MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 02/7: Giá dầu tăng hơn 2%, đồng thấp nhất 17 tháng, quặng sắt tiếp tục lao dốc, lúa mì giảm sâu

02-07-2022 - 08:36 AM | Thị trường

Thị trường ngày 02/7: Giá dầu tăng hơn 2%, đồng thấp nhất 17 tháng, quặng sắt tiếp tục lao dốc, lúa mì giảm sâu

Chốt phiên giao dịch 1/7 ngoại trừ dầu tăng 2%, vàng, kim loại công nghiệp, quặng sắt, cao su, ngũ cốc … đồng loạt giảm bởi lo sợ khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Dầu tăng hơn 2% lên 111 USD/thùng

Giá dầu tăng hơn 2% do tình trạng nguồn cung thiếu hụt tại Libya và dự đoán đóng cửa sản xuất tại Na Uy bất chấp dự đoán suy giảm kinh tế có thể làm giảm nhu cầu.

Đóng cửa phiên 1/7, dầu thô Brent tăng 2,6 USD hay 2,4% lên 111,63 USD/thùng. Dầu WTI tăng 2,67 USD hay 2,5% lên 108,43 USD/thùng. Khối lượng giao dịch dầu WTI và Brent tương ứng chỉ bằng 70% và 77% so với khối lượng phiên trước. Tính chung cả tuần dầu Brent giảm 1,3% trong khi dầu WTI tăng 0,8%. Trong tháng 6 cả hai loại dầu này đều giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021.

Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần bất chấp số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ chậm hơn so với dự kiến trong tháng trước, bổ sung bằng chứng cho thấy nền kinh tế này đang nguội lạnh khi Cục dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô và nhiên liệu giảm đã hỗ trợ thị trường dầu mỏ ngay cả khi chứng khoán giảm và USD tăng giá.

Công nhân mỏ dầu và khí Na Uy có kế hoạch đình công vào ngày 5/7 có thể cắt giảm sản lượng tổng thể của nước này khoảng 8% hay 320.000 thùng dầu mỗi ngày, trừ khi có một thỏa thuận vào phút chót về nhu cầu lương, theo tính toán của Reuters.

Tập đoàn Dầu Quốc gia Libya trong ngày 30/6 đã tuyên bố bất khả kháng tại cảng Es Sider và Ras Lanuf cũng như mỏ dầu El Feel. Tình trạng bất khả kháng vẫn có hiệu lực tại các cảng Brega và Zueitina. Sản lượng đã giảm mạnh, xuất khẩu hàng ngày khoảng 365.000 – 409.000 thùng/ngày giảm 865.000 thùng/ngày so với sản lượng trong trường hợp bình thường.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí của Mỹ tăng 1 giàn lên 595 giàn trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 3/2020. Mặc dù số giàn khoan dầu của Mỹ tăng trong 22 tháng tính tới tháng 6, số lượng tăng hàng tuần chỉ trong một con số do nhiều công ty tập trung vào việc trả lại tiền cho nhà đầu tư và trả bớt nợ hơn là tăng sản lượng.

Trong khi đó, chính phủ và nhà lãnh đạo các nhóm bản địa của Ecuador đã đạt được một thỏa thuận trong ngày 30/6 để kết thúc cuộc biểu tình kéo dài hơn hai tuần dẫn tới đóng cửa hơn một nửa sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trước khủng hoảng của nước này.

Khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng của OPEC trong tháng 6 đạt 28,52 triệu thùng/ngày, giảm 100.000 thùng/ngày so với tháng 5.

Vàng có tuần giảm giá

Giá vàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp do USD mạnh và việc tăng lãi suất đang diễn ra, trong khi việc tăng thuế nhập khẩu vàng của Ấn Độ cũng làm giảm nhu cầu của nước này.

Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.804,81 USD/ounce và giảm 1,2% trong tuần này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.801,5 USD/ounce.

Các nhà đầu tư dường như cũng thích sự an toàn của đồng USD trong bối cảnh lo ngại suy thoái ngày càng tăng, sự gia tăng của đồng tiền này cũng khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Ấn Độ, nước tiêu dùng vàng lớn thứ hai thế giới, đã tăng thuế nhập khẩu với vàng lên 12,5% từ 7,5% trong một nỗ lực giảm thâm hụt thương mại. Điều này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới nhu cầu, mặc dù quý 3 thường thấy lượng mua vào mạnh trong dịp lễ hội.

Các đại lý vàng tại Ấn Độ đã bán ở mức trừ lùi sâu trong tuần này do nhu cầu vẫn yếu, với thuế tăng có thể làm giảm lợi nhuận hơn nữa.

Đồng giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng do lạm phát và số liệu hoạt động sản xuất củng cố lo sợ việc thắt chặt chính sách của ngân hàng trung ương sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái và ảnh hưởng tới nhu cầu kim loại.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME giảm 2,6% xuống 8.047 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2021 tại 7.955 USD/tấn.

Lạm phát khu vực Eurozone đạt mức kỷ lục mới trong tháng 6, có vẻ cao đáng báo động, cung cấp thêm động lực cho ngân hàng ECB.

Ngay cả một số tin tức lạc quan từ Trung Quốc cũng không hỗ trợ được tâm lý. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tháng 6 phát triển với tốc độ nhanh nhất trong 13 tháng, bởi sản lượng phục hồi mạnh. Nhưng hoạt động sản xuất của Mỹ chậm hơn dự kiến trong tháng 6, xuống mức thấp nhất 2 năm.

Đồng LME có tuần giảm tháng thứ 4 liên tiếp, ghi nhận quý 2 tồi tệ nhất kể từ năm 2011, giảm 20,4%. Giá giảm 4% trong tuần này.

Các kim loại công nghiệp khác cũng giảm, kẽm giảm 9% trong tuần này và nhôm giảm tuần thứ 6 liên tiếp.

Quặng sắt lao dốc

Giá quặng sắt và thép lao dốc do khả năng kinh tế toàn cầu giảm mạnh làm dấy lên lo sợ nhu cầu hàng hóa sụt giảm, bất chấp những dấu hiệu phục hồi sản xuất tại Trung Quốc.

Bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu quặng sắt vốn đã mờ mịt tại trung Quốc, nơi các nhà máy đã dừng hàng chục lò cao gần đây trong nỗ lực giảm tồn kho khi đơn đặt hàng yếu.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 6,9% xuống 747,5 CNY (111,47 USD)/tấn, tiếp tục giảm phiên thứ hai.

Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 8 giảm 4,3% xuống 113,9 USD/tấn..

Trong thị trường giao ngay, quặng sắt hàm lượng 62% Fe giảm 2 USD xuống 122 USD/tấn trong ngày 30/6, xóa sạch mức tăng trong năm 2022, theo số liệu của công ty SteelHome.

Hoạt động sản xuất của Châu Á đình trệ trong tháng 6 do nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi gián đoạn nguồn cung khi Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt Covid-19, trong khi nguy cơ suy giảm kinh tế mạnh tại Châu Âu và Mỹ.

Sản lượng thép của Trung Quốc chậm lại cũng cho thấy quyết tâm tiếp tục giảm sản lượng hàng năm phù hợp với mục tiêu khử cacbon.

Tại Hà Bắc tỉnh sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc, một số nhà mày được cho đã lựa chọn thực hiện đại tu hàng năm cho các lò cao sớm hơn bình thường.

Thép thanh tại Thượng Hải giảm 2,5% sau khi tăng 6 phiên, thép cuộn cán nóng giảm 2,2%. Thép không gỉ giảm 2,4%.

Cao su Nhật Bản giảm do sản lượng ô tô chậm lại

Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp do lo ngại về các hãng ô tô sản xuất chậm lại và do giá hàng hóa sụt giảm trong bối cảnh lo sợ suy thoái toàn cầu.

Trên sàn giao dịch Osaka hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 1,9 JPY hay 0,7% xuống 255,5 JPY (1,9 USD)/kg. Tuy nhiên, tính chung cả tuần hợp đồng này vẫn tăng 0,6%.

Giá cao su tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giao tháng 9 tăng 145 CNY lên 12.995 CNY (1.940 USD)/tấn.

Giá cao su tại Thượng Hải tăng và hy vọng phục hồi kinh tế tại Trung Quốc có thể hỗ trợ thị trường cao su trong tuần tới.

Đường thô thấp nhất 4 tháng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,43 US cent hay 2,3% xuống 18,07 US cent/lb, mức thấp nhất kể từ ngày 1/3.

Các quỹ đang bán ra sau tin tức tiêu cực về hoạt động sản xuất của Mỹ và Châu Âu gây lo sợ về suy thoái.

Giá trị ethanol đang giảm tại Brazil sau khi thay đổi thuế nhiên liệu trong tuần này cũng khiến giá đường giảm. Khi giá ethanol giảm, các nhà máy đường của Brazil sẽ nỗ lực sản xuất đường nhiều hơn và ít nhiên liệu sinh học hơn.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 7,2 USD hay 1,3% xuống 549,4 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 5,45 US cent hay 2,4% xuống 2.2465 USD/lb.

Công ty tư vấn Safras & Mercado ước tính 35% vụ mùa của Brazil đã được thu hoạch tính đến ngày 21/6, thấp hơn tốc độ trung bình, bởi khó khăn tìm kiếm lao động và quả chín không đều.

Dự trữ được ICE chứng nhận tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/1999 tại 854.000 bao.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 27 USD hay 1,3% xuống 2.006 USD/tấn.

Lúa mì giảm về mức trước xung đột ở Ukraine, giá ngô, đậu tương giảm

Giá lúa mì của Mỹ lao dốc xuống mức trước xung đột ở Ukraine hồi tháng 2 bởi USD mạnh lên và nguồn cung toàn cầu đang tăng từ vụ thu hoạch ở bắc bán cầu.

Đậu tương và ngô thoái lui cùng với lúa mì trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ kéo dài trong cuối tuần và lo lắng về nhu cầu yếu.

Lúa mì trên sàn giao dịch Chicago đã giảm gần 40% từ mức đỉnh hồi tháng 3 do một số chuyến ngũ cốc bắt đầu di chuyển từ Ukraine và do đang tăng tốc thu hoạch lúa mì vụ đông trên khắp bán cầu.

Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 9 giảm 38 US cent xuống 8,46 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2 và giảm 9,7% trong tuần này.

Đậu tương vụ mới kỳ hạn tháng 11 đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 4/2 và đóng cửa giảm 62-3/4 US cent xuống 13,95-1/4 USD/bushel. Ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 12-1/4 US cent xuống 6,07-1/2 USD/bushel, giảm 9,9% trong tuần này và thấp nhất trong 4 tháng.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 02/7:

Thị trường ngày 02/7: Giá dầu tăng hơn 2%, đồng thấp nhất 17 tháng, quặng sắt tiếp tục lao dốc, lúa mì giảm sâu - Ảnh 1.
https://cafef.vn/thi-truong-ngay-02-7-gia-dau-tang-hon-2-dong-thap-nhat-17-thang-quang-sat-tiep-tuc-lao-doc-lua-mi-giam-sau-20220702070250099.chn

Minh Quân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên