việc này tự do, minh bạch và rất hấp dẫn, dù trên TTCK không ít những mặt trái như đội lái làm giá, doanh nghiệp gian dối... Nhưng tựu chung các doanh nghiệp trên TTCK sẽ giúp chúng ta làm mọi chuyện, đối mặt với mọi rủi ro và làm ra lợi nhuận cho các cổ đông sở hữu doanh nghiệp đó. Việc của các cổ đông chúng ta thật đơn giản là quan sát, theo dõi tình hình doanh nghiệp (tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, biến động nhân sự, vay nợ, doanh thu, chi phí, lợi nhuận hàng quý, năm,...) và các tác động từ chính sách vĩ mô của Nhà nước và tình hình thế giới... để ra quyết định chính xác.

Từ tháng 8/2010, tôi bắt đầu hành trình đầu tư của mình trên thị trường chứng khoán đến nay. Ngay từ thời điểm đó mặc dù chỉ biết chút ít về TTCK, nhưng tôi đã xác định đây là công việc kinh doanh phù hợp với tính cách của mình, đó sẽ là công việc lâu dài của tôi, thậm chí của các con tôi nữa. Tôi tự nhủ phải tìm ra và sở hữu một phương pháp đầu tư cho riêng mình, sở hữu một công việc kinh doanh yêu thích cho riêng mình: kinh doanh đầu tư cổ phiếu/ chứng khoán!

Tôi đã tìm ra mỏ vàng để khai thác!

Tôi bắt đầu công cuộc đầu tư của mình bằng nghiên cứu lý thuyết. Tôi là người yêu thích đọc sách, vì vậy một vài tuần tôi lại cùng các con tôi ra phố Đinh Lễ (gần Hồ Hoàn Kiếm) tìm đọc và mua cho mình những cuốn sách yêu thích. Tôi đặt ra yêu cầu cho riêng mình là tìm những cuốn sách có thể dạy cho mình một kỹ thuật hoặc phương pháp nào đó, trong đó tôi quan tâm đặc biệt tới những cuốn sách viết về đầu tư, kinh doanh trên TTCK. Ngoài ra, tôi cũng tìm đọc thêm các bài báo, tin tức nói về đầu tư kinh doanh cổ phiếu/ chứng khoán.

Ngạn ngữ có câu rằng “Chúng ta chú tâm vào điều gì thì điều ấy sẽ phát triển”. Và tôi cũng đã tìm thấy và rút ra cho mình một phương pháp đầu tư, đó là: “Tìm ra các doanh nghiệp giá trị và kiên nhẫn chờ đợi thị trường bán hạ giá để mua nó với giá rẻ nhất, hời nhất có thể”. Với tôi “đầu tư = sở hữu doanh nghiệp”.

Nôm na có thể diễn đạt như sau:

(1) Chọn ra các doanh nghiệp có giá trị trên thị trường để theo dõi (tôi gọi đó là việc tìm những người thông minh nhất để bắt tay với họ);

(2) TTCK là thị trường tương lai sẽ có lúc doanh nghiệp bị định giá thấp so với giá trị thực của nó và có lúc bị đẩy giá lên rất cao do có quá nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Đó là lúc chúng ta ra quyết định nên mua/ bán.

Việc của chúng ta là trở thành người mua hàng giỏi nhất!

Từ việc tìm kiếm các doanh nghiệp có giá trị trên TTCK

Từ việc nghiên cứu lý thuyết về đầu tư tôi cũng rút ra cho mình cách để tìm/ nhận diện một doanh nghiệp có giá trị trên TTCK, đó là thông qua việc phân tích, tổng hợp các yếu tố về ngành nghề, doanh thu, chi phí, lợi nhuận gộp, lợi nhuận sau thuế, số lượng cổ phiếu đang lưu hành, room, EPS, ROE, P/B, hệ số beta, cổ tức, nợ, vốn chủ sở hữu,... của doanh nghiệp đó.

Mục đích chính của công việc này là để chọn, lập ra danh mục một số doanh nghiệp để theo dõi giúp cho các quyết định mua và bán. Tôi thường xem xét các yếu tố chính sau đây:

- Trước hết, tôi xem xét doanh nghiệp thuộc ngành/ lĩnh vực nào? Ví dụ: Ngành thủy điện: SJD, TMP, NT2,..Ngành thực phẩm, đồ uống: HAD, THB, VDL,.., Ngành dược: LDP, PMC,.., Ngành cảng biển: CCL, HAH, DVP, TCL, STG...,Ngành cao su tự nhiên: DPR, TRC,..Ngành săm, lốp: CSM, SRC,... Ngành xây dựng: HBC, CTD..., Ngành bất động sản: DXG, ....Mục đích để tôi biết được doanh nghiệp nào đang dẫn đầu ở lĩnh vực đó, doanh nghiệp nào phù hợp với gu của tôi.

- Doanh nghiệp này đang rao bán với giá bao nhiêu/ hay nói cách khác là giá mua toàn bộ doanh nghiệp là bao nhiêu? Bằng giá nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Qua việc việc xem xét này, tôi có 2 thông tin cơ bản đó là giá mua bán/ 1 cổ phiếu và số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp đang lưu hành. Thứ nhất, so sánh giá bán cao/ thấp, số lượng cổ phiếu đang lưu hành lớn/ hay vừa/ hay nhỏ với doanh nghiệp cùng ngành để biết nên chọn doanh nghiệp nào phù hợp với số vốn của tôi có. Ngoài ra, so sánh doanh nghiệp đó với doanh nghiệp khác ngành có cùng số lượng cổ phiếu và mức giá để biết doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả hơn.

- Nghiên cứu các chỉ số EPS, ROE: các chỉ số này càng cao càng tốt và ổn định hoặc tăng trưởng nhiều năm. Tôi thường chọn các mã cổ phiếu có EPS >5.000, ROE >20% và càng lớn hơn càng tốt.

- Hệ số beta: các cổ phiếu có hệ số beta thấp thường có giá rẻ hơn giá trị thực của chúng và một số cổ phiếu vàng có beta gần bằng 0.

- Doanh thu và chi phí: Về doanh thu tăng trưởng ổn định qua các năm từ ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Chi phí càng thấp chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.

- Nợ và vốn chủ sở hữu: Nợ phải có xu hướng giảm và vốn chủ sở hữu phải tăng qua hàng năm. Trong đó, tăng trưởng vốn chủ sở hữu là con số tôi muốn thấy nhất.

Khi xem xét vốn chủ sở hữu tôi đặc biệt để ý đến thặng dư vốn cổ phần, cổ phiếu quỹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, trong đó cổ phiếu quỹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giúp tôi định giá cổ phiếu và biết doanh nghiệp có khả năng chia thưởng bao nhiêu.

- Lợi nhuận dòng hàng quí hoặc năm so với số lượng cổ phiếu đang lưu hành tốt.

- Giá cao nhất và giá thấp nhất trong 52 tuần (1 năm) để giúp tôi ra quyết định, nhất là quyết định mua vào ở mức giá đỉnh hay đáy của 52 tuần.

- Sở hữu của cổ đông, trong đó tôi quan tâm đến các cổ đông lớn là ai? Tôi sẽ biết chính xác số lượng cổ phiếu còn lại các cổ đông nhỏ lẻ đang năm giữ, giúp cho quyết định mua/ bán của tôi.

- Các thông tin về doanh nghiệp liên quan: Thay đổi nhân sự, lịch sử trả cổ tức và chia thưởng, tăng vốn, niêm yết lần đầu... giúp tôi dự báo giá mua/ bán cổ phiếu sắp có thay đổi.

Tất cả những nghiên cứu về doanh nghiệp nêu trên, chúng ta rất dễ dàng tìm kiếm miễn phí trên các trang web về tài chính. Tôi thường xem trên các trang cafef.vn, vietstock.com.vn, vndirect.com.vn.

Đến phân tích các thông tin kinh tế- xã hội, môi trường tự nhiên trong nước, quốc tế

Sự nhạy bén với các thông tin kinh tế- xã hội, môi trường tự nhiên trong nước, quốc tế cũng giúp ích rất nhiều cho việc ra các quyết định đầu tư cổ phiếu, ví dụ: tình hình hạn hán chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả SXKD của các doanh nghiệp thủy điện, giá cao su tự nhiên giảm ắt hẳn các doanh nghiệp săm, lốp cao su hưởng lợi,...

Về việc này, tôi thường xuyên nói chuyện trao đổi với một người bạn cũng tham gia đầu tư trên TTCK. Chúng tôi nói chuyện với nhau, bổ sung cho nhau các kiến thức, thông tin và tự rút ra các nhận định cho riêng mình. Đối với tôi đây là việc rất cần thiết, không thể thiếu.

Và quy luật cung cầu cổ phiếu

Việc mua bán cổ phiếu trên thị trường cần dựa trên quy luật cung cầu. Tại thời điểm mua, bán một cổ phiếu nhất định, tôi thường xem xét lượng đặt mua, lượng đặt bán của cổ phiếu đó để ra quyết định.

• Giai đoạn từ tháng 8/2010- 12/2014:

Bắt đầu từ số tiền nhỏ

Trên TTCK có rất nhiều cách kiếm được tiền như: mua& bán cổ phiếu của doanh nghiệp giá trị, doanh nghiệp độc quyền, những doanh nghiệp có của chìm, lướt sóng ngắn hạn, đầu tư các doanh nghiệp để hưởng cổ tức,...

Từ tháng 8/2010 đến hết năm 2014, mọi giao dịch (mua& bán) của tôi trên thị trường chỉ trên cơ sở số tiền có trong tài khoản, tôi chưa một lần sử dụng đòn bẩy. Với số tiền ít ỏi của mình từ việc thế chấp lương đi vay ngân hàng và tiết kiệm, tôi chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp có số lượng dưới 15 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích chính trong giai đoạn này là học việc. Người thầy duy nhất của tôi là chính tôi là các quyển sách, bài báo, tin tức trên các trang web. Mỗi lần giao dịch chỉ một vài trăm cổ phiếu, có một vài triệu tôi cũng cho vào tài khoản để giao dịch, bí tiền lại rút ra ít nhiều để chi trả,...

Thời kỳ này tôi đã mua& bán cổ phiếu trên thị trường như sau:

- Mua cổ phiếu của các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm dịch vụ phục vụ rộng rãi công chúng, tồn tại cùng xã hội như: taxi (MNC), gas (PGC), rượu vang (VDL), dầu ăn (TAC), dịch vụ kiểm nghiệm (VNC), ..

- Mua cổ phiếu của doanh nghiệp có của chìm (quỹ đất đai): BTH, POT.

- Mua cổ phiếu của doanh nghiệp niên yết từ năm 2006 chưa phát hành thêm cổ phiếu: S55, HAD, NET.

- Mua cổ phiếu của những doanh nghiệp có khoản nợ nhỏ, có nghĩa là lợi nhuận sẽ chủ yếu bắt nguồn từ vốn của cổ đông chứ không phải từ vốn vay: HAD, DXP, VSC, DSN, PMC.

- Mua cổ phiếu có tính thanh khoản cao/ có tính đầu cơ: PGC, DXG, KLS, HBC,

- Mua cổ phiếu của các doanh nghiệp độc quyền: GAS.

Từ năm 2015

Sử dụng đòn bẩy (margin):

Tôi luôn để tiền trong tài khoản margin khi thấy mình đã kiểm soát tốt cảm xúc và đã có sẵn danh mục một số cổ phiếu giá trị. Tôi sử dụng toàn bộ tiền của mình, cộng với sử dụng margin trong việc mua cổ phiếu. Và tôi tiếp tục đạt được các kết quả tốt với mã cổ phiếu PVB, HBC.

Giờ đây, việc nói chuyện về kinh doanh đầu tư cũng như giao dịch cổ phiếu đối với tôi thật thú vị.

Bước sang giai đoạn mới, tôi tiếp tục theo đuổi phương pháp “tìm kiếm và mua cổ phiếu của doanh nghiệp giá trị, ngoại hạng, độc quyền với mức giá hời nhất có thể” với nguyên tắc:

- Trở thành người mua hàng giỏi nhất để bảo đảm rằng ngay khi mua vào đã có lãi hoặc thị trường có xấu thì giá cổ phiếu cũng không giảm quá sâu.

- Quyết không hành động nếu không tìm được doanh nghiệp đáng để đầu tư.

- Mua với số lượng lớn nhất có thể để tạo ra những thay đổi đáng kể.

Và tôi đã sẵn sàng bước sang giai đoạn mới.

Lương Nguyễn Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên