MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 20/12: Giá nhiều mặt hàng đảo chiều tăng, dầu thô hồi phục sau động thái của Fed

20-12-2018 - 08:57 AM | Thị trường

Thị trường thế giới đã có sự điều chỉnh trong phiên vừa qua, giá nhiều mặt hàng đảo chiều tăng trở lại, trong đó có dầu, nhóm kim loại công nghiệp, cà phê, đường...

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau 2 ngày họp đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, nhận định nền kinh tế Mỹ đang phát triển ở mức cao và thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện và tỏ ý sẽ tiếp tục nâng thêm nữa vào năm 2019 nhưng với tốc độ chậm – thể hiện thái độ "mềm mỏng" hơn so với những tuyên bố trước đây. Điều đó gây tác động lên giá nhiều mặt hàng nhưng ở những mức độ khác nhau.

Dầu hồi phục khi có dấu hiệu nhu cầu mạnh

Giá dầu thô tăng trở lại trong phiên vừa qua sau khi số liệu của Mỹ cho thấy nhu cầu các sản phẩm dầu lọc vẫn mạnh. Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 98 US cent (1,74%) lên 57,24 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (hợp đồng kỳ hạn giao tháng 1/2019 – đáo hạn trong phiên vừa qua) tăng 96 US cent (2,08%) lên 47,20 USD/thùng. Dầu đốt kỳ hạn giao sau trên sàn New York tăng mạnh gần 3% lên 1,8054 USD/gallon.

Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào 14/12/2018 giảm 497.000 thùng, ít hơn mức dự báo của các nhà phân tích là giảm 2,4 triệu thùng. Tuy nhiên, đây là tuần giảm thứ 3 liên tiếp, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Tồn trữ các sản phẩm chưng cất (diesel và dầu đốt) giảm 4,2 triệu thùng (trái với dự đoán là tăng 573.000 thùng); nhu cầu các sản phẩm chưng cất tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2003 đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào, nhất là dầu đốt kỳ hạn giao sau.

Đồng USD yếu đi so với rổ các đồng tiền chủ chốt cũng góp phần kích thích giá dầu tăng lên.

Vàng giảm

Giá vàng tăng vào đầu phiên nhưng giảm vào cuối phiên khi USD hồi phục chút ít bởi Fed không chỉ nâng lãi suất mà còn tỏ ý sẽ nâng thêm "một chút" nữa trong năm tới, tức là hơi "tích cực" nâng lãi suất hơn so với hầu hết các dự kiến.

Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.243,25 USD/ounce vào cuối phiên, dù trước đó có lúc đạt 1.258,03 USD, cao nhất kể từ 10/7/2018; vàng giao sau cũng giảm 0,5% xuống 1.247,50 USD/ounce.

Kim loại cơ bản giảm ở Thượng Hải nhưng tăng ở London

Theo múi giờ quốc tế, sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa khi khi Fed chưa công bố quyết định về lãi suất của Mỹ. Do đó giá kim loại cơ bản trên sàn này đồng loạt đồng loạt giảm trước thời điểm Fed đưa ra quyết định. Đồng giảm nhiều nhất trong phiên đi xuống thứ 5 liên tiếp, có lúc mất 2% còn 48.010 CNY (6.969,08 USD)/tấn, thấp nhất kể từ 18/9/2018, trước khi kết thúc phiên ở mức 48.090 CNY (giảm 1,9%); nickel giảm 1,6% xuống 89.380 CNY/tấn, trong khi nhôm và kẽm cùng giảm 0,5%.

Trong khi đó, sàn London đóng cửa muộn hơn 6 tiếng so với sàn Thượng Hải. Do đó, giá hầu hết đều tăng bởi giới đầu tư hy vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất – yếu tố hỗ trợ nhu cầu kim loại (phần lớn nhu cầu kim loại đến từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc, do đó đồng USD yếu đi khiến cho kim loại trở nên rẻ hơn khi mua bằng những tiền tệ khác).

Trên sàn London lúc đóng cửa giao dịch, giá đồng hồi phục từ mức thấp nhất 3 tháng, đồng giao sau 3 tháng tăng 0,8% lên 6.016 USD/tấn. Giá kẽm, nickel và thiếc cũng tăng, duy chỉ có chì giảm nhẹ 0,4% xuống 1.965 USD/tấn.

Giá nhôm tăng 0,1% lên 1.927 USD/tấn. Có một số thông tin mới liên quan tới mặt hàng này. Cụ thể, lượng nhôm lưu kho ở LME tiếp tục tăng 35.125 tấn lên1.052.900 tấn, đưa tổng mức tăng từ đầu tháng 10 đến nay lên 73%; sản lượng nhôm nguyên khai tại Trung Quốc tháng 11/2018 đã tăng 3,9% so với tháng trước đó lên 2,82 triệu tấn (cao hơn 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái), đây là lần tăng đầu tiên sau 3 tháng liên tiếp giảm; và Canada kéo dài thời hạn miễn thuế nhập khảu nhôm và thép theo đề nghị của hãng xây dựng British Columbia – vốn phụ thuộc nhiều vào kim loại nhập khẩu.

Than đá và quặng sắt giảm, thép tăng

Giá nguyên liệu sản xuất thép (than đá và quặng sắt) trên thị trường Trung Quốc đều giảm do triển vọng nhu cầu yếu đi. Than luyện cốc tại Đại Liên lúc đóng cửa giảm 2,8% xuống 1.195,5 CNY (173,41 USD)/tấn, trong khi than cốc giảm 1,2% xuống 1.977 CNY. Trong phiên có lúc than cốc xuống chỉ 1.960 CNY. Quặng sắt cũng giảm 0,2% xuống 487 CNY/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc mất tới 0,4%.

Tuy nhiên, riêng thép cây trên sàn Thượng Hải giá vẫn tăng 0,2% lên 3.425 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,5% lên 3.448 CNY/tấn. Lý do giá tăng là bởi hy vọng nhu cầu thép sẽ tăng vào năm tới.

Lợi nhuận của các nhà máy thép Trung Quốc tháng 11 vừa qua giảm mạnh do nguồn cung dồi dào và Chính phủ siết chặt việc kiểm soát sản xuất trong giai đoạn mùa Đông để tránh khói bụi.

Dầu cọ cao nhất 8 tuần

Giá dầu cọ tại Malaysia vừa lập kỷ lục cao nhất 8 tuần theo xu hướng tăng của giá dầu đậu tương trên sàn Chicago (Mỹ) và dầu olein cọ trên sàn Đại Liên (Trung Quốc).

Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn giao tháng 3/2019 kết thúc phiên giá tăng 2% lên 2.198 ringgit (526,21 USD)/tấn, mức cao chưa từng có kể từ 24/10/2018. Đầu phiên có lúc giá tăng 2,1% lên 2.200 ringgit/tấn.

Phiên liền trước, trên sàn Chicago, dầu đậu tương kỳ hạn giao tháng 1/2019 tăng 0,9% sau khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt mua chuyến đậu tương thứ 2 kể từ sau khi Mỹ - Trung tạm đình chiến. Trên sàn Đại Liên phiên giao dịch vừa qua, đầu đậu tương kỳ hạn giao tháng 1 cũng tăng 0,8%, trong khi dầu cọ tăng 1,6%.

Đường và cà phê hồi phục

Giá đường và cà phê đều hồi phục trong phiên vừa qua do USD mạnh lên.

Đường thô giao tháng 3  năm sau tăng 0,17 US cent (1,4%) lên 12,47 US cent/lb, đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 5 USD (1,5%) lên 341 USD/tấn.

Cà phê arabica tăng 1,45 US cent (1,5%) lên 1,0085 USD/lb, trong khi robusta tăng 20 USD (1,4%) lên 1.507 USD/tấn. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của loại robusta sau 13 phiên giảm trước đó.

Cao su giảm

Giá cao su trên thị trường Tokyo giảm khỏi mức cao nhất 2 tháng do giá dầu giảm trên 5% trong phiên liền trước khiến các nhà đầu tư hàng hóa có thái độ thận trọng hơn trong bối cảnh họ đang chờ đợi quyết định của Fed về chính sách lãi suất.

Cao su giao tháng 5 năm 2019 trên sàn TOCOM giảm 0,2 JPY tương đương 0,1% xuống 171,1 JPY (1,52 USD)/kg. Tại các thị trường khác, giá cao su cũng đồng loạt giảm. Trên sàn Thượng Hải, giá giảm 140 CNY xuống 11.305 CNY (1.640 USD)/tấn, còn tại SICOM (Singapore), giá giảm 0,3 US cent xuống 126,1 US cent/kg.

Hành Tây Trung Quốc vững

Giá hành tây tại Trung Quốc mấy tháng qua tương đối ổn định. Một trong số các lý do là bởi châu Âu thiếu cung mặt hàng này nên phải tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Như vậy, ngoài những thị trường truyền thống ở Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore… thì hành Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở các thị trường khác, trong đó có châu Âu.

Do hành tây vàng xuất khẩu tốt hơn nên giá loại này tại Trung Quốc đang tăng nhẹ, trong khi hành tây tím xuất khẩu ít vì khó bảo quản nên chất lượng dễ bị ảnh hưởng.

Được biết, nhu cầu hành tây ở mỗi thị trường có khác nhau, ví dụ khách hàng Hàn Quốc và Nhật Bản thích loại có kích thước 9-11 và 9-12 cm, trong khi châu Âu chuộng loại 6-8 cm và 7-9 cm. Sản lượng hành tây Trung Quốc năm nay bình thường như  năm ngoái.

Chuối tại Trung Quốc dao động

Giá chuối ở nhiều nơi tại Trung Quốc đang có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực. Nhìn chung giá giảm ở nhiều khu vực sản xuất. Trong khi giá tại Quảng Tây giảm nhẹ thì ở một số vùng sản xuất nhỏ giảm xuống mức thấp nhất trong số các vùng sản xuất chuối tại Trung Quốc. Tỉnh Vân Nam đang nôi lên thành nhà cung cấp chuối chính ở Trung Quốc, nhưng do gần đây mưa nhiều nên giá cũng trở nên thất thường, có nơi giá tăng, có nơi giá giảm.

Trung Quốc nhập khẩu một lượng không nhiều chuối từ Lào và Myanmar, đó chủ yếu là chuối chất lượng cao nên giá cũng cao và ổn định hơn so với chuối sản xuất tại Trung Quốc.

Hiện thời tiết đang ấm dần lên sau đợt lạnh vừa qua, điều đó cũng có nghĩa là tiêu thụ chuối sẽ hồi phục, và dự kiến giá chuối sẽ ngừng giảm, thậm chí có thể tăng trở lại.

Sản lượng tôm Thái Lan sẽ giảm 3%

Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, Somsak Paneetatyasai, cho biết, sản lượng tôm nước này dự kiến giảm 3% trong năm 2018 do thời tiết bất thường, dịch bệnh ở tôm và giá không hấp dẫn. Sản lương tôm toàn cầu năm nay dự kiến đạt 3,2 triệu tấn, tăng 15% so với năm trước, do sản lượng ăng ở Ecuador, Việt Nam, Indonesia và nhất là Ấn Độ.

Trong 10 tháng đầu 2018, Thái Lan đã xuất khẩu 143.129 tấn tôm, trị giá 45,5 tỷ baht, giảm lần lượt 14,5% và 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm xuất khẩu sẽ ở mức 180.000 tấn, trị giá từ 50 đến 55 tỷ baht, giảm 11,8% và 19,2-27%.

Về năm 2019, Hiệp hội dự báo tình hình sản xuất của Thái Lan sẽ khả quan hơn, sản lượng sẽ khoảng 310.000 – 320.000 tấn, và xuất khẩu sẽ đạt khoảng 200.000 tấn, trị giá 60 tỷ baht.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng này 20/12


Thị trường ngày 20/12: Giá nhiều mặt hàng đảo chiều tăng, dầu thô hồi phục  - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên