MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt tầm hiểu biết của nhiều người, vấn đề này đang cản trở chứng khoán tăng điểm

Hành động mua lại hàng hóa cơ bản đã bán khống trên thị trường quốc tế đã kéo dòng tiền đổ vào thị trường này và tất nhiên, rút bớt khỏi thị trường chứng khoán. Không phải ai cũng là chuyên gia ở mọi thị trường, nhà đầu tư Việt Nam không phải ai cũng biết vấn đề này nhưng vấn đề này lại đang là nhân tố chính cản trở thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc quý 1/2016 bằng một phiên giảm điểm mạnh với thanh khoản cao. Đó dường như là chỉ báo rằng đợt tăng từ đầu tháng 2 đến tháng 3 đã kết thúc. Và không ngoài dự đoán, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 đã diễn ra không mấy khả quan khi VN-Index tiếp tục giảm 2,79 điểm, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 560 được nhiều người kỳ vọng. HNX-Index cũng giảm 0,49 điểm và rơi khỏi mốc 79.

Trong vòng vài ngày, VN-Index đã mất 2 ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 570 và 560. Điều này cho thấy xu hướng trong ngắn hạn là tiêu cực nhiều hơn.

Tại sao thị trường chứng khoán và hàng hóa cơ bản lại giảm nhanh đến vậy?

Có thể thấy, một yếu tố hỗ trợ cơ bản cho đợt tăng vừa qua của thị trường chứng khoán Việt Nam là sự tăng giá của các loại hàng hóa nguyên liệu cơ bản. Giá dầu tăng làm động lực cho giá cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu cao su tự nhiên, cổ phiếu ngành nhựa. Giá quặng tăng tạo nên con sóng mạnh mẽ của cổ phiếu ngành khai khoáng…

Từ đầu tháng 2 tới nay, nhóm cổ phiếu dầu khí đã tăng trưởng hơn 25% nhờ sự phục hồi của giá dầu. Tuy nhiên hiện tại, giá dầu thô thế giới đã chạm ngưỡng cản mạnh tại mức giá 40 USD/thùng. Sự phục hồi của giá dầu thô cũng kéo theo lượng cung tăng từ dầu đá phiến, tiếp tục làm cản đường tăng của nhiên liệu này.

Nhưng quan trọng hơn, theo báo cáo của CTCK HSC, nhiều ý kiến cho rằng toàn bộ đợt tăng vừa rồi là do hoạt động mua lại hàng hóa đã bán khống. Đặc biệt là với dầu thô.

Đây cũng là ý kiến được nhiều người làm việc trong những ngành sử dụng đầu vào là nguyên liệu cơ bản nêu lên. Ví dụ như đối với quặng sắt, đại diện từ doanh nghiệp thép từng cho biết giá quặng lên chỉ là sự phục hồi sau khi đã giảm giá quá sâu, được hỗ trợ từ hoạt động bán khống và trong thời gian tới, giá loại tài nguyên này sẽ giảm trở lại khi lực mua từ hoạt động này kết thúc.

Động lực tăng trưởng cho tháng 4 rất mờ mịt

Theo những nhận xét trên, động lực từ việc tăng giá của hàng hóa cơ bản sẽ không còn hỗ trợ nhiều cho TTCK tháng 4.

Còn nhớ hồi đầu năm, CTCK BSC nhận định “sẽ có một đợt tăng điểm rõ rệt từ giữa tháng 2 đến tháng 3” do các DN công bố KQKD kiểm toán năm, KQKD dự kiến quý 1/2016 và ĐHCĐ 2015. Trong đó, một nội dung được quan tâm tại mùa đại hội là việc nhiều Công ty niêm yết sẽ thông qua nội dung mở room cho NĐT nước ngoài.

Mùa ĐHCĐ vẫn đang diễn ra trong tháng 4 nhưng câu chuyện nới room đã bị ảnh hưởng một chút. 2 doanh nghiệp lớn là HPG và FPT đã thể hiện thái độ không ưa thích việc nới room. Nhiều doanh nghiệp trong đó có VNM khá tích cực trong việc này. Tuy nhiên điều quan trọng là quá trình tăng giá trước đó đã phản ánh hầu hết những kỳ vọng vào việc nới room của doanh nghiệp.

Còn về kết quả kinh doanh, đó là câu chuyện riêng của mỗi đơn vị và khó có thể tác động lớn đến thị trường. Chưa kể, kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp dự kiến không có đột biến và kế hoạch kinh doanh năm 2016 cũng đầy thận trọng.

Trong khi đó, câu chuyện tăng lãi suất đang nóng lên và bao giờ trong cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng thì doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu thiệt.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán tháng 4 sẽ là cuộc chơi riêng của mỗi doanh nghiệp, mỗi cổ phiếu và việc tham gia được vào cuộc chơi ấy hay không phụ thuộc vào sự nhạy bén của mỗi nhà đầu tư.

Riêng về sự phục hồi của giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào, dù không còn là động lực chính cho thị trường nhưng những doanh nghiệp tận dụng được nguyên liệu là hàng tồn kho giá rẻ sẽ có nhiều cơ hội trong việc cải thiện kết quả kinh doanh.

Tú Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên