MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự doanh chật vật đường sống

Sau giai đoạn bùng nổ và đau thương, liệu viễn cảnh tươi sáng hơn có đến với tự doanh trong thời gian tới?

Tạm qua cơn bĩ cực

Hiện nay, hầu hết CTCK không còn xem tự doanh là nguồn thu chính, nên gánh nặng tự doanh gắn liền với sự lên xuống của thị trường, không còn đè lên CTCK như trước. Nhưng trừ SSI bóc tách hoạt động tự doanh bằng cách chuyển danh mục tự doanh sang công ty quản lý quỹ, đồng thời có chiến lược đầu tư được công bố khá rõ ràng, các CTCK đang ở giai đoạn đầu chuyển đổi, hoặc vẫn còn loay hoay tìm chiến lược cho mình.

Trước mắt, có lẽ các CTCK chỉ tự doanh để “ăn” theo sóng, hoặc phục vụ cho những mục đích như gom mua CP cho đối tác, hay bán ra CP tồn đọng. Giá trị tự doanh chưa thể tăng trong lúc này, mà được duy trì cho đến khi các CTCK chứng tỏ được khả năng sinh lời đều đặn trên số vốn sẵn có, quan trọng hơn là khả năng bảo toàn vốn. Không bàn đến chuyện bỏ tự doanh, nhưng nếu CTCK nào vẫn xem tự doanh là nguồn thu chắc chắn sẽ còn vất vả trong việc tìm hướng đi hiệu quả cho mình trong thời gian tới.

Và khi chưa tìm được hướng đi chính xác, việc CTCK vừa thoát khỏi cơn bĩ cực này sẽ lại sa lầy vào vũng bùn khác vẫn có thể xảy ra. Minh chứng là trong năm 2012, nửa đầu năm TTCK diễn biến tích cực nên có CTCK thắng lớn nhờ tự doanh, nhưng thời gian sau đã thua lỗ trở lại.

Cũng do chỉ mới tạm qua cơn bĩ cực, một số CTCK do quá hao tổn nguồn vốn hoặc do sự thận trọng nên mọi hành động trở nên dè dặt hơn. Một thống kê mới đây cho thấy 6 tháng đầu năm nay khối tự doanh của CTCK bán ròng gần 340 tỷ đồng và trong 11 phiên cuối tháng 6 mua ròng gần 140 tỷ đồng.

Giá trị bán ròng sau 6 tháng đầu năm chỉ tương đương nguồn vốn tự doanh của một CTCK lớn thời hoàng kim, còn 140 tỷ đồng mua ròng 11 phiên cũng chỉ xấp xỉ giá trị giao dịch của khối ngoại trong 1 phiên hoặc tổng số vốn góp của 2-3 nhóm NĐT VIP. Những con số này dù còn thiếu một phần đáng kể từ SSI do công ty này đã tách hoạt động tự doanh, nhưng cũng đủ để nói lên sự “nhỏ bé” của khối tự doanh các CTCK hiện nay: tự doanh 100-200 tỷ đồng có thể xem là tầm trung hoặc lớn, có những CTCK tự doanh chỉ vài chục tỷ đồng.

Bài toán khó

Hiện nay, CTCK muốn “đánh” lớn hoặc “đánh” nhỏ đều gặp khó khăn. TTCK ngày càng biến động khó lường, giải ngân vốn lớn rủi ro thua lỗ cũng rất lớn. Tất nhiên lợi nhuận cũng có thể lớn, nhưng trong giai đoạn “sợ lỗ” và phải bảo toàn vốn, chẳng CTCK nào muốn liều lĩnh. Trong khi đó, nếu “đánh” nhỏ dù an toàn hơn nhưng tìm kiếm lợi nhuận khó khăn hơn.

Tự doanh bây giờ không còn đem lại siêu lợi nhuận, nên nếu có “ăn” cũng phải “ăn” dựa trên số nhiều và khả năng xoay vòng vốn. Vốn nhỏ tất nhiên là khó xoay, còn vốn lớn rủi ro có khi to hơn lợi nhuận. Trong 2 phương án, hiện nay nhiều CTCK chọn phương án tự doanh với số vốn nhỏ trước.

CTCK sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể triển khai các hình thức đầu tư, như private equity (đầu tư vốn tư nhân) tìm doanh nghiệp tiềm năng, rót vốn, rồi “nuôi lớn” doanh nghiệp chờ ngày thoái vốn sinh lãi. Vốn của CTCK thời điểm này không dồi dào như trước nên không thể chôn vốn lâu.

Còn chiến thuật tìm mua những doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn với giá rẻ, kết hợp tư vấn kèm thêm “đánh đấm” rồi xả hàng cũng không hữu hiệu. Vì doanh nghiệp tốt chẳng có giá rẻ, còn nếu đầu tư kiểu “võ biền” và “đánh đấm” lộ liễu, coi chừng các cơ quan quản lý, thậm chí cơ quan an ninh tuýt còi.

Triển khai đầu tư có chiến lược rõ ràng và dài hạn gần như chỉ có SSI do đã chuẩn bị và thực hiện từ trước. Một vấn đề quan trọng nhất là việc thu hẹp tự doanh, cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp đội ngũ nhân sự. Và như vậy khả năng tuyển được những nhân viên “thiện chiến” trả lương cao, điều kiện hấp dẫn e rằng khó xảy ra.

Vốn dè dặt, người mỏng, trong khi áp lực bảo toàn vốn và tìm hướng đi mới vẫn hiện hữu, đang đặt ra cho các CTCK một bài toán khó. Trước mắt, một vài CTCK đã đưa ra hình thức “khoán” chỉ tiêu cho nhân viên tự doanh. Theo đó nhân viên được cấp một số vốn nhất định, để từ đó chứng tỏ năng lực của mình. Đầu tư càng thành công, thưởng càng lớn và sẽ được quản lý vốn lớn hơn.

Thực tế, thời điểm từ năm 2009 trở về trước đã có CTCK áp dụng hình thức này nhưng kết quả chẳng đi đến đâu. Khoán vốn cho từng nhân viên hiện nay cũng chỉ có thể vài tỷ đồng do yếu tố thận trọng được đặt lên trên hết. Vì thế đem vài tỷ đồng ra thi thố với thị trường tự doanh của CTCK cũng chẳng khác nào một NĐT cá nhân.

Theo Đại Ngàn

phuongmai

Sài gòn đầu tư

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên