MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK Tháng 5: Sell in May and go away?

Tháng 5 là thời điểm diễn biến trên TTCK thường diễn ra không thực sự thuận lợi. Tuy nhiên, việc khối ngoại đang tiếp tục hoạt động mua ròng cùng với sự hồi phục của nền kinh tế đang được kỳ vọng sẽ có một tháng 5 hoàn toàn khác.

Đối với nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường, câu nói “Sell in May and go away” có lẽ không còn xa lạ gì. Đó là câu nói nổi tiếng trên TTCK Thế giới, ám chỉ việc thị trường chứng khoán trong tháng 5 thường diễn biến khá phức tạp và không thực sự thuận lợi cho việc đầu tư. Đó là thời điểm nhà đầu tư nên nghỉ ngơi nếu như không muốn mất tiền trên TTCK.

Với TTCK Việt Nam, dù mới chỉ thành lập được 15 năm, còn khá non trẻ so với thế giới nhưng dường như cũng không nằm ngoài “quy luật tháng 5”. Theo thống kê, tháng 5 là tháng không thực sự may mắn với TTCK Việt Nam khi có tới 9 năm VnIndex giảm điểm và chỉ có 4 năm tăng.

Mặc dù điều này không phải khi nào cũng đúng, tuy nhiên nó đã thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trên thị trường vào giai đoạn tháng 5.

Nguyên nhân dẫn đến việc TTCK thường xuyên giảm điểm vào tháng 5 có thể bắt nguồn từ việc đây là thời điểm khoảng trống thông tin xuất hiện. Hầu hết các tin tức vĩ mô quan trọng trong nước đều được công bố vào quý 1, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu rơi vào tháng 4. Tháng 5 là thời điểm các thông tin lác đác xuất hiện, thị trường thiếu vắng sự hỗ trợ dẫn tới xu thế thận trọng là chủ đạo trên thị trường.

Tháng 5, điểm nhấn khối ngoại

Ngoài các nguyên nhân về khoảng trông thông tin, khối ngoại cũng là tác nhân không nhỏ ảnh hưởng tới thị trường trong tháng 5.

Hoạt động mua, bán của khối ngoại trên thị trường có tính chu kỳ khi họ thường mua ròng mạnh vào giai đoạn đầu năm và cuối năm. Trong khi giữa năm là thời điểm bán ròng của họ. Có thể điều này cũng xuất phát từ tâm lý “Sell in May”. Điều này đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ cho thị trường trong các năm trước đây.

Tuy nhiên, cũng có những năm khối ngoại lại mua ròng khá mạnh tại thời điểm mùa hè và điều này đã giúp thị trường nổi sóng. Có thể thấy trong tháng 5/2014, khi thị trường giảm điểm rất mạnh sau vụ Biển Đông, khối ngoại đã tích cực mua ròng và điều này đã giúp VnIndex tạo đáy trong tháng 5 và có con sóng tăng hơn 100 điểm.

Trong năm nay, diễn biến mua bán của khối ngoại cũng hơi khác biệt khi họ mua ròng khá mạnh kể từ đầu tháng 4 tới nay, đi ngược xu thế thường thấy. Một trong những lý do chính khiến khối ngoại quay trở lại là việc FED đã bỏ ngỏ khả năng không tăng lãi suất cơ bản cho tới quý 3 nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế khiến khối ngoại ngưng rút ròng khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, P/E của VnIndex đang ở vùng khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực đã khiến khối ngoại mua ròng trở lại trong thời gian gần đây.

Sự hồi phục của nền kinh tế

Kết quả kinh doanh quý 1 được công bố với nhiều điểm tích cực khi rất nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận so với cùng kỳ những năm trước. Có thể thấy nhóm cổ phiếu ô tô, bất động sản… đang thu hút dòng tiền khá tốt trên thị trường.

Điểm đáng chú ý với thị trường là việc GDP quý 1 tiếp tục tăng trưởng mạnh 6,03% trong khi thông thường quý 1 lại là thời điểm tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong năm. Với diễn biến đó, kế hoạch tăng trưởng 6%- 6,2% trong năm 2015 mà Chính phủ đề ra được nhiều chuyên gia nhận định là hoàn toàn khả thi.

Ngoài ra, CPI cả nước vẫn đang duy trì ở mức khá thấp khi bình quân 4 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ giúp lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Những yếu tố trên cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi ổn định, TTCK vẫn đang diễn ra trong uptrend và những biến động nếu có trong tháng 5 chỉ là nhất thời.

Câu nói “Sell in May and go away” có thể đúng trong nhiều trường hợp, tuy nhiên đó vẫn chỉ là con số thống kê. Với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế cùng với việc khối ngoại đang mua ròng trở lại đang là tiền đề để hy vọng TTCK sẽ có nhiều điều tích cực hơn trong tháng 5.

Hoàng Anh

Hoàng Anh Tú

Tài chính Plus

Trở lên trên