MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc MBS: Mục tiêu của chúng tôi là top 3 CTCK lớn nhất Việt Nam

Tỷ lệ cổ đông biểu quyết thông qua phương án hợp nhất khá cao, 96.82%. Theo TGĐ MBS, cổ đông có thể thấy tương lai tươi sáng hơn của công ty sau khi hợp nhất.

Ngày 9/12 vừa qua công ty chứng khoán MB đã được UBCK cấp giấy phép đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất hai công ty chứng khoán MB và công ty chứng khoán VITS. Chúng tôi đã có trao đổi với ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS về định hướng phát triển của MBS trong giai đoạn tới.

Nhiều người cho rằng do VITS quá nhỏ bé (vốn chủ sở hữu còn hơn 20 tỷ), do đó việc hợp nhất vào MBS chỉ là yếu tố kỹ thuật để xóa lỗ lũy kế, xin ông cho biết công ty sau hợp nhất có sự thay đổi đáng kể nào về mặt chiến lược hay hoạt động không?

Như đã chia sẻ trước đây, việc MBS lựa chọn VITS để hợp nhất dựa trên nhiều yếu tố. Xuất phát điểm là việc VIT có cơ cấu vốn điều lệ vừa phải, cổ đông tập trung ủng hộ, và mong muốn hợp nhất với MBS nên việc hợp nhất được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

Công ty hợp nhất mang thương hiệu MBS, kế thừa các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến khách hàng, đối tác của cả hai công ty và tiếp tục phát triển theo chiến lược mà MBS đã xây dựng, về cơ bản sẽ không có gì thay đổi. Mọi dịch vụ và cam kết của MBS với khách hàng, đối tác đều được MBS tiếp tục thực hiện đầy đủ và liên tục.

Mục tiêu của MBS giai đoạn tới là gì thưa ông?

Ông Trần Hải Hà sinh năm 1980, là người có nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) như Phó Giám đốc Khối Khách hàng lớn và Định chế tài chính, Giám đốc Chi nhánh MB tại Hải Phòng. Ông Trần Hải Hà chính thức tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc MBS kể từ ngày 03 tháng 06 năm 2013.

MBS luôn nỗ lực để đạt mục tiêu trở thành Công ty có dịch vụ thuận tiện nhất cho khách hàng cá nhân, và chuyên nghiệp nhất trong các nhà cung cấp dịch vụ M&A và thị trường vốn tại Việt Nam.

Mục tiêu trước mắt của MBS là đứng trong top 3 Công ty chứng khoán tại thị trường Việt Nam, không chỉ xét riêng về thị phần mà phát triển vững mạnh, toàn diện các mảng nghiệp vụ, sản phẩm cung cấp cho Khách hàng.

Sau hợp nhất, MBS sẽ có thể tích lũy lợi nhuận, qua đó sẽ trả được cổ tức cho cổ đông và tiến hành niêm yết trên TTCK trong vòng 2-3 năm tới khi hoạt động kinh doanh thuận lợi. Từ đó, các cổ đông sẽ được hưởng một cách đầy đủ quyền lợi của mình.

Ông muốn nhắn nhủ gì tới những cổ đông của MBS giai đoạn này, khi họ đã “chịu thiệt” khi 2 cổ phiếu MBS chỉ được nhận 1 cổ phiếu công ty hợp nhất?

Công ty hợp nhất với tài sản phản ánh sát giá trị là tiền đề cho sự phát triển lành mạnh, hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty hợp nhất thực hiện chiến lược kinh doanh; đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định của UBCK. Khi MBS không còn lỗ lũy kế, Công ty sẽ dễ dàng tích lũy lợi nhuận và tính đến việc trả cổ tức cho các cổ đông trong tương lai gần.

Một yếu tố quan trọng khác là sau hợp nhất, cổ đông lớn nhất của MBS là MB sẽ tiếp tục rót thêm vốn vào MBS. HĐQT MB đã quyết định sẽ chuyển 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của MBS thành cổ phiếu trong thời gian ngắn tới để tăng năng lực tài chính cho MBS và nâng tỷ lệ sở hữu từ 62% hiện nay lên trên 75%.

Chúng tôi mong muốn khi nhìn vào những yếu tố tích cực này, cổ đông có thể thấy tương lai tươi sáng hơn của MBS và tiếp tục ủng hộ công ty bởi đây là phương án tốt nhất cho MBS ở thời điểm này vì lợi ích lâu dài của Công ty cũng như của chính các cổ đông.

Và thực tế đã cho thấy, tỷ lệ cổ đông biểu quyết thông qua phương án hợp nhất khá cao, 96.82%. Chúng tôi cho rằng đây là sự ủng hộ và tin tưởng lớn của cổ đông đối với định hướng phát triển công ty do HĐQT và Ban điều hành MBS đưa ra đồng thời cũng là trọng trách để chúng tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu.

Ông đã có kinh nghiệm nhiều năm tại ngân hàng MB, khi đảm nhận cương vị Tổng giám đốc MBS- công ty trong thời kỳ tái cơ cấu mạnh mẽ, ông có cảm thấy khó khăn gì không?

Trải qua nhiều vị trí ở MB cho tôi rất nhiều kinh nghiệm. Mỗi một vị trí một mục tiêu khác nhau và đòi hỏi sự nỗ lực lớn, tuy nhiên mục tiêu chung vẫn là sự phát triển ổn định và bền vững của Tập đoàn. Để thành công, ngoài kinh nghiệm thực tế và tầm nhìn, ai cũng phải có sự tâm huyết, say mê và nỗ lực phấn đấu.

Khi tiếp bước điều hành MBS, bản thân tôi có nhiều điều kiện thuận lợi do MBS là một tập thể đoàn kết, đầy quyết tâm, quy tụ nhiều cá nhân xuất sắc và cũng đã đạt được một số kết quả nhất định từ khi tái cấu trúc. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ tối đa của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là UBCKNN cộng với quyết tâm của Ngân hàng quân đội trong việc tái cấu trúc MBS nên tôi không gặp khó khăn gì lớn.

Được HĐQT Ngân hàng Quân đội tin tưởng giao nhiệm vụ Tổng giám đốc tại MBS là một vinh dự lớn với bản thân tôi. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức những cũng là cơ hội lớn để tôi có thể đóng góp sức mình vào sự vững mạnh, phát triển chung của tập đoàn. Hy vọng, với định hướng phát triển đúng đắn, MBS sẽ tiếp tục ổn định và phát triển.

Theo ông, TTCK Việt Nam trong quý 4 và thời gian tới có điều gì đáng để kỳ vọng?

Xét về kênh đầu tư, TTCK vẫn là một kênh hấp dẫn với tính thanh khoản cao hơn so với các kênh khác trong cùng điều kiện. Do đó, dòng vốn vẫn sẽ trong xu hướng chờ đợi cơ hội và chảy vào thị trường khi hội đủ các yếu tố cần thiết. Thị trường sẽ hứa hẹn khởi sắc khi các chỉ tiêu kinh tế của quý 1/2014 được công bố với sự tiến bộ so với cùng kỳ.

Nhiều khả năng thị trường sẽ đi lên vững chắc trong năm 2014 nhờ sự tiến triển của nền kinh tế chung (cả yếu tố tăng trưởng và cả yếu tố ổn đinh) song không có các sóng lớn do không có nhiều thông tin có tính kích động cao (như một gói kích cầu, hay hiệp định TPP).

Thị trường trong thời gian qua vẫn phụ thuộc khá lớn vào tín hiệu dẫn dắt của dòng vốn ngoại, những yếu tố tích cực về thông tin kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Thời điểm năm 2014 dòng vốn ngoại có thể tiếp tục chảy vào Việt Nam nếu kinh tế Việt Nam cho thấy sự tiến bộ tuy nhiên có thể không lớn do dòng vốn giá rẻ do chính sách siêu nới lỏng tại các nước phát triển không còn.

Tôi tin tưởng vào sự điều hành đúng đắn của các Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ tài chính, UBCKNN), đặc biệt là tâm lý của các Nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đã và đang được cải thiện theo hướng tích cực thì TTCK sẽ hoạt động đúng bản chất vốn có của nó, là hàn thử biểu của nền kinh tế và là kênh huy động vốn cho sự phát triển của từng Công ty niêm yết, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng bền vững cả về lòng tin và giá trị.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên