MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 18/08: Tình trạng bán giải chấp theo “dây chuyền”

CTCK Rồng Việt cho rằng, với kịch bản thị trường giảm mạnh trong 4 phiên gần đây thường dẫn đến tình trạng “bán dây chuyền” (là hiện tượng nhà đầu tư bị “call margin” sẽ phải bán các cổ phiếu trong danh mục để đảm bảo tài sản ký quỹ đối với các cổ phiếu bị “margin call”).

Trước những động thái đã diễn ra tại Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Phương Nam và Sacombank, thị trường phiên thứ 2 đầu tuần lại tiếp tục diễn ra trong những tin đồn về một ngân hàng khác là Eximbank  bị kiểm soát đặc biệt. Với sự lao dốc của cổ phiếu ngân hàng, trong đó EIB và CTG giảm sàn, BID giảm 6,2%, VCB giảm 5,3%... VnIndex chốt ngày giao dịch với mức giảm 15,88 điểm còn 573,15 điểm và HNX-Index giảm 1,89 điểm còn 78,99 điểm. Xu hướng giảm điểm của hai chỉ số trong những phiên gần đây không có gì lạ tuy nhiên giảm gần 16 điểm cũng là khá bất ngờ.

Bên cạnh đó GAS tiếp tục giảm sâu 3.200 đồng đã hoàn toàn nhấn chìm VNIndex.

Ngay sau giờ giao dịch, trả lời trên TBKTSG, một lãnh đạo NHNN khẳng định cơ quan này không công bố kiểm soát đặc biệt Ngân hàng xuất nhập khẩu (Eximbank), hiện tại kết luận thanh tra vẫn chưa công bố. Đồng thời vị này cũng khẳng định ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, không bị bắt như tin đồn trên thị trường chứng khoán.

Phòng truyền thông của Eximbank cũng khẳng định hiện tại ông Lê Hùng Dũng vẫn làm việc bình thường và ngân hàng cũng không nhận được quyết định kiểm soát đặc biệt từ NHNN như tin đồn trên thị trường chứng khoán.

Khối ngoại giao dịch khá cân bằng phiên qua khi chỉ bán ròng nhẹ 1,5 tỷ đồng trên HO. Các mã bị bán ra là GAS 15,6 tỷ; PVD 14,5 tỷ; BMP 12,2 tỷ; SBT 9,7 tỷ….và các mã được mua vào có DPM 13,7 tỷ; MSN 8,88 tỷ; VCB 8,8 tỷ; VIC 4,8 tỷ…

Sàn HNX bất ngờ bị bán ròng mạnh 23,7 tỷ đồng với PVS 15,44 tỷ; SHB 9,9 tỷ; BVS 1,75 tỷ…

Trong bối cảnh có dồn dập những thông tin bất lợi và nhà đầu tư còn nhiều nghi ngờ với các thông tin trên thị trường, CTCK Rồng Việt cho rằng, với kịch bản thị trường giảm mạnh trong 4 phiên gần đây (bình quân giảm khoảng 10 điểm) thường dẫn đến tình trạng “bán dây chuyền” (là hiện tượng nhà đầu tư bị “call margin” sẽ phải bán các cổ phiếu trong danh mục để đảm bảo tài sản ký quỹ đối với các cổ phiếu bị “margin call”). Do đó, thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đến từ các dòng cổ phiếu có ảnh hưởng lớn lên chỉ số.

Cổ phiếu đáng chú ý

EIB: Trước tin đồn về việc bị kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu này đã giảm sàn và gây hiệu ứng lên các cổ phiếu cùng nhóm.

PNJ: Giảm sàn trước lo ngại về phần vốn tại ngân hàng Đông Á.

KBC: riêng quý 2/2015, doanh thu thuần đạt 102,5 tỷ đồng tăng 53,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giá vốn hàng bán đã ngốn gần hết doanh thu khiến KBC lãi thuần vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng giảm mạnh so với con số gần 34 tỷ đồng cùng kỳ 2014. Đáng chú ý hoạt động tài chính ghi nhận doanh thu 124,34 tỷ đồng chủ yếu từ lãi mua bán chứng khoán và hoạt động tài chính và ghi âm gần 9 tỷ đồng chi phí do được hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính.

Kết quả KBC báo lãi ròng 87,3 tỷ đồng, LNST công ty mẹ đạt 94,3 tỷ đồng tăng cao gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, KBC đạt gần 647 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 193,4% so với cùng kỳ; LNST công ty mẹ đạt 252,7 tỷ đồng tăng 503,4% so với cùng kỳ 2014

FLC: doanh thu thuần trong kỳ tăng cao gấp 4,3 lần đạt 1.354,4 tỷ đồng, tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần ở mức 87,52% (cùng kỳ là hơn 95%) nên FLC lãi gộp hơn 169 tỷ đồng cao gấp gần 12 lần mức lãi gộp đạt được trong quý 2/2014.  Kết quả công ty lãi ròng 325 tỷ đồng gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước, trong đó lãi cổ đông công ty mẹ đạt gần 325 tỷ đồng. EPS tương ứng đạt 825 đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, FLC đạt doanh thu thuần 2.006 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 533,58 tỷ đồng, gấp 3 lần so với nửa đầu năm 2014. LNST 6 tháng của FLC đạt 418,8 tỷ đồng.

VHG: doanh thu thuần trong quý 2 của VHG đạt 142,3 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh 56% lên 136 tỷ đồng đã khiến lãi gộp của công ty chỉ đạt 6,3 tỷ đồng, giảm mạnh 68%. Doanh thu hoạt động tài chính VHG trong kỳ tăng mạnh lên 25 tỷ đồng, trong đó có tới 30 tỷ đồng lãi từ chuyển nhượng vốn. Sau khi trừ các chi phí phát sinh, VHG đạt 29,59 tỷ đồng LNST quý 2, tăng 21%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, công ty đạt KQKD khá tích cực với 234,13 tỷ đồng doanh thu, 41,63 tỷ đồng LNST; tăng trưởng lần lượt 63% và 44% so với nửa đầu 2014.

SCR: CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã: SCR ) đã công bố BCTC riêng quý 2/2015 của công ty mẹ với doanh thu giảm mạnh nhưng lợi nhuận tăng đột biến.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 2/2015 giảm 41% còn gần 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản hời lớn của SCR chính là hoạt động khác với lợi nhuận 288 tỷ đồng. Kết quả cuối cùng, SCR đạt 37,6 tỷ lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2015 – tăng 21 lần so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm lãi 45,6 tỷ - tăng 440%.

TTF: Doanh thu thuần quý 2/2015 của Gỗ Trường Thành tăng vọt từ 291 tỷ đồng năm ngoái lên 625 tỷ đồng năm nay. Không bất ngờ khi công ty lãi gộp 81,2 tỷ đồng quý 2/2015, trong khi cùng kỳ con số vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng. Nhờ khoản Lợi nhuận khác 75 tỷ đồng, lợi nhuận của TTF khởi sắc với 108,6 tỷ đồng dành cho cổ đông công ty mẹ, bằng 3,6 lần kết quả quý 2 năm 2014. Lũy kế 6 tháng, với sự đóng góp chủ yếu từ lợi nhuận quý 2, TTF lãi ròng 136,5 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2014 lợi nhuận công ty chỉ đạt vỏn vẹn 16,7 tỷ đồng.

Tin kinh tế đáng chú ý:

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2015, cả nước đã nhập khẩu 9.504 ô tô nguyên chiếc với giá trị đạt 208,5 triệu USD; giảm 1,8% về lượng và giảm mạnh 32,1% về giá trị so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, cả nước đã nhập khẩu 64.421 ô tô nguyên chiếc với giá trị đạt hơn 1,7 tỷ USD. Xét về giá trị, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2015 đã vượt con số của cả năm 2014 là 1,57 tỷ USD...

Hải Long

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên