Laptop, tablet mùa khai giảng: Tăng giá, khan hàng, có tiền muốn mua cũng khó
Các hệ thống bán lẻ đều cho biết nhu cầu mua laptop, tablet cũng người dùng rất cao. Tuy nhiên, một số sản phẩm bị khan hàng và dịch Covid-19 khiến quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
- 31-08-2021Bất chấp đại dịch, smartphone vẫn tăng trưởng mạnh, phân khúc cao cấp thậm chí tăng 116%
- 31-08-2021Giám đốc Xiaomi Đông Nam Á: Ngôi vương thị trường di động sẽ liên tục thay đổi, đại dịch càng tạo ra nhiều yếu tố bất ngờ
- 30-08-2021"Nhà tiên tri Apple" tiết lộ tính năng hot nhất trên iPhone 13: Kết nối vệ tinh để gọi điện, nhắn tin ngay cả khi mất sóng
- 30-08-2021Điện thoại cao cấp nhất của Samsung loạn giá, có nơi giảm 10 triệu đồng trước ngày mở bán tại Việt Nam
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 được xem là thời điểm sôi động nhất của ngành hàng laptop. Thời điểm này nhiều học sinh, sinh viên bước vào năm học mới, nhu cầu mua sắm các thiết bị hỗ trợ cho việc học tăng cao.
Năm nay, dịch bệnh liên tục kéo dài, khiến nhu cầu học tập và làm việc online tăng mạnh. Tuy nhiên, người dùng phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng khan hàng, tăng giá laptop. Ngoài ra, quá trình giao hàng trong mùa dịch cũng có nhiều bất cập.
Theo ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc khối viễn thông di động FPT Shop, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mọi người ít di chuyển nên smartphone có nhu cầu thấp hơn và giảm nhẹ 10% so với tháng trước. Ngược lại, laptop và tablet đều tăng 50% do nhu cầu làm việc tại nhà dài hạn, học sinh sinh viên cũng bắt đầu học online.
Nhu cầu mua sắm các thiết bị laptop tăng cao mùa nhập học.
“So với smartphone, tablet thì ngành hàng laptop đang được nhiều người quan tâm hơn, chiếm đến 50% tại hệ thống. Một số mẫu laptop giá dưới 10 triệu đồng gặp tình trạng thiếu nguồn cung từ các hãng trên thế giới nên khách hàng không có nhiều sự lựa chọn”, ông Kha chia sẻ.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS cũng cho rằng doanh số các dòng sản phẩm phục vụ cho việc học tập, làm việc qua mạng như laptop, tablet tăng hơn 35% so với tháng trước. Rất ít khách hàng lựa chọn smartphone cho việc học qua mạng.
“Hiện tại, khách hàng chủ yếu chọn mua laptop ở phân khúc bình dân với giá cả dao động từ 10-20 triệu đồng. Tuy có rất nhiều khách đặt hàng nhưng lượng phục vụ chỉ đạt 20-30% do gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển. Có những đơn hàng khách đã thanh toán trước nhưng cả tháng trời nhà vận chuyển vẫn không thể giao tới. Ngoài ra, cũng có trường hợp khách bị hỏng sạc laptop, rất cần mua sạc mới để tiếp tục học online nhưng vẫn không có cách nào để giao hàng được”, ông Huy chia sẻ.
Đa số hệ thống bán lẻ đều cho rằng nguồn hàng hiện tại về Hà Nội và TP.HCM cũng rất khan hiếm do gặp khó khăn ngay từ đầu nước ngoài, không đủ linh kiện sản xuất, ùn tắc ở cảng.
Nhiều hệ thống gặp khó trong quá trình giao hàng cho khách mùa dịch.
Đối với các hệ thống bán lẻ khác như Hoàng Hà Mobile, mức doanh số liên tục giảm. ”Doanh số tổng cũng như doanh số riêng ở các ngành hàng như laptop, tablet, smartphone của hệ thống giảm khá nhiều, tháng 8 giảm đến gần 40% so với tháng 7. Hiện tại, hệ thống vẫn chưa thể giao hàng online cho khách thuộc khu vực TP.HCM. Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi có thể sẽ tiến hành giao cho một số khách thuộc vùng xanh”, bà Hoàng Minh Tâm, đại diện hệ thống Hoàng Hà Mobile chia sẻ.
Cũng theo bà Tâm, trong tình hình dịch bệnh, nguyên nhân khiến người dùng khó tiếp cận với các sản phẩm laptop do thu nhập chung của khách hàng giảm, giao hàng khó khăn.
“Việc thiếu chip khiến giá laptop tăng tương đối. So với mặt bằng năm trước thì đã tăng từ 15-20%. Do giá máy tăng, nên laptop phân khúc phổ thông được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhất”, ông Huy nói thêm.
Trên thực tế, tình hình giãn cách kéo dài hơn 4 tháng tại nhiều tỉnh, thành đã ảnh hưởng tới mức chi tiêu của các Khách hàng. Các hệ thống đều cho biết trước đây vào mùa khai giảng, khách hàng có xu hướng lựa chọn các máy cấu hình khủng, công nghệ cao để đầu tư sử dụng dài hạn. Tuy nhiên, hiện tại, người dùng chủ yếu lựa chọn các máy có giá trị phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc. Từ đó, dẫn tới việc khan hàng trong phân khúc từ 10-20 triệu đồng. Phân khúc trên 20 triệu đồng ở các năm trước bán chạy thì nay đang tương đối thừa hàng.