Thị trường ngày 30/11: Dầu thô đảo chiều tăng mạnh
Dầu bật tăng trở lại, cao su cao nhất 2 tuần và đường cao nhất 3 tuần trong khi đó giá thép vẫn tiếp tục giảm.
- 29-11-2018Thị trường ngày 29/11: Nỗi lo dư cung và hoạt động bán tháo ép giá dầu tiếp tục giảm mạnh
- 28-11-2018Thị trường ngày 28/11: Giá dầu, vàng cùng giảm, thép tiếp tục ở đáy nhiều tháng
- 27-11-2018Thị trường ngày 27/11: Giá dầu đảo chiều tăng gần 3%, thép thấp nhất 5 tháng
Dầu bật tăng trở lại
Giá dầu kết thúc phiên (29/11) đảo chiều tăng vọt 3%, sau khi Nga chấp nhận yêu cầu cắt giảm sản lượng cùng với OPEC trước cuộc họp vào tuần tới.
Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau tăng 1,22 USD tương đương 2% lên 59,98 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt mức cao 60,37 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giao sau tăng 1,3 USD tương đương 2,6% lên 51,59 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 52,2 USD/thùng. Tuy nhiên, trong tháng 11/2018, giá dầu giảm gần 22%, tháng giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Giá dầu hồi phục sau khi Nga xem xét sẽ tham gia cắt giảm sản lượng cùng với Saudi Arabia và các thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Bộ Năng lượng Nga đã tổ chức 1 cuộc họp với những người đứng đầu các nhà sản xuất dầu trong nước, trước cuộc họp tại Vienna của OPEC và các đồng minh vào ngày 6-7/12 tới. John Kilduff, đối tác thuộc Again Capital, New York cho biết, thị trường dự kiến OPEC và các đồng minh sẽ cắt giảm 1 triệu thùng/ngày.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin cho biết, ông cùng với OPEC sẵn sàng hợp tác về nguồn cung nếu cần thiết, song ông hài lòng giá dầu ở mức 60 USD/thùng.
Vàng tăng
Giá vàng tăng mạnh do đồng USD tăng và biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy lãi suất sẽ tăng trong tháng tới.
Vàng giao ngay chốt phiên tăng 0,2% lên 1.223,75 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 22/11/2018 vào đầu phiên là 1.228,96 USD/ounce và vàng kỳ hạn giao sau tại Mỹ hầu như không thay đổi ở mức 1.224,1 USD/ounce.
Biên bản từ cuộc họp ngày 7-8/11 của Fed cho thấy rằng, hầu như tất cả các quan chức Fed đều đồng ý việc tăng lãi suất, song cũng đưa ra tranh luận về thời điểm ngừng tăng thêm. Fed đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay, lãi suất tăng cao cũng sẽ khiến chi phí nắm giữ vàng tăng.
Phil Streible, chiến lược hàng hóa cấp cao thuộc RJO Futures, Chicago cho biết: "Nguy cơ địa chính trị giữa Nga và Ukraine sẽ khiến các nhà đầu tư chuyển sang thị trường vàng". Vàng thường được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời điểm kinh tế và chính trị bất ổn.
Đồng tăng
Giá đồng tăng, do các nhà đầu tư tích cực mua vào trước tin lãi suất cơ bản của Mỹ có thể sẽ tăng cao, song giao dịch bị hạn chế trước khi thông báo số liệu kinh tế của Trung Quốc và hội nghị thượng đỉnh G20.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,2% lên 6.212 USD/tấn, sau khi tăng 1,3% trong phiên liền trước. Xu hướng thị trường đang bị tác động bởi căng thẳng thương mại và nhu cầu yếu từ nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc.
Số liệu hôm thứ sáu (30/11/2018) dự kiến sẽ cho thấy, các nhà máy của Trung Quốc rất khó để tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 11/2018. Chỉ số quản lý sức mua chính thức (PMI) dự kiến sẽ đạt 50,2, chỉ cao hơn mức trung bình 50.
Thép vẫn giảm
Giá thép tại Trung Quốc giảm trở lại trong bối cảnh nguồn cung dồi dào và nhu cầu yếu, trong khi đó quặng sắt tăng.
Giá thép cây kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.605 CNY (502 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao (3.665 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch. Giá thép có thể sẽ giảm hơn nữa trong ngắn hạn, do nguồn cung vẫn ở mức cao và nhu cầu yếu, điều này sẽ không hỗ trợ giá thép hiện tại.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên tăng 1,3% lên 476 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 477,5 CNY/tấn.
Cao su cao nhất gần 2 tuần
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng cao nhất gần 2 tuần, được hỗ trợ từ giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải và giá dầu tăng nhẹ. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM tăng 0,6 JPY lên 158,1 JPY (1,4 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 159,3 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 16/11/2018. So với mức thấp nhất 27 tháng trong ngày 21/11/2018, giá cao su đã tăng gần 5%. Đồng thời, giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM tăng 1 JPY lên 145,4 JPY (1,28 USD)/kg và giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 10 CNY lên 10.870 CNY (1.566 USD)/tấn.
Ca cao tăng 3%, đường cao nhất 3 tuần, cà phê giảm
Giá ca cao tăng 3%, sau đợt giảm kéo dài trong 3 tuần qua và đường cao nhất 3 tuần, trong khi giá cà phê giảm.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn New York tăng 44 USD tương đương 2,1% lên 2.165 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch tăng 3,1% lên 2.186 USD/tấn, cao nhất 8 ngày. Giá cà phê giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 15 GBP tương đương 0,9% lên 1.604 GBP/tấn.
Đồng thời, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 0,03 US cent tương đương 0,2% lên 12,87 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 13,21 US cent/lb, cao nhất 3 tuần. Trong khi đó, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 0,7 USD tương đương 0,2% xuống 346,7 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 353,8 USD/tấn, cao nhất 3 tuần. Triển vọng sản lượng đường tại EU suy giảm bởi thời tiết khô, trong khi nước xuất khẩu lớn Thái Lan chuyển đổi trồng mía đường sang trồng sắn.
Trong khi đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 1,6 US cent tương đương 1,4% xuống 1,123 USD/lb, trong đầu phiên giao dịch đạt 1,1515 USD/lb, cao nhất 8 ngày. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 5 USD tương đương 0,3% xuống 1.625 USD/tấn.
Gạo đồng loạt giảm tại Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan
Giá xuất khẩu gạo Ấn Độ trong phiên giao dịch vừa qua giảm lần đầu tiên trong 4 tuần, do chính sách trợ cấp của chính phủ nước này nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng ra nước ngoài, trong khi nhu cầu Trung Quốc giảm gây áp lực đối với thị trường Việt Nam.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm ở mức khoảng 366-370 USD/tấn, so với 367-375 USD/tấn tuần trước đó. Chính phủ Ấn Độ sẽ trợ cấp 5% đối với gạo xuất khẩu non-basmati trong 4 tháng đến ngày 25/3/2019, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống 408 USD/tấn so với 410 USD/tấn tuần trước, do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Nước này đã áp dụng các điều kiện chặt chẽ hơn đối với gạo Việt Nam, bao gồm cả thời gian kiểm tra kéo dài. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc – thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam – trong 10 tháng đầu năm 2018 giảm 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 380-397 USD/tấn FOB Bangkok, thay đổi nhẹ so với 382-395 USD/tấn tuần trước, do nhu cầu yếu và triển vọng nguồn cung vụ thu hoạch mới.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 30/11