Thị trường đang hưng phấn bỗng giảm gần 90 điểm sau 4 phiên, liệu có phải là "Bear Trap"?
Theo thống kê của chuyên gia LCTV trong giai đoạn "Bear Trap", VN-Index thường giảm 12%-15% từ đỉnh, các cổ phiếu có thể giảm từ 25-30%.
- 26-09-2023Coteccons không chia cổ tức tiền mặt năm thứ 3 liên tiếp
- 26-09-2023Góc nhìn CTCK: VN-Index chưa thể thoát khỏi xu hướng downtrend, rủi ro bán giải chấp thường trực
- 26-09-2023Mirae Asset: Định giá chứng khoán đã hấp dẫn hơn sau đợt giảm mạnh
Gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục đón nhậnhàng loạt thông tin có tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Điển hình như việc FED dù giữ nguyên lãi suất nhưng quan điểm điều hành có phần “diều hâu” hơn cho tới động thái liên tiếp hút ròng hàng chục tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua kênh tín phiếu.
Tâm lý nhà đầu tư ngay lập tức trở nên thận trọng, minh chứng lớn nhất là chứng khoán Việt Nam đã có những phiên giảm điểm mạnh và dứt khoát.
Chỉ sau 4 phiên giao dịch từ 21-26/9, VN-Index đã nhanh chóng “đánh rơi” tổng cộng gần 90 điểm, qua đó về mốc thấp nhất gần 3 tháng kể từ phiên 6/7. Quá trình tăng giá miệt mài trong vòng vài tháng đã “bốc hơi” chỉ sau một thời gian ngắn, vậy VN-Index có phải đã xác nhận Downtrend hay chỉ là “Bẫy giảm giá”?
VN-Index đang rơi vào trạng thái "Bear Trap"
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Đầu tư LCTV cho rằng diễn biến hiện tại của VN-Index khả năng cao là “bẫy giảm giá” (Bear Trap), bởi 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, xét về yếu tố chu kỳ, ông Đức quan sát rằng sau giai đoạn Downtrend năm 2022, thị trường đã tạo đáy ở mốc 873 điểm ngày 16/11/2022 và đi lên trong suốt 10 tháng qua. Do đó, một nhịp điều chỉnh đủ mạnh khi margin toàn thị trường đã tương đương giai đoạn đỉnh cao tháng 1/2022 là hoàn toàn dễ hiểu.
"Cần nhận biết yếu tố pha cổ phiếu ở từng giai đoạn để đánh giá đúng hướng đi của thị trường, hiện đang ở giai đoạn Bear Trap, tức là giai đoạn điều chỉnh đầu tiên khi thị trường bước vào pha cất cánh", vị chuyên gia LCTV cho hay.
Thứ hai là yếu tố chính sách vĩ mô của ngân hàng nhà nước, việc SBV hút tiền liên tục trong mấy ngày qua (50.000 tỷ sau 4 ngày) cho thấy sự thận trọng hơn với chính sách nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất. Ông Đức dự báo rằng SBV có thể hút về 100.000 tỷ-150.000 tỷ qua kênh phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn khi các NHTM đang dư thừa thanh khoản và tín dụng tăng trưởng yếu, nhằm "đánh chặn" từ xa sự tăng lên của lạm phát cuối năm và tỷ giá đang có xu hướng tăng do FED duy trì chính sách thắt chặt trong thời gian dài hơn.
Thứ ba là mối tương quan giữa thị giá của cổ phiếu với giá trị doanh nghiệp và lãi suất. Theo quan sát của ông Đức, nhiều dòng cổ phiếu đang được định giá khá cao như nhóm chứng khoán, nhóm bán lẻ và thủy sản so với mặt bằng giá trước đây. Điều đó dễ dàng nhận thấy qua việc giá đi lên nhanh bỏ xa đường MA200 của nhiều cổ phiếu (tăng 1,5-2 lần so với đường trung bình MA200) trên đồ thị kỹ thuật. Tức là chỉ cần vài yếu tố kích hoạt như NĐT nước ngoài bán ròng, hoặc dấu hiệu thay đổi chính sách vĩ mô, là thị trường sẽ đảo chiều.
Cơ hội lớn cho nhà đầu tư sau giai đoạn Bear Trap
Thống kê trong giai đoạn "Bẫy giảm giá", ông Đức cho biết VN-Index thường giảm 12%-15% từ đỉnh, từng cổ phiếu sẽ có mức giảm khác nhau, tối đa tới 50% từ đỉnh và trung bình khoảng 25-30% trong 8-10 tuần.
Thêm vào đó, chuyên gia LCTV nhận định thị trường mới ở giai đoạn giữa của nhịp Bear Trap. Bear Trap chỉ xuất hiện 5-7 năm/lần, trong lịch sử VN-Index hơn 20 năm qua mới xuất hiện 3 lần. Sau Bear Trap là cơ hội rất lớn cho những nhà đầu tư có chiến thuật bán hợp lý ở phía trên và tích lũy được tiền mặt khi tạo đáy.
Liên quan tới mùa báo cáo tài chính quý 3/2023 cận kề, ông Đức nhận định rằng việc thanh khoản trong quý tăng vọt cộng thêm giá cổ phiếu đi lên sẽ ảnh hưởng tích cực tới nhóm chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã có mức tăng đáng kể phản ánh trước kỳ vọng lợi nhuận, khi xem xét yếu tố giá với triển vọng lợi nhuận vẫn cần kiểm định lại.
Ngoài ra, nhóm khoáng sản và vật liệu xây dựng dự báo có triển vọng tốt khi câu chuyện giá cả trên thế giới gia tăng và đầu tư công được đẩy mạnh giúp lợi nhuận nhiều doanh nghiệp "tươi sáng" về cuối năm.
"Nhìn chung, hiện tượng hút tiền của NHNN chỉ là tạm thời, và mặt bằng lãi suất từ giữa năm 2024 sẽ đi vào ổn định. Thậm chí, kinh tế Việt Nam đang thuận lợi khi là đối tác chiến lược toàn diện của nhiều nước lớn, sẽ khiến dòng vốn nước ngoài đổ vào ngày một nhiều. Những yếu tố này kỳ vọng là những tiền đề quan trọng cho kinh tế sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và đi lên vào năm 2025-2026", ông Ngô Minh Đức nêu rõ.
Nhịp sống thị trường