MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 23/10: Chứng khoán Trung Quốc bùng nổ mạnh nhất 4 năm đẩy giá dầu và kim loại lên cao

23-10-2018 - 08:42 AM | Thị trường

Nhiều mặt hàng chủ chốt tăng giá vào lúc đóng cửa phiên giao dịch vừa qua sau khi chứng khoán Trung Quốc kết thúc phiên bùng nổ trên 4%, mạnh nhất trong khoảng 4 năm, sau những tuyên bố hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ nước này.

Trong bối cảnh chứng khoán gần đây lao dốc mạnh (-12,6% kể từ đầu năm), tăng trưởng kinh tế chậm nhất từ năm 2009 và căng thẳng với Mỹ không ngừng tăng, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ các công ty tư nhân trong nước, giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng chi cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng tiền tệ. Lãnh đạo ngành chứng khoán nước này cũng cam kết sẽ giúp quản lý rủi ro liên quan đến cổ phiếu thế chấp. Giới chuyên gia ứớc tính những biện pháp này sẽ giúp nâng mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thêm 1 điểm %, và các nhà hoạch định chính sách nước này có thể còn xem xét thực hiện giảm thuế hơn nữa.

Dầu tăng nhẹ

Giá dầu tăng vào lúc đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, mặc dù đầu phiên giảm sau khi Saudi Arabia cam kết nâng sản lượng dầu thô lên mức cao kỷ lục khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến thời hạn lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran có hiệu lực.

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khaled al-Faleh khẳng định Riyadh "không có ý định" tái diễn sự kiện 1973, và cho biết nước này sẽ sớm nâng sản lượng lên 11 triệu thùng/ngày từ mức 10,7 triệu thùng hiện nay.

Kết thúc phiên, dầu Brent giao tháng 12/2018 tăng 5 US cent lên 79,83 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) giao tháng 11/2018 tăng 5 US cent lên 69,17 USD/thùng. Trong phiên, dầu WTI có lúc chỉ 68,27 USD, thấp nhất kể từ 14/9/2018.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu dầu thế giới năm tới. OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2019 sẽ trung bình 31,8 triệu thùng/ngày, so với 32,8 triệu thùng/ngày của năm 2018.

Vàng, bạc và bạch kim giảm

Giá vàng giảm vì không vượt qua được ngưỡng tâm lý, trong bối cảnh USD mạnh lên. Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.222,13 USD/ounce, vàng giao kỳ hạn giảm 0,3% xuống 1.224,8 USD/ounce. Bạc cũng giảm 0,4% xuống 14,54 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,8% xuống 822,9 USD/ounce.

Vàng đã không thể vượt qua mức trung bình của 100 ngày (1.224 USD) khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng kim loại này sẽ khó có thể tăng thêm nữa. Trong khi đó, đồng USD tăng so với rổ các đồng tiền chủ chốt của Mỹ càng khiến vàng kém sức hút hơn.

Palađi tăng

Giá palađi tăng mạnh 3,7% trong phiên vừa qua, lên 1.120 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ hơn 9 tháng là 1.123,20 USD. Giới đầu tư mua mạnh kim loại xúc tác này sau khi các thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi phục mạnh, bởi kỳ vọng những cam kết giảm thuế và kích thích kinh tế của nước này sẽ thúc đẩy nền kinh tế mạnh lên.

Đồng và nhôm tăng bởi hy vọng vào Trung Quốc

Giá đồng đã tăng lên mức cao nhất 1 tuần do dự đoán nhu cầu của Trung Quốc sẽ mạnh lên sau khi Chính phủ nước này thực hiện các biện pháp nhằm tăng thanh khoản và thúc đẩy kinh tế. Trung Quốc chiếm khoảng 1/2 nhu cầu đồng toàn cầu.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,3% lên 6.242 USD/tấn vào cuối phiên, trong phiên có lúc đạt 6.331,50 USD/tấn, cao nhất kể từ 15/10/2018.

Nhôm cũng tăng giá trong phiên vừa qua, thêm 0,2% lên 2.007 USD/tấn. Viện Nghiên cứu Nhôm Quốc tế thông báo sản lượng nhôm toàn cầu trong tháng 9 vừa qua giảm xuống 5,301 triệu tấn, từ mức 5,485 triệu tấn của tháng 8/2018.

Thép tăng khi Trung Quốc vào mùa cắt giảm công suất

Giá thép tại Trung Quốc tăng hơn 1% sau khi 10 thành phố của tỉnh Hà Bắc cảnh báo ô nhiễm khói bụi cấp độ 2 và thúc giục các nhà máy cắt giảm sản lượng. Việc Chính phủ cam kết hỗ trợ các thị trường chứng khoán cũng như đang lên kế hoạch sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân cũng hỗ trợ giá thép tăng.

Thép cây giao tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 1,5% lên 4.154 CNY (599 USD)/tấn; thép cuốn nóng tăng 0,9% lên 3.901 CNY/tấn.

Tuy nhiên, tại thành phố Đường Sơn, các chuyên gia nhận định mức cắt giảm sản lượng năm nay sẽ chỉ khoảng 30-35%, thấp hơn mức 42% của năm ngoái, dựa theo danh mục những hạn chế mà chính quyền thành phố công bố ngày 18/10/2018.

Sản lượng thép thô tại Nhật Bản đã giảm 2,4% trong tháng 9/2018 so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,42 triệu tấn, do thảm họa thiên tai xảy ra (cơn bão lớn Jebi và trận động đất).

Cao su tăng

Giá cao tại Tokyo tăng theo xu hướng tại Thượng Hải sau khi Chính phủ Trung Quốc cam kết hỗ trợ thị trường chứng khoán. Hợp đồng giao tháng 3/2019 tại Tokyo tăng 2,5 JPY tương đương 1,5% lên 169,3 JPY (1,5 USD)/kg; hợp đồng giao tháng 1/2019 tại Thượng Hải tăng 45 CNY lên 12.060 CNY (1.738 USD)/tấn (hồi phục từ mức thấp nhất khoảng 5 tuần ở phiên giao dịch trước).

Gia súc tăng

Giá gia súc trên thị trường Chicago hồi phục khá mạnh sau khi báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung không nhiều như dự kiến, mặc dù vẫn tương đối dồi dào.

Giá bò sống giao tháng 12/2018 tại Chicago tăng 1,5 US cent lên 118,277 US cent/lb, trong khi kỳ hạn tháng 2/2019 tăng 1,525 US cent lên 122,675 US cent. Bò thịt kỳ hạn tháng 11/2018 tăng 2,9 US cent lên 157 US cent/lb, còn lợn thịt tăng 1,575 US cent/lb.

Ngành chăn nuôi lợn Mỹ đang tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn cho đàn lợn của mình, và đã chuyển hết số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập từ Trung Quốc vào kho để kiểm tra ở mức độ cao hơn xem số hàng đó có bị nhiễm virus tả lợn châu Phi hay không.

Nếu xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại Mỹ thì sẽ ảnh hưởng tới 6,5 tỷ USD xuất khẩu thịt lợn của nước này, trong bối cảnh ngành đang rất khó khăn do những mức thuế trả đũa cao mà Trung Quốc và Mexico áp lên thịt lợn Mỹ.

Trung Quốc, nước sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới, đã tiêu hủy 200.000 con lợn sau đợt bùng phát dịch gần đây, trong khi Pháp đang phải xây dựng một hàng rào nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới, đã tiêu huỷ 200.000 con lợn sau đợt bùng phát gần đây, trong khi Pháp đang xây dựng một hàng rào bảo vệ rau khi Bỉ phát hiện có trường hợp lợn nuôi bị nhiễm dịch bởi lây từ lợn rừng.

Dịch tả châu Phi đã hoành hành ở Trung Quốc suốt 3 tháng qua và chưa có dấu hiệu ngừng lan rộng. Hiện dịch bệnh đã lan tới miền Nam nước này, là vùng tiêu thụ quan trọng của Trung Quốc, cho thấy đàn lợn đã bị nhiễm bệnh nặng. Ngày 21/10/2018 tỉnh Vân Nam đã thông báo 2 trường hợp bị nhiễm bệnh. Điều này càng đáng lo ngại hơn khi Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất thịt lợn cao điểm.

Chè giảm do nhu cầu yếu

Giá chè tại Ấn Độ cuối tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó trong bối cảnh nhu cầu thấp. Tại phiên đấu giá ở Kochi. Chè cám (CTC dust) giá trung bình 124,3 rupee/kg (loại ngon từ 119 – 182 rupee, loại trung bình từ 98 đến 135 rupee và loại thấp từ 88 – 102 rupee). Tại Nilgiri, chè đen búp (CTC leaf) trung bình 136,03 rupee/kg, giảm so với 142,31 rupee của tuần trước.

Tại Uganda, giá chè đã giảm liên tiếp trong 3 tháng qua, chè xanh búp giảm từ 600 Shs/kg vào tháng 8/2018 xuống 550 Shs trong tháng 9/2018 và hiện chỉ 470 Shs.

Gừng ổn định giá

Giá gừng tươi tại Trung Quốc hiện tương đương năm ngoái, khoảng 3,2 CNY (0,46 USD)/0,5 kg, song có nhiều khả năng biến động mạnh trong tương lai gần.

Vụ thu hoạch gừng của Trung Quốc bắt đầu từ đầu tháng 10 và dự kiến sẽ rộ vào đầu tháng 11. Năng suất cũng như chất lượng gừng năm nay dự báo sẽ không cao do mưa lớn hồi tháng 8 không chỉ gây ngập úng mà còn làm tăng côn trùng gây hại. Tuy nhiên, sản lượng dự báo vẫn bằng năm ngoái nhờ diện tích tăng. Gừng Trung Quốc hiện phải cạnh tranh với gừng Brazil và Thái Lan. Đặc biệt, gừng hữu cơ chất lượng rất cao Chile là đối thủ cạnh tranh mạnh trong những năm gần đây.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 23/10

Thị trường ngày 23/10: Chứng khoán Trung Quốc bùng nổ mạnh nhất 4 năm đẩy giá dầu và kim loại lên cao - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên