Thị trường ngày 19/12: Giá dầu WTI lao dốc, "bốc hơi" 8% về 46 USD/thùng
Trong phiên giao dịch vừa qua, giá hầu hết các mặt hàng đều giảm. Đặc biệt, dầu thô giảm mạnh 5-8%, nhiều mặt hàng khác như kim loại công nghiệp, cà phê arabica, đường, cao su, than đá… cũng đi xuống.
- 18-12-2018Nhu cầu than toàn cầu sẽ tiếp tục tăng tới năm 2023
- 18-12-2018Giá hạt tiêu xuất khẩu giảm mạnh
- 18-12-2018Thị trường ngày 18/12: Giá dầu WTI rớt mạnh xuống dưới 50 USD/thùng, cao su lập đỉnh 2 tháng
Dầu thô lao dốc
Giá dầu thô giảm sâu trong phiên vừa qua do lo sợ dư cung và nhu cầu yếu làm gia tăng hoạt động bán tháo. Không chỉ giảm trong phiên, cả dầu Mỹ và dầu Brent đều giảm tiếp sau phiên giao dịch (trên bảng điện tử) sau khi Viện Nghiên cứu dầu Mỹ cho biết tồn trữ của Mỹ tuần qua tăng lên trái với dự đoán.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Tây Texas (WTI) giảm 3,64 USD tương đương 7,3% xuống 46,24 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 8/2017, sau đó giá giảm tiếp xuống 45,91 USD (mất tổng cộng 8%); dầu Brent kết thúc phiên giảm 3,35 USD tương đương 5,62% xuống 56,26 USD/thùng, trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất 14 tháng là 56,16 USD/thùng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần tới 14/12/2018, lên 441,3 triệu thùng, trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích là giảm 2,4 triệu thùng. Nếu Chính phủ Mỹ xác nhận thông tin này thì đây là tuần dự trữ tăng đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Niềm tin của các nhà đầu tư đang bị xói mòn khi ngày càng nhiều tổ chức dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng yếu đi trong12 tháng tới, là triển vọng xấu nhất trong vòng một thập kỷ.
Giá dầu phiên vừa qua còn chịu tác động từ một số yếu tố khác: (1) chứng khoán Mỹ tăng điểm vì nhà đầu tư tập trung vào động thái mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với dự đoán sẽ nâng lãi suất sau phiên họp ngày 19/12/20108; (2) giếng dầu lớn nhất của Anh (Buzzard) hoạt động trở lại (công suất khoảng 150.000 thùng/ngày), sẽ bổ sung thêm nguồn cung; (3) Chính phủ Mỹ cho biết sản lượng dầu từ ngành khai thác dầu đá phiến sẽ đạt đỉnh cao 8 triệu thùng/ngày trong năm nay; và (4) số liệu sơ bộ cho thấy dự trữ dầu của Mỹ sẽ tăng trong tuần này.
Vàng vững, palađi giảm
Giá vàng vững ở mức cao nhất gần một tuần khi các nhà đầu tư băn khoăn không rõ liệu Fed có nâng lãi suất trong kỳ họp này hay không. Vàng giao ngay nhích nhẹ 0,25% lên 1.248,93 USD/ounce, trong khi vàng giao sau không thay đổi ở mức 1.253,6 USD/ounce.
Palađi sau phiên liền trước tăng mạnh đã giảm nhẹ trong phiên vừa qua, mất 0,7% xuống 1.249,41 USD/ounce. Mặc dù vậy, kim loại quý này vẫn đang đắt hơn vàng và hãng Pehowich dự báo giá palađi sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa trong thời gian tới do thiếu cung triền miên.
Kim loại cơ bản giảm, riêng đồng chạm đáy 3 tháng
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng do lo ngại tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu đồng, đúng lúc có tin hãng luyện đồng lớn của Ấn Độ có thể sắp sản xuất trở lại, bất chấp lượng đồng lưu kho trên sàn London đang ở gần mức thấp nhất kể từ 2008 (122.000 tấn).
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn Londonn giảm 2,5% xuống 5.970 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 5.955 USD/tấn, thấp nhất kể từ 18/9/2018. Kim loại đỏ này đã mất khoảng 18% giá trị từ đầu năm đến nay. Lý do vì tăng trưởng của Trung Quốc yếu đi và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trong số các kim loại khác, nhôm cũng giảm 0,9% xuống 1.925 USD/tấn, kẽm giảm 0,8% xuống 2.520 USD/tấn, nickel giảm 1,4% xuống 10.835 USD/tấn và thiếc giảm 0,7% xuống 19.210 USD/tấn. Chỉ riêng chì tăng 2,2% lên 1.973 USD/tấn.
Sắt thép giảm
Giá sắt thép trên thị trường Trung Quốc đều giảm trong phiên vừa qua do chứng khoán mất điểm trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn thận trọng trước thềm cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Triển vọng nhu cầu yếu cũng ảnh hưởng tới thị trường sắt thép.
Thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 0,1% xuống 3.435 CNY (498,16 USD)/tấn. Quặng sắt giao tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên giảm 0,4% xuống 486 CNY/tấn.
Cơ quan tư vấn của Chính phủ Trung Quốc nhận định tiêu thụ thép của nước này năm 2019 sẽ giảm xuống 800 triệu tấn, từ mức 820 triệu tấn của năm 2018, do nhu cầu của các lĩnh vực bất động sản, ô tô và năng lượng có khả năng chậm lại. Fitch Solutions Macro Research cũng dự đoán tăng trưởng tiêu thụ thép thế giới năm 2019 sẽ chỉ đạt 2,2%, sau khi đạt 4,2% trong năm 2018 và 5,1% năm 2017, do nhu cầu trong lĩnh vực xây dựng ở trung Quốc chậm lại.
Than giảm
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) giảm 2,5% trong phiên vừa qua, xuống 1.216 CNY/tấn, trong khi than cốc giảm 2,2% xuống 1.984 CNY/tấn. Lý do bởi than là nguyên liệu trong sản xuất thép, mà giá thép vừa giảm mạnh bởi lo ngại triển vọng nhu cầu của Trung Quốc yếu đi.
Tuy nhiên, trong trung hạn, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu than toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng trung bình 0,2% mỗi năm từ nay tới 2023 nhờ nhu cầu mạnh ở Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác.
Đường thấp nhất 2,5 tháng
Giá đường giảm mạnh, trong đó đường thô xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2018 trong phiên vừa qua, do chịu ảnh hưởng từ thị trường dầu mỏ.
Đường thô giao sau 3 tháng giảm 0,19 US cent tương đương 1,5% xuống 12,30 US cent/lb vào cuối phiên, trước đó có lúc chỉ 12,26 US cent. Đường trắng cũng giảm 3,7 USD tương đương 1,1% xuống 336 USD/tấn. Khi giá dầu giảm, ngành chế biến cây mía sẽ giảm tỷ lệ sản xuất ethanol và tăng sản xuất đường, sẽ khiến nguồn cung đường gia tăng.
Cà phê arabica thấp nhất 3 tháng, robusta tăng
Phiên vừa qua có lúc giá cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng, 99,20 US cent/lb, và kết thúc phiên ở 99,40 US cent, tức là giảm 0,7 US cent tương đương 0,7% so với mức giá đóng cửa của phiên trước. Lo ngại dư cung trên toàn cầu gia tăng sau khi Brazil đưa ra thông báo sản lượng của nước này đạt kỷ lục 61,65 triệu bao trong năm 2018.
Trái với arabica, robusta tiếp tục tăng thêm 9 USD tương đương 0,6% trong phiên vừa qua, lên1.487 USD/tấn.
Cao su quay đầu giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm trong phiên vừa qua sau khi đạt kỷ lục cao nhất 2 tháng ở phiên liền trước bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ không như mong đợi; kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trong khi những nơi khác như châu Âu và Trung Quốc cũng thể hiện đã mất đà.
Cao su giao tháng 5/2019 tại Tokyo giảm 0,3 JPY xuống 171,3 JPY (1,52 USD)/kg. Cao su loại công nghệ đặc biệt (STR20) cũng giảm 0,3% xuống 147 JPY/kg. Tuy nhiên, tại Thượng Hải, cao su vẫn tăng giá, với hợp đồng giao tháng 5 năm sau tăng 90 CNY lên 11.125 CNY (1.656 USD)/tấn.
Bột giấy giảm
Theo Euwind, một số nhà cung cấp bột giấy lớn thông báo đã hạ giá bán bột gỗ NBSK (gỗ mềm phương Bắc tẩy trắng) trong tháng 11/2018 xuống thấp hơn so với tháng trước đó. Xu hướng trên thị trường gỗ bạch đàn cũng diễn ra tương tự.
Cá rô phi giảm
Giá cá rô phi nguyên liệu tại Trung Quốc đang giảm mạnh. Vietnambiz dẫn thông tin từ Underciverse news cho biết giá cá rô phi tại Trung Quốc đã giảm gần 11% trong gần 1 tháng rưỡi qua, bởi phần lớn nhà chế biến và cung ứng cá rô phi đã hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ để tránh bị tăng thuế. Tại Quảng Đông, cá cỡ 500 – 800gr/con giảm từ 9,4 CNY/kg cuối tháng 10/2018 xuống còn 8,4 CNY/kg vào ngày 9/12/2018, trong khi đó Tại Hải Nam, cá cỡ 200 - 250gr/con hiện chỉ 8,0 CNY/kg. Mặc dù Mỹ đã hoãn nâng thuế quan, nhưng giá cá rô phi khó có khả năng tăng do hầu hết nhà nhập khẩu đã trữ đủ hàng.
Sữa tăng tiếp
Giá sữa thế giới tăng trong phiên đấu giá thứ 2 liên tiếp (lần đầu tiên trong vòng 6 tháng có 2 phiên liên tiếp tăng). Chỉ số giá chung tăng 1,7% lên 2.844 USD/tấn (phiên trước chỉ số này đã tăng 2,2%), trong đó chỉ số giá bơ tăng 4,9% còn sữa bột gầy tăng 3,4%. Giá sữa bột nguyên kem chỉ tăng 0,3%, trái với dự đoán là sẽ tăng 3%. Lý do một phần bởi đồng đô la New Zealand tăng gần 0,7% lên 0,6879 NZD/USD.
Tỏi tăng nhẹ trước Tết Nguyên đán
Thị trường tỏi Trung Quốc năm nay có điều kiện tốt hơn năm ngoái. Mặc dù giá có lúc tăng lúc giảm, song nhìn chung vẫn tăng nhẹ, và có triển vọng tiếp tục đi lên từ nay đến Tết. Tháng 12 này là tháng thứ 4 mà lượng tỏi bán ra thị trường được lấy ra từ các kho lạnh. Nguồn cung nhìn chung vẫn vượt nhu cầu giống như năm ngoái, nhưng các thương nhân năm nay sẵn sàng bán chứ không găm hàng như năm 2017.
Có một số lý do dẫn tới những thay đổi trên thị trường năm nay: (1) diện tích trồng tỏi năm nay giảm, và các thương nhân đã phải chờ khá lâu mới tới lúc xuất bán tỏi trữ lạnh, (2) các thương nhân mua tỏi của nông dân với giá thấp hơn năm ngoái, và (3) mùa bán tỏi trữ lạnh năm nay kéo dài hơn, sẽ còn kéo dài 5 tháng nữa.
Chè Ấn Độ mất thị phần ở Mỹ
Những quy định khắt khe hơn về dư lượng thuốc trừ sâu của Mỹ khiến xuất khẩu chè của Ấn Độ sang thị trường này sụt giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu chè Ấn Độ sang Mỹ giảm 33% xuống 7,84 triệu kg (so với cùng kỳ năm ngoái).
Mỹ mới đây đã cấm thêm một số hóa chất như DDT và Lindane trong chè nhập khẩu, và cũng không gia hạn giấy phép cho loại hóa chất Endosulfan. Chè có các loại hóa chất như Ethion, Tetradifon và Triazophos sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường này.
Chè Ấn Độ đang mất dần thị phần ở Mỹ trong khi Sri Lanka và Trung Quốc lại tăng thị phần. Tới nay, thị phần của chè đen Ấn Độ bị giảm 2,58%, trong khi của Sri Lanka tăng gấp đôi. Hiện Ấn Độ chiếm 9,86% thị trường chè đen Mỹ, còn Sri Lanka có 4,39%.
Trung Quốc tích cực đa dạng nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Trung Quốc vừa cho phép nhập khẩu bột củ cải đường từ Ai Cập, một động thái nhằm giảm bớt tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hồi tháng 10/2018, nước này cũng dỡ bở lệnh cấm nhập khẩu bột hạt cải để đa dạng hóa nguồn protein dùng trong thức ăn chăn nuôi.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng nay 19/12