Thị trường ngày 27/12: Giá dầu bất ngờ đảo chiều tăng hơn 8%
Giá dầu vừa ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm trở lại đây sau khi OPEC ký quyết định mang tính bước ngoặt về sản lượng.
- 26-12-2018Thị trường ngày 26/12: Giá đồng thấp nhất 15 tuần, cao su cũng giảm
- 25-12-2018Thị trường ngày 25/12: Dầu giảm tiếp 6% về 42 USD/thùng, vàng tăng mạnh lên cao nhất 6 tháng
- 21-12-2018Thị trường ngày 21/12: Giá dầu lại giảm mạnh 5%, nhôm thấp nhất 16 tháng, cao su lập đỉnh 3,5 tháng
Giá dầu bật tăng 8%
Giá dầu bật tăng mạnh 8% trong phiên giao dịch đêm qua 26/12, ghi nhận ngày tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua, sau khi OPEC ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt cắt giảm sản lượng.
Giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn chốt phiên tăng 3,69 USD tương đương 8,7% lên 46,22 USD/thùng, song tính từ mức cao đỉnh điểm hồi tháng 10/2018 (76 USD/thùng) đến nay, giá dầu thô Mỹ vẫn giảm gần 40%.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 4 USD tương đương 8% lên 54,47 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm xuống 49,93 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 7/2017.
OPEC và các đồng minh bao gồm Nga đã quyết định cắt giảm sản lượng trong năm 2019, hủy bỏ quyết định tháng 6/2018 sẽ bơm thêm dầu. Nhóm có kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1,2 triệu thùng/ngày trong năm tới.
Igor Sechin, người đứng đầu công ty dầu mỏ Rosneft Nga dự đoán giá dầu sẽ đạt 50-53 USD/thùng trong năm 2019, kém xa so với mức cao nhất 4 năm (86 USD/thùng) mà dầu thô Brent đạt được hồi đầu năm nay.
Vàng giảm, bạc cao nhất 4 tháng
Giá vàng kết thúc phiên giao dịch giảm, do chứng khoán Mỹ hồi phục và đồng USD tăng mạnh khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.266,32 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.279,06 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 19/6/2018 và vàng kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,1% lên 1.273 USD/ounce. Tính chung trong tháng 12/2018, giá vàng giao ngay tăng 3,6%, tháng tăng mạnh nhất trong 10 năm.
Trong khi đó, bạc tăng 1,8% lên 15 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 15,17 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 13/8/2018.
Đồng tăng sau 2 phiên giảm liên tiếp
Giá đồng tại Trung Quốc tăng sau 2 phiên giảm liên tiếp, song mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm chạp, sẽ kiềm chế nhu cầu đối với kim loại công nghiệp.
Các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, khi chính sách tiền tệ thắt chặt, bất ổn chính trị tại Mỹ để ngỏ khả năng chính phủ đóng cửa kéo dài.
Giá đồng kỳ hạn trên sàn Thượng Hải đóng cửa tăng 130 CNY, tương đương 0,3% lên 48.040 CNY (6.979,21 USD)/tấn.
Chứng khoán châu Á giảm trong ngày thứ tư (26/12/2018), sau khi chứng khoán phố Wall lao dốc vào đêm Giáng sinh, cùng hàng loạt bất ổn chính trị tại Mỹ bao gồm chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa một phần do mâu thuẫn về ngân sách và bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome Powell về việc FED nâng lãi suất.
Than cốc thấp nhất 3 tuần
Giá than cốc tại Đại Liên giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do lo ngại nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép suy yếu, trong khi Bắc Kinh cam kết sẽ không nới lỏng chiến dịch chống ô nhiễm, buộc các nhà máy thép phải giảm sản lượng thậm chí ngừng hoạt động.
Giá than cốc kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên giảm 2,2% xuống 1.878 CNY (272,82 USD)/tấn, trong phiên có lúc chạm 1.892,5 CNY/tấn, thấp nhất 3 tuần và than luyện cốc giảm 0,3% xuống 1.171,5 CNY/tấn.
Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết, nước này sẽ áp dụng các biện pháp hiệu quả và có mục tiêu hơn trong chiến dịch chống ô nhiễm vào năm tới, song sẽ không nới lỏng các mục tiêu hay giảm bớt các biện pháp phạt người vi phạm. Tuyên bố này được đưa ra khi các thành phố sản xuất thép thắt chặt các quy định chống ô nhiễm, bao gồm thành phố sản xuất thép lớn nhất thế giới – Đường Sơn – đã buộc các nhà máy thép phải đóng cửa tất cả các máy thiêu kết, dùng xử lý quặng sắt trước khi nấu chảy, ít nhất 10 ngày trong năm nay.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm do dự trữ ở mức cao và nhu cầu duy trì ổn định.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn TOCOM giảm 2,2 JPY (0,0199 USD) xuống 168 JPY/kg. Trong khi đó, giá cao su TSR20 giao cùng kỳ hạn tăng 1,3 JPY lên 145,6 JPY/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 90 CNY (13,08 USD)/tấn xuống 11.040 CNY/tấn.
Nhà phân tích cấp cao Cao Lu thuộc Orient Futures cho biết: "Thị trường sẽ tiếp tục yếu do giá hàng hóa giảm và đặc biệt giá dầu kém lạc quan và không có yếu tố thuận lợi hỗ trợ giá cao su và niềm tin thị trường yếu".
Bột giấy sẽ tiếp tục giảm
Giá bột giấy thế giới giảm từ tháng 11/2018 tới nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm tới đầu năm 2019 mặc dù mức giảm không nhiều vì chi phí bột gỗ duy trì ở mức cao và chi phí môi trường ngày càng tăng.
Thị trường giấy và bột giấy có liên quan mật thiết tới tăng trưởng kinh tế, nhất là ở các khu vực Bắc Mỹ, Bắc Âu và Đông Á (những thị trường cung cấp và nhập khẩu giấy và nguyên liệu giấy chủ chốt). Do kinh tế thế giới có nguy cơ tăng chậm lại, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ thấp hơn nhiều so với những năm trước kéo theo nhu cầu bột giấy từ Trung Quốc giảm dần. Trong khi đó, công suất sản xuất mới tại các nhà máy được bổ sung sau giai đoạn giá liên tục tăng suốt 2 năm vừa qua.
Dầu cọ giảm hơn 1% do đồng ringgit tăng
Giá dầu cọ Malaysia kết thúc phiên giao dịch giảm hơn 1%, giảm phiên thứ 4 liên tiếp, do đồng ringgit tăng mạnh trong khi giá các loại dầu thực vật liên quan suy yếu cũng gây áp lực thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Bursa Malaysia giảm 1,6% xuống 2.094 ringgit (501,56 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm xuống 2.093 ringgit/tấn, thấp nhất kể từ ngày 14/12/2018.
Đồng thời, giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên giảm 1,3% và giá dầu cọ giao cùng kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm 1,2%.
Đồng ringgit – tiền tệ giao dịch dầu cọ - tăng 0,2% lên 4,175 so với USD. Đồng ringgit tăng mạnh thường khiến dầu cọ trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Đậu tương, ngô, lúa mì thấp nhất gần 1 tháng
Giá ngô, đậu tương và lúa mì tại Mỹ chạm mức thấp nhất 1 tháng, do lo ngại về xuất khẩu của Mỹ và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu gia tăng.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Chicago giảm 1,5% xuống 8,83 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 8,82-1/2 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 27/11/2018.
Đồng thời, giá ngô giao cùng kỳ hạn trên sàn Chicago giảm 1,2% xuống 3,73-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 29/11/2018 và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 1,2% xuống 5,1 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 30/11/2018.
Các thương nhân thất vọng khi không có dấu hiệu mua bổ sung đậu tương Mỹ từ Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương, ngô hàng đầu thế giới. Giá lúa mì chịu áp lực sau khi Nga – nước cung cấp lúa mì hàng đầu thế giới – nâng dự báo xuất khẩu ngũ cốc trong tuần trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/12