Trao đổi với ĐTCK, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông
Việt Nam (VNPT) cho biết, TTCK suy giảm sâu đang gây nhiều khó khăn cho tiến
trình cổ phần hoá MobiFone, nên khó có thể kết thúc cổ phần hoá DN này trong
năm nay.
Đại diện VNPT cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Chính
phủ, trong quá trình xây dựng và triển khai phương án cổ phần hoá các DNNN, đặc
biệt là các DN đang hoạt động hiệu quả như MobiFone phải đồng thời thoả mãn
nhiều mục tiêu: tránh gây thất thoát tài sản quốc gia; mang lại nguồn thặng dư
vốn hợp lý cho Nhà nước; đảm bảo DN sau cổ phần hoá phải hoạt động minh bạch,
hiệu quả hơn…
Đem những tiêu chí này đặt vào bối cảnh kinh tế vĩ mô, đặc
biệt là diễn biến TTCK hiện tại, cũng như dự báo từ nay đến cuối năm, thì việc
bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết của MobiFone khó đáp
ứng được các yêu cầu cổ phần hoá DN này, nhất là vấn đề xác định giá trị DN,
xây dựng phương án giá cổ phần đưa ra IPO.
Theo VNPT, với tình hình kinh doanh hiệu quả trong suốt quá
trình hoạt động, cổ phần của MobiFone không thể bán giá thấp, vì như vậy sẽ làm
thất thoát tài sản Nhà nước, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh DN sau
cổ phần hoá. Ngược lại, nếu bán giá cao với đúng giá trị của MobiFone, thì sẽ
khó IPO thành công trong bối cảnh TTCK suy giảm sâu như hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VNPT đang trong quá trình
hoàn tất phương án sắp xếp MobiFone, trong đó sẽ làm rõ cơ cấu, tỷ lệ sở hữu
vốn của các bên sau cổ phần hoá, tiêu chí tìm kiếm cổ đông chiến lược… VNPT sẽ triển
khai ngay phương án cổ phần hoá DN này khi có chỉ đạo chi tiết của Chính phủ và
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Lý giải mối quan tâm của nhiều NĐT rằng, với việc Chính phủ
vừa ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Viễn thông, trong đó có một số nội dung đang tạo ra sức ép
khách quan đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu MobiFone, đại diện VNPT cho biết,
theo Nghị định 25 có hiệu lực từ ngày 1/6 tới, thì một tổ chức, cá nhân đã sở
hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một DN viễn thông sẽ không được sở
hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh
trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ
TT&TT quy định.
Với quy định này, có ý kiến cho rằng, VNPT phải thoái vốn
tại một trong hai công ty con của mình là MobiFone và VinaPhone xuống dưới 20%
hoặc hợp nhất thành một mạng. Điều này sẽ tạo ra sức ép đẩy nhanh tiến trình cổ
phần hoá MobiFone.
Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 25 đã quy định rõ về
vấn đề sở hữu của tổ chức, cá nhân phải thoả mãn 2 tiêu chí là: sở hữu trên 20%
vốn điều lệ hoặc cổ phần và sở hữu DN viễn thông. Trong khi đó, theo Điều lệ tổ
chức và hoạt động của VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
108/QĐ-TTg ngày 28/1/2011, VinaPhone chỉ là đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ
thuộc công ty mẹ là VNPT. Thực chất, VinaPhone chỉ là chi nhánh của VNPT và
hoạt động kinh doanh theo uỷ quyền của VNPT. VinaPhone không có vốn điều lệ nên
không phải là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 25. Do vậy, VNPT hiện chỉ sở
hữu 100% vốn tại một DN viễn thông là MobiFone.
Theo một lãnh đạo Vụ Viễn thông - Bộ TT&TT, việc VNPT
thoái vốn hay sáp nhập MobiFone và VinaPhone là quá trình phức tạp, đòi hỏi
nhiều thời gian. Bộ TT&TT đang yêu cầu VNPT chủ động đề xuất các phương án
cụ thể căn cứ vào thực tiễn hoạt động, để trên cơ sở đó Bộ sẽ thẩm định kỹ
lưỡng trước khi báo cáo Chính phủ xem xét quyết định. |
Theo Hữu Đạo
ĐTCK
phuongmai