Thị trường ngày 13/3: Giá dầu tăng vì bất lợi về nguồn cung, đồng và kẽm lập đỉnh cao 7 tháng
Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu và nhóm kim loại đồng loạt đi lên do nguồn cung thắt chặt. Đồng USD giảm phiên thứ 3 liên tiếp đã hỗ trợ đắc lực cho những mặt hàng này tăng giá. Tuy nhiên nông sản hầu hết giảm, trong đó cà phê arabica thấp nhất 13 tháng, bông cũng chạm đáy 3 tháng.
- 12-03-2019Thị trường ngày 12/3: Dầu thô tăng, giá thịt lợn Trung Quốc cao nhất 14 tháng
- 10-03-2019Thị trường tuần đến ngày 10/3: Kết thúc tuần dầu "bốc hơi" hơn 4%, vàng cũng giảm lần đầu tiên trong 3 tuần
- 08-03-2019Thị trường ngày 08/03: Giá dầu và thép tăng trở lại, cao su giảm sâu
Dầu tăng do một loạt thông tin bất lợi về nguồn cung
Giá dầu phiên vừa qua tăng tiếp do những dấu hiệu về sự thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu trong bối cảnh Saudi Arabia thông báo có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu thô trong tháng 4/2019 xuống dưới 7 triệu thùng/ngày, đồng thời giữ sản lượng dưới mức 10 triệu thùng/ngày.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 9 UScent tương đương 0,1% lên 66,67 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 9 UScent tương đương 0,1% lên 56,67 USD/thùng. Tính từ đầu năm tới nay, cả 2 loại dầu này đã tăng giá khoảng 25%.
Saudi Arabia thông báo sẽ tự nguyện giảm nguồn cung trong tháng 4/2019 nhiều hơn cam kết. Cụ thể, sẽ giữ sản lượng dầu thô dưới 10 triệu thùng/ngày (mức cam kết là 10,311 triệu thùng). Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất cũng vừa cho biết sản lượng trong tháng 2/2019 vượt mục tiêu cắt giảm, cụ thể là đạt 119% mục tiêu về giảm sản lượng.
Trong khi đó, Công ty dầu mỏ quốc doanh Venezuela, PDVSA, chưa thể khôi phục xuất khẩu dầu thô từ cảng chính của nước này kể từ sau vụ mất điện tại đây trong tuần vừa qua.
Và sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2019 có thể cũng sẽ chậm hơn so với những dự báo trước đây.
Tuy nhiên, vẫn có những thông tin tác động trái chiều tới mặt hàng dầu. EIA đã hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới năm 2019 xuống 1,45 triệu thùng mỗi ngày, tức là thấp hơn 40.000 thùng so với con số đưa ra trước đây.
Vàng, bạc tăng giá
Giá vàng đảo chiều đi lên trong phiên vừa qua do USD giảm sau khi số liệu về lạm phát của Mỹ buộc ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) phải kiên nhẫn trong lộ trình tăng lãi suất, giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu của nước Anh về Brexit.
Kết thúc phiên vừa qua, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.298,63 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tăng 0,5% lên 1.297,7 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 2/2019 tăng lần đầu tiên trong vòng 4 tháng. Tuy nhiên, mức tăng (do theo năm) lại thấp nhất trong vòng 2,5 năm.
Cùng xu hướng với vàng, giá bạch kim tăng 1,2% lên 834,55 USD/ounce, bạc tăng 0,6% lên 15,14 USD/ounce (trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 1/3/2019).
Kim loại cơ bản đồng loạt đi lên, kẽm và đồng lập đỉnh 7 tháng
Phiên vừa qua cả kẽm và đồng đều có lúc chạm mức cao nhất 7 tháng do thiếu cung trong bối cảnh lượng lưu kho ở sàn London sụt giảm và dự báo nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng lên.
Trên sàn London (LME), kẽm tăng 3,7% và kết thúc ở 2.838 USD/tấn, sau khi có lúc chạm 2.840 USD/tấn – mức cao nhất kể từ ngày 3/7/2018. Tính từ đầu năm tới nay giá kẽm đã tăng thêm khoảng 15%. Lượng lưu kho ở LME giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ (59.200 tấn, mức thấp chưa từng có kể từ tháng 10/2007), và khiến cho giá của những hợp đồng giao gần tăng mạnh. Các mỏ bắt đầu tăng sản xuất quặng kẽm nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Tập đoàn Nghiên cứu về Chì và Kẽm quốc tế (ILZSG) cho biết mức thiếu hụt kẽm trên thị trường trong tháng 1/2019 giảm còn 28.000 tấn, so với thiếu 62.400 tấn ở tháng 12/2018. Thị trường kẽm đã thiếu cung nhiều năm liền: năm 2016 thiếu 128.000 tấn, 2017 thiếu 442.000 tấn và 2018 thiếu 384.000 tấn.
Đồng đóng cửa tăng 1% lên 6.472 USD/tấn, và trước đó trong cùng phiên có lúc cũng gần đạt mức cao nhất kể từ 25/2/2019 là 6.540 USD/tấn. Lượng đồng lưu kho ở LME hiện là 112.725 tấn, thấp nhất kể từ tháng 5/2008.
Các kim loại cơ bản khác cũng đồng loạt đi lên. Nhôm tăng 1,4% lên 1.873 USD/tấn, nickel tăng 1,6% lên 13.100 USD/tấn, chì tăng 0,5% lên 2.085 USD/tấn, và thiếc tăng 1,3% lên 21.325 USD/tấn.
Sắt thép hồi phục mạnh
Giá sắt và thép trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua bởi dự đoán hoạt động xây dựng của nước này sẽ sôi động trở lại kéo nhu cầu thép tăng theo.
Thép cây trên sàn Thượng Hải trong phiên có lúc tăng 2,5% lên 3.820 CNY (568,88 USD)/tấn, trước khi kết thúc phiên ở 3.815 CNY. Như vậy đây là phiên giá tăng mạnh nhất trong vòng 4 tuần. Thép cuộn cán nóng cũng tăng 2,4% lên 3.776 CNY/tấn. Quặng sắt trên sàn Đại Liên cũng tăng 1,9% lên 612,5 CNY/tấn.
Theo nhà phân tích Richard Lu thuộc công ty CRU ở Bắc Kinh, nhu cầu đối với các sản phẩm thép tấm lúc này rất mạnh bởi một số hoạt động mua tích trữ, trong bối cảnh tồn kho sụt giảm.
Giá thép cây hợp đồng tham chiếu đã giảm 10% kể từ khi đạt mức cao nhất 5 tháng vào ngày 11/2/2019 (3.856 CNY) do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và lo ngại cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ càng ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu thép.
Cao su tăng
Giá cao su trên sàn Tokyo tăng trong phiên vừa qua do chứng khoán thế giới phiên liền trước đi lên mạnh mẽ khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang những tài sản có nhiều rủi ro.
Cao su kỳ hạn tháng 8/2019 tăng 2 JPY tương đương 1% lên 199,2 JPY (1,79 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 5 cũng tăng 20 CNY lên 12.165 CNY (1.813 USD)/tấn.
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 ngày gần đây sau khi chứng khoán phố Wall cũng như tại các thị trường Châu Á khác tăng mạnh, còn đông yen thì mất giá.
Bông cao nhất 3 tháng
Giá bông tăng khá mạnh lên mức cao nhất gần 3 tháng do các nhà đầu tư mua mạnh vì dự báo có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận về thương mại. Đồng USD yếu đi cũng góp phần hỗ trợ giá tăng.
Bông giao tháng 5/2019 trên sàn New York tăng 1,65 UScent tương đương 2,25% lên 74,85 UScent/lb, hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 75 UScent, cao nhất kể từ 21/12/2018.
Rau xanh chưa hạ nhiệt
Lễ hội mùa Xuân (5/2/2019) đã qua nhưng giá rau xanh tại nhiều khu vực sản xuất rau trên khắp Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao, nhất là miền Bắc. Những năm trước, vào Lễ hội mùa Xuân, giá rau thường đắt hơn thịt, nhưng nhanh chóng giảm sau khi Lễ hội kết thúc. Tuy nhiên năm nay giá chỉ giảm nhẹ ở một số nơi, thậm chí tại một số nơi khác giá vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân bởi mưa kéo dài và nhiều công nhân về quê nghỉ Tết nhưng đến nay vẫn chưa trở lại nơi làm việc khiến cho chi phí lao động tăng lên (theo yếu tố mùa vụ). Dự báo khi thời tiết khô dần, nguồn cung sẽ tăng lên và giá rau sẽ hạ nhiệt.
Lúa mì thấp nhất 9 tháng
Giá lúa mì trên thị trường Châu Âu vừa giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng theo xu hướng giá trên thị trường quốc tế trong phiên liền trước giữa bối cảnh các thương gia đang chờ đợi kết quả phiên đấu thầu của Algeria với hy vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu mạnh lên.
Lúa mì xát vỏ kỳ hạn giao tháng 5/2019 trên sàn Euronext (tại Paris) giảm 1,5% xuống 181 euro/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống chỉ 182 euro – thấp nhất kể từ 19/6/2018.
Tuy nhiên, lúa mì Mỹ tăng 5,5% trong phiên vừa qua do hoạt động mua mang tính kỹ thuật sau phiên bán tháo trước đó và bởi giá giảm thấp kích thích các nhà đầu tư. Lúa mì đỏ mềm vụ Đông trên sàn Chicago tăng
23-3/4 UScent lên 4,52-1/4 USD/bushel. Đây là mức tăng trong 1 phiên mạnh n hất kể từ 25/7/2018.
Cà phê arabica thấp nhất 13 tháng
Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2019 trên sàn New York giảm 1,2 UScent tương đương 1,2% xuống 96 UScent/lb vào cuối phiên, trước đó có lúc chỉ 94,65 Uscent – thấp nhất (đối với hợp đồng giao sau 2 tháng) kể từ tháng 12/2005. Nguyên nhân bởi dư cung trên toàn cầu, nhất là tại Brazil. Robusta trái lại giảm 7 USD tương đương 0,5% xuống 1.525 USD/tấn.
Dầu cọ giảm
Giá dầu cọ trên thị trường Malaysia giảm trở lại trong phiên vừa qua do thị trường thiếu xu hướng. Dầu cọ giao tháng 3/2019 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 0,14% xuống 2.116 ringgit (518,37 USD)/tấn vào cuối phiên, mặc dù đầu phiên đạt 2.140 ringgit (nhờ ảnh hưởng từ giá dầu cao ở phiên liền trước).
Dầu đậu tương trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) kỳ hạn tháng 5/2019 cũng giảm gần 1%, trong khi dầu cọ giao cùng kỳ hạn giảm 0,3%.
Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt lợn Việt Nam do dịch tả
Reuters dẫn nguồn tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, ngày 12/3/2019 Trung Quốc đã công bố cấm nhập khẩu lợn nuôi, lợn rừng và các sản phẩm thịt lợn của Việt Nam nhập vào nước này sau khi Việt Nam phát hiện có một số ổ dịch nguy hiểm này.
Từ 1/2/2019 đến 3/3/2019, tại Việt Nam đã phát hiện có virus tả lợn ở 202 hộ nuôi lợn trên 7 tỉnh thành thuộc miền Bắc, bao gồm cả Thủ đô Hà Nội. Dịch này gây chết ở lợn nhưng không ảnh hưởng tới con người. Bản thân Trung Quốc cũng đang chật vật chống chọi với dịch tả lợn khi đã có 111 ổ dịch tại 28 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc được phát hiện.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng nay
Minh Quân
Theo Trí thức trẻ