MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 16/7: Giá vàng tiếp tục vượt xa mốc 1.800 USD/ounce, dầu tăng 2%

16-07-2020 - 07:30 AM | Thị trường

Phiên giao dịch 15/7, giá dầu tăng 2% trong khi vàng tiếp tục vượt xa mốc 1.800 USD/ounce. Giá nhiều mặt hàng chủ chốt khác cũng đi lên, trong đó lúa mì cao nhất hai tháng rưỡi.

Dầu tăng 2% so tồn trữ của Mỹ giảm

Giá dầu tăng 2% trong phiên vừa qua do lượng tồn trữ dầu thô ở Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi OPEC và các đồng minh (OPEC+) sẽ hạ mức cắt giảm nguồn cung kể từ tháng 8 vì kinh tế toàn cầu đang hồi phục dần sau đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 89 US cent (2,1%) lên 43,79 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 91 US cent (2,3%) lên 41,20 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần vừa qua đã giảm 7,5 triệu thùng/ngày, gấp hơn 3 lần mức ước tính của các nhà phân tích là giảm 2,1 triệu thùng. Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, trong khi nguồn cung sẽ bị thắt chặt dần, "cho thấy chúng ta sắp cần có thêm cung dầu, có thể vào tháng 8 tới".

OPEC+ bắt đầu cắt giảm sản lượng từ tháng 5 với mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu. Kể từ tháng 8, mức giảm là 7,7 triệu thùng/ngày, kéo dài đến tháng 12/2020.

Vàng bật mạnh do số người nhiễm virus corona tăng và căng thẳng Mỹ - Trung

Giá vàng, vốn đã trên ngưỡng 1.800 USD từ nhiều phiên gần đây, tăng mạnh khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhà đầu tư tăng cường tìm đến những tài sản trú ẩn an toàn.

Phiên vừa qua, có thời điểm giá vàng lên 1.814,4 USD/ounce – cao nhất kể từ 9/7, và kết thúc ở mức 1.811,41 USD/ounce, tăng 0,2% so với phiên trước; vàng kỳ hạn tháng 8/2020 vững ở 1.813,8 USD/ounce.

Tổng thống Donald Trump ngày 14/7 đã rút quy chế ưu đãi đặc biệt đối với Hongkong trong Luật pháp Mỹ. Ngay sau đó, Bắc kinh tuyên bố sẽ có những biện pháp trừng phạt Mỹ để trả đũa về việc này.

Chỉ số Dollar index giảm 0,2% càng góp phần đẩy giá vàng đi lên trong phiên vừa qua, song việc chứng khoán Mỹ tăng điểm do thông tin sắp có vắc xin hiệu quả chống Covid-19 hạn chế phần nào đà tăng của giá vàng.

Giá vàng đã tăng 19% từ đầu năm đến nay do nhu cầu đối với tài sản an toàn chống lại lạm phát và tranh chấp tiền tệ khi các ngân hàng trung ương lớn hạ lãi suất và tung ra những biện pháp kích thích rộng rãi. Chiến lược gia phụ trách mảng thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, ông Phillip Streible, dự báo giá có thể đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay do lãi suất vẫn duy trì thấp và các chương trình kích thích tiếp tục được thực hiện.

Đồng giảm do căng thẳng Mỹ - Trung nóng thêm

Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng có thể ảnh hưởng tới nhu cầu đồng trên thị trường Trung Quốc – nước tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Trên sàn London (LME), đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 1,6% xuống 6.392 USD/tấn, thấp hơn gần 300 USD so với mức cao nhất 2 năm đạt được hôm 13/7 (6.633 USD/tấn).

Chiến lược gia Richard Fowler của Simpson Spence Young cho biết: "Sự thay đổi xu hướng giá đồng gần đây xuất phát từ sự thay đổi đáng kể các yếu tố tác động. Sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo các hợp đồng kỳ hạn dài", và "Nhu cầu ở Trung Quốc đã rất mạnh, song giá không thể tăng thêm nữa".

Thép tăng tiếp vì triển vọng nhu cầu tốt

Giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng phiên thứ 2 liên tiếp do thị trường lạc quan rằng nhu cầu sẽ mạnh lên sau mùa mưa. Tuy nhiên, mức tăng không nhiều vì không chắc chắn về mức tăng tiêu thụ mặt hàng này.

Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua tăng 0,3% lên 3.746 CNY (535,66 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng cũng tăng 0,9% lên 3.773 CNY/tấn.

Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất tại các lò cao và sản lượng sản phẩm thép tại các nhà máy Trung Quốc đã giảm trong những tuần gần đây do mưa lũ ảnh hưởng tới hoạt động xây dựng – lĩnh vực sử dụng thép cây.

Cũng trong phiên vừa qua, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 0,5% lên 837 CNY/tấn. Trong phiên liền trước, quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay ở Trung Quốc tăng 2 USD lên 111,5 USD/tấn.

Lúa mì cao nhất kể từ tháng 4/2020, đậu tương và ngô cũng tăng

Giá lúa mì trên sàn Chicago đã tăng hơn 4% trong phiên giao dịch vừa qua, chạm mức cao nhất 2,5 tháng sau thông tin Trung Quốc vừa mua vào với khối lượng lớn. Đậu tương và ngô cũng tăng giá trong phiên này mặc dù triển vọng thời tiết thuận lợi.

Kết thúc phiên giao dịch, lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Chicago tăng 24 US cent lên 5,50-3/4 USD/bushel, sau khi có lúc đạt 5,51-3/4 USD – cao nhất kể từ 23/4; đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 5-1/4 US cent lên 8,82-3/4 USD/bushel, trong khi ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 1/4 US cent lên 3,34 USD/bushel.

Có thông tin Trung Quốc đã mua 2 chuyến lúa mì đỏ mềm vụ đông của Mỹ và Ấn Độ đã đặt mua lúa mì Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng giá lúa mì trên sàn Chicago thường biến động mạnh thường xuyên, liên quan đến việc các quỹ hàng hóa mua vào hay bán ra các hợp đồng kỳ hạn gần.

Khách hàng Trung Quốc cũng đã đặt mua ít nhất 300.000 tấn đậu tương Mỹ trong ngày 15/7. Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận các công ty tư nhân đã bán 389.000 tán đậu tương và 132.00 tấn ngô cho khách hàng Trung Quốc.

Đường đi lên

Giá đường tăng do hoạt động mua mạnh sau khi giá dầu tăng và chứng khoán Mỹ tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch, đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,5 US cent (4,4%) lên 11,82 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 cũng tăng 15,9 USD (4,7%) lên 350,8 USD/tấn.

Thị trường đang lo ngại việc thời tiết khô hạn ở Brazil có thể làm giảm sản lượng mía cuối vụ của nước này.

Cà phê arabica giảm, robusta tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 0,75 US cent (0,8%) xuống 97,2 US cent/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn tăng 11 USD (0,9%) lên 1.226 USD/tấn.

Dự trữ cà phê arabica xanh ở Mỹ đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp tính tới tháng 5/2020, vượt mốc 7 triệu bao (1 bao = 60 kg) lần đầu tiên kể từ tháng 10/2019.

Cao su tăng

Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) – tham chiếu cho thị trường Châu Á – tăng trong phiên vừa qua theo xu hướng giá ở sàn Thượng Hải và hy vọng sắp có vắc xin hiệu quả chống lại Covid-19. Tuy nhiên, lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Mỹ hạn chế đà tăng.

Cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn TOCOM kết thúc phiên tăng 0,2 JPY lên 156,5 JPY (1,46 USD)/kg; kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải tăng 55 CNY lên 10.640 CNY (1.523 USD)/tấn.

Các nhà đầu tư đang theo dõi khả năng Mỹ có thể áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ô tô khách và ô tô tải nhập khẩu từ các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam sau khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ việc này.

Tôm Trung Quốc tăng

Giá tôm nội địa tại Trung Quốc từ tháng 10/2019 đến nay đã tăng khoảng 3.000 CNY – 4.000 CNY/tấn, trong khi giá tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam tăng 0,4 đến 0,5 USD/kg. Nguyên nhân do thiếu nguồn cung bởi một số lý do như dịch bệnh….

Thịt lợn tại Trung Quốc tiếp tục tăng

Giá thịt lợn tại Trung Quốc tiếp tục tăng giữa bối cảnh nguồn cung từ các nhà sản xuất giảm sút. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc ngày 14/7 công bố số liệu cho thấy, trong giai đoạn ngày 6-10/7, giá thịt lợn trung bình tại 16 tỉnh, thành phố nước này đạt 50,6 nhân dân tệ (khoảng 7,23 USD)/kg, tăng 6,8% so với tuần trước đó.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 16/7

Thị trường ngày 16/7: Giá vàng tiếp tục vượt xa mốc 1.800 USD/ounce, dầu tăng 2% - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên