MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 19/2: Giá vàng vượt 1.600 USD, quặng sắt tăng phiên thứ 6 liên tiếp

19-02-2020 - 08:36 AM | Thị trường

Giá dầu ít thay đổi trong phiên vừa qua trong khi nhiều mặt hàng khác biến động mạnh. Các nhà đầu tư hàng hóa trong ngắn hạn sẽ tập trung theo dõi tình hình Covid-19. Mặc dù nhận định diễn biến bất thường sẽ chỉ tạm thời, nhưng lúc này rất khó để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của Covid-19.

Dầu vững giữa 2 tác động trái chiều: Ảnh hưởng bởi virus và nguồn cung từ Libya gián đoạn

Giá dầu gần như không thay đổi trong phiên giao dịch vừa qua trong bối cảnh thị trường lo ngại về ảnh hưởng của dịch do virus corona (Covid-19) đối với nhu cầu mặt hàng này nhưng nguồn cung từ Libya giảm lại ngăn giá đi xuống.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 8 US cent lên 57,75 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) giữ nguyên ở 52,05 USD/thùng.

Mặc dù số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã giảm, nhưng các chuyên gia toàn cầu lo ngại vẫn còn quá sớm để khẳng định dịch bệnh đã được khống chế. Một số tổ chức, trong đó có Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo về nhu cầu dầu thế giới năm 2020 do virus corona.

Về sản lượng của Libya, do các cảng biển và giếng dầu bị phong tỏa nên sản lượng của nước này đã bị gián đoạn từ ngày 18/1. Trong khi đó, tồn trữ dầu thô của Saudi Arabia giảm 11,8 triệu thùng trong tháng 12/2019 mặc dù xuất khẩu vẫn duy trì đều đặn.

Vàng tái vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce, palađi cao kỷ lục mọi thời đại

Giá vàng tăng trên 1% trong phiên vừa qua để đạt trên 1.600 USD/ounce sau khi hãng Apple bất ngờ lên tiếng cảnh báo về tác động của sự bùng phát Covid-19 làm gia tăng mối lo ngại về sự yếu kém của kinh tế toàn cầu, thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến với những tài sản có ít rủi ro. Apple cho biết họ khó có thể cung ứng đủ hàng cho tới tháng 3 vì sự bùng phát của coronavirus đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng của họ.

Giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.601 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 1.605,1 USD/ounce, cao nhất kể từ 8/1/; vàng giao tháng 4/2020 đã tăng 1,1% lên 1.603,6 USD/ounce.

Palađi cũng vọt lên mức cao kỷ lục lịch sử, có thời điểm trong phiên hôm qua đạt 2.592,02 USD/ounce, và kết thúc phiên ở 2.592 USD/ounce (tăng 2,8% so với phiên trước). Nguyên nhân một phần do sự cố sản xuất ở Nam Phi bởi thiếu điện và một số lý do khác.

Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực giảm, và vàng được xem là nơi trú ẩn an toàn ở thời điểm này, khi virus corona đang ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Thị trường ngày 19/2: Giá vàng vượt 1.600 USD, quặng sắt tăng phiên thứ 6 liên tiếp - Ảnh 1.

Quặng sắt tăng phiên thứ 6

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục nối dài chuỗi những phiên đi lên do lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau khi hãng Rio Tino giảm dự báo về xuất khẩu quặng sắt từ khu vực Pilbara của Australia.

Trên sàn Đại Liên, quặng sắt hợp đồng giao dịch nhiều nhất giá tăng 1,4% lên 639,5 CNY (91,32 USD)/tấn vào cuối phiên, trong phiên có lúc tăng 2,3%.

Hãng Rio cho biết sẽ cần một thời gian để khôi phục hoạt động khai thác quặng ở khu vực Pilbara trở vè bình thường sau khi trận bão Damien gây thiệt hại một số cơ sở hạ tầng. Rio dự báo xuất khẩu từ Pilbara năm 2020 sẽ đạt 324 triệu đến 334 triệu tán, thấp hơn mức bình thường là khoảng 330 – 343 triệu tấn.

Hãng khai thác quặng lớn khác là BHP Group cho biết sự gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá quặng sắt tăng lên, nhưng cho biết hãng chưa thấy ảnh hưởng lớn từ dịch virus corona đối với kinh doanh của mình.

Lo ngại về nguồn cung cũng đẩy giá quặng nhập khẩu (hàng giao ngay) tăng lên mức cao nhất hơn 3 tuần. Cụ thể, quặng 62% phiên 17/2 có giá 90 USD/tấn.

Trung Quốc khôi phục trên 70% công suất sản xuất than

Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) ngày 18/2 thông báo nước này đã khôi phục được 70,2% công suất sản xuất than và sản lượng tiếp tục hồi phục dần trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Có 1.274 mỏ than trên toàn Trung Quốc đại lục đã sản xuất trở lại, với sản lượng hàng ngày đạt 7,12 triệu tấn, là lần đầu tiên kể từ 1/2 vượt mức 7 triệu tấn/ngày.

Lượng than tích trữ của các nhà máy điện nước này hiện đủ dùng cho 26 ngày, trong đó ở tỉnh Hồ Bắc đủ dùng trong 47 ngày – mức cao nhất trong vòng mấy năm gần đây. Các mỏ than được khuyến khích khôi phục sản lượng, và cũng có các biện pháp hỗ trợ để khuyến khích việc vận chuyển than.

Trung Quốc đã cam kết đảm bảo nguồn cung than, điện và khí để hỗ trợ cho việc kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguồn năng lượng cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có Vũ Hán, và các thành phố lớn khác.

Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Rodrigo Echeverri, giám đốc phụ trách nghiên cứu về khoáng sản của Noble Resources cho biết, thị trường than nhiệt Trung Quốc sẽ còn thiếu hụt trong khoảng 2-3 tháng do dịch virus corona khiến sản lượng không bắt kịp nhu cầu.

Ủy ban Khẩn cấp Quốc gia Mông Cổ ngày 10/2 đã thông báo sẽ ngừng giao than đá qua toàn bộ khu vực biên giới phía Bắc của họ để ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Nhiều nhà nhập khẩu kim loại quốc tế hủy bỏ đơn hàng từ Trung Quốc

Thương mại kim loại của Trung Quốc đang bị đình trệ do Covid-19. Một số nhà nhập khẩu sản phẩm kim loại ở nước ngoài đã dừng việc tiếp nhận các lô hàng từ Trung Quốc do lo sợ bị lây nhiễm virus, trong khi một số khác đòi bồi thường do việc bị chậm giao hàng, theo thông tin từ Hội đồng Luyện kim thuộc Ủy ban Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc phát đi ngày 18/2.

Các công ty nước ngoài thuộc một số quốc gia gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và Bắc Phi đã không nhận hàng do Trung Quốc giao, hoặc trì hoãn việc nhận hàng. Trong khi đó, một số khách hàng, trong đó có Ấn Độ, đang đòi bồi thường cho số hàng không được giao đúng hạn bởi ở Ấn Độ, tháng 3 rất quan trọng vì là tháng cuối cùng của mỗi tài khóa, khi các công ty thực hiện kế hoạch mua hàng cho năm tiếp theo.

Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới nhưng cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu đối với một số kim loại công nghiệp, như thép và nhôm. Nước này đã đã xuất khẩu khoảng 370 tỷ CNY (52,8 tỷ USD) các sản phẩm thép và 97,4 tỷ CNY các sản phẩm nhôm trong năm 2019.

Tuy nhiên, sản lượng kim loại đang giảm mạnh do công nhân phải nghỉ ở nhà để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch. Các công ty cũng đang chật vật để bảo đảm nguyên liệu thô hoặc vận chuyển các sản phẩm trong bối cảnh việc kiểm soát rất nghiêm ngặt để ngăn chặn virus lây lan.

Đồng giảm

Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do gia tăng lo ngại về nhu cầu đồng trong bối cảnh virus corona có thể gây suy yếu kinh tế Trung Quốc dẫn tới dư thừa nguồn cung.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,7% xuống 5.773 USD/tấn. Kim loại này đã mất 9% kể từ mức cao điểm của tháng 1, nhưng đã hồi phục đáng kể từ mức thấp 5.523 USD/tấn hôm 3/2.

Antaike dự báo nhập khẩu đồng tinh luyện của Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp, trong khi tiêu thụ nhôm cũng giảm nhẹ sau khi đã giảm năm 2019 (tiêu thụ nhôm của nước này hiếm khi sụt giảm). Cụ thể, nhập khẩu đồng năm 2020 dự báo đạt 3,1 triệu tấn, giảm 12,7% so với 3,55 triệu tấn của năm 2019 và vượt xa mức dự báo ban đầu là 3,2 triệu tấn và cũng thấp hơn mức 3,75 triệu tấn nhập khẩu năm 2018.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Khai thác mỏ Chile nhận định giá đồng sẽ sớm hồi phục vì ảnh hưởng của Covid đối với kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ trong ngắn hạn.

Tiêu thụ nhôm Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 3 thập kỷ

Theo nhà phân tích kim loại Trung Quốc Wang Hongfei, tiêu thụ nhôm năm 2019 của nước này giảm lần đầu tiên trong vòng hơn 30 năm, giảm 1%, và dự báo sẽ giảm tiếp 0,1% xuống 36,6 triệu tấn trong năm 2020, trong khi sản lượng sẽ tăng 4,1% lên 37,4 triệu tấn.

Trung Quốc sẽ bổ sung 2,25 triệu tấn công suất luyện nhôm/năm trong năm 2020, trong đó khoảng 3/4 (1,7 triệu tấn) đến từ trung tâm luyện kim mới ở tỉnh Vân Nam, miền Tây nước này.

Cao su đạt ‘đỉnh’ 4 tuần

Giá cao su trên thị trường Tokyo phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tuần do giá ở Thượng Hải tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn TOCOM tăng 2,3 JPY (1,3%) lên 186,8 JPY/kg, cao nhất kể từ 23/1. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao dịch nhiều nhất tăng 0,7% lên 11.660 CNY/tấn, so với khoảng 109,88 CNY của phiên trước. Đây cũng là mức giá cao nhất nhiều tuần đối với hợp đồng này.

Cà phê arabica giảm 3%

Giá cà phê arabica giảm mạnh từ mức cao nhất 3 tuần do hoạt động bán chốt lãi. Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 2,5 US cent (2,25%) xuống 1,0885 USD/lb vào cuối phiên, trước đó lúc đầu phiên giá đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 1 là 1,1338 USD/lb. Robusta cũng giảm, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 mất 21 USD (1,6%) xuống 1.293 USD/tấn.

Nhà phân tích cà phê của Rabobank, ông Carlos Mera, cho biết giá cà phê arabica đang trong giai đoạn biến động mạnh, phản ánh thời tiết ở Brazil (cụ thể là tình hình mưa) đang diễn biến thuận lợi. Ông này vừa có chuyến thị sát các khu vực trồng cà phê ở Minas Gerais (Brazil).

Đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,22 US cent (1,5%) lên 15,28 US cent/lb, trong khi đường trắng giao tháng 5 tăng 7,3 USD (1,78%) lên 416,8 USD/tấn.

Giá đường đang trong xu hướng đi lên do dự báo thiếu hụt nguồn cung trong vụ này, với lo ngại gần đây nhất là từ Thái Lan.

Hiệp hội các nhà máy Đường Ấn Độ (ISMA) dự báo xuất khẩu đường của nước này có thể tăng trong những tháng tới, khả năng đạt trên 5 triệu tấn trong năm 2019/20 do giá đường thế giới tăng.

15% thương mại quả chà là trên toàn cầu đến từ Iran

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Iran cho biết, nước này đã xuất khẩu trên 300.000 tấn chà là trong tài khóa vừa qua (tháng 3-2018/2019), chiếm 15% tổng thương mại loại quả này trên thế giới.

Là nước sản xuất chà là lớn thứ 2 thế giới, Iran sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Có khoảng 12 loại chà là trồng ở Iran. Khoảng 20% sản lượng hàng năm được xuất khẩu.

Top 10 nước sản xuất loại trái cây này là Ai Cập, Saudi Arabia, UAE, Pakistan, Algeria, Iraq, Sudan, Oman và Libya. Ai Cập là nước sản xuất lớn nhất, còn Algeria có diện tích trồng nhiều nhất.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 19/2

Thị trường ngày 19/2: Giá vàng vượt 1.600 USD, quặng sắt tăng phiên thứ 6 liên tiếp - Ảnh 2.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên