Thị trường ngày 4/3: Giá dầu giảm hơn 2%, kim loại cơ bản, lúa mì, ngô neo ở mức cao mới trong nhiều năm
Phiên giao dịch ngày 3/3 giá dầu giảm hơn 2% khi lạc quan Mỹ và Iran sẽ sớm đạt được một thỏa thuận hạt nhân, trong khi xung đột ở Ukraine khiến giá palađi, kim loại cơ bản, lúa mì, ngô tiếp tục lên mức cao mới trong nhiều năm.
- 04-03-2022Giá hàng hóa sắp có tuần tăng mạnh nhất trong 60 năm
- 03-03-2022Trung Quốc mua mạnh năng lượng và hàng hóa bất chấp giá cao kỷ lục
- 03-03-2022Giá xăng có thể giảm hơn 1.000 đồng/lít
Dầu giảm từ mức cao nhất một thập kỷ
Dầu giảm hơn 2% sau khi giá đạt mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ, do hy vọng Mỹ và Iran sẽ sớm đạt được một thỏa thuận hạt nhân có thể bổ sung thêm dầu cho một thị trường đang thiếu hụt.
Tuy nhiên, giao dịch là biến động, do các nhà đầu tư ban đầu đặt mua khiến giá lên mức cao nhất nhiều năm bởi lo lắng về các lệnh trừng phạt Nga sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.
Nga xuất khẩu 4 tới 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, nhưng các công ty hiện nay đang tránh xa nguồn cung của Nga và tranh giành những loại dầu khác.
Chốt phiên 3/3, dầu thô Brent giảm 2,47 USD hay 2,2% xuống 110,46 USD/thùng, dầu WTI giảm 2,93 USD hay 2,6% xuống 107,67 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này đã tăng lên mức cao nhất nhiều năm trong phiên này, dầu Brent đạt 119,84 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2012 và dầu WTI cao nhất kể từ tháng 9/2008 tại 116,57 USD/thùng.
Một biện pháp trừng phạt mới được Nhà Trắng thông báo ngày 2/3 là cấm xuất khẩu công nghệ lọc dầu cụ thể, khiến Nga khó khăn để hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu.
Dầu Brent đã tăng gần 25% kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.
Các báo cáo truyền thông cho rằng Mỹ và Iran đã gần hoàn thành một thỏa thuận có thể đưa hơn một triệu thùng dầu mỗi ngày hay khoảng 1% nguồn cung toàn cầu trở lại thị trường.
Việc cứu trợ nguồn cung này chỉ có thể lấp đầy một phần lỗ hổng do người mua cắt giảm mua dầu của Nga, nước chiếm khoảng 8% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu.
Jarand Rystad giám đốc điều hành của Rystand Energy cho biết họ dự kiến xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm 1 triệu thùng/ngày từ ảnh hưởng gián tiếp của các lệnh trừng phạt. Ông dự kiến giá dầu có thể tiếp tục tăng, khả năng vượt 130 USD/thùng.
Palađi cao nhất trong hơn 7 tháng, vàng tăng
Palađi tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng, bởi lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau các lệnh trừng phạt khắc nghiệt với Nga, trong khi khủng hoảng ở Ukraine và lạm phát đang tăng làm tăng nhu cầu vàng.
Giá palađi giao ngay đã tăng 4,1% lên 2.779,09 USD/ounce (lúc 1h39 sáng ngày 4/3 theo giờ Việt Nam), mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021. Các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga, nước chiếm 40% sản lượng palađi trên thế giới.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.933,31 USD/ounce và vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 0,7% lên 1.935.90 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang chờ thêm manh mối về việc tăng lãi suất của Mỹ khi Chủ tịch Fed Jerome Powell điều trần trước quốc hội bước vào ngày thứ hai.
Kim loại cơ bản tăng
Giá nhôm, đồng và nickel chạy đua lên mức cao mới do thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga đe dọa gián đoạn dòng hàng hóa từ nhà sản xuất chính này.
Nga sản xuất kim loại công nghiệp và kim loại quý cũng như khí tự nhiên sử dụng để tạo ra điện năng phục vụ sản xuất hàng hóa.
Các lệnh trừng phạt với ngân hàng của Nga đã làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu vào thị trường toàn cầu, tại thời điểm tồn kho nhôm và các kim loại khác ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Các lệnh trừng phạt khiến ba hãng vận tải container lớn nhất thế giới dừng vận chuyển hàng đến và đi từ Nga.
Giá nickel trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2011 tại 27.976 USD/tấn. Đóng cửa tăng 5,4% lên 27.300 USD/tấn.
Nhôm LME tăng 5% lên 3.744 USD/tấn sau khi đạt kỷ lục 3.755 USD/tấn, trong khi đồng tăng 1,7% lên 10.323 USD/tấn.
Giá kim loại giao gần cao hơn so với giá hợp đồng giao sau ba tháng cho thấy nguồn cung trên thị trường LME khan hiếm. Dự trữ nickel trên sàn LME ở mức 77.784 tấn, thấp nhất kể từ năm 2019 với 52% trong số đó đã được đặt để giao hàng.
Sản lượng từ các công ty khai thác đồng lớn của Chile giảm trong tháng 1, ảnh hưởng chủ yếu bởi hoạt động yếu kém của công ty khai mỏ nhà nước Codelco.
Quặng sắt tăng
Quặng sắt Đại Liên và Singapore tăng vọt bởi hy vọng ngày càng tăng về nhu cầu thành phần sản xuất thép đang cải thiện ở Trung Quốc, sau các báo cáo về khả năng nới lỏng hạn chế Covid-19 ở nước sản xuất thép hàng đầu thế giới này.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 6,8% lên 797,5 CNY (126,27 USD)/tấn, sau khi tăng khoảng 9,7% lên mức cao nhất kể từ ngày 11/2.
Trên sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4 tăng 7% lên 159,55 USD/tấn sau khi lên mức cao 162,40 USD/tấn trong phiên này.
Trên thị trường giao ngay, quặng sắt đã nhập khẩu giao dịch ở mức 147,5 USD/tấn trong ngày 2/3, cao nhất kể từ ngày 14/2, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép và thành phần sản xuất thép khác của Trung Quốc cũng tiếp tục tăng sau khi cơ quan quản lý thị trường vào tháng trước đã tìm cách kiềm chế giá than và quặng sắt đang tăng vọt.
Thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải tăng 2,6%, thép thanh tăng 0,6%, thép không gỉ tăng 4,8%.
Cao su Nhật Bản ổn định
Giá cao su Nhật Bản đóng cửa ổn định do lo sợ lạm phát trên toàn cầu cân bằng với dự đoán giá dầu đang tăng có thể khuyến kích việc chuyển từ cao su tự nhiên sang cao su tổng hợp.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,1 JPY lên 260 JPY (2,25 USD)/kg.
Trong khi giá nguyên liệu thô và dầu tăng mạnh không khiến giá cao su tăng trong ngày hôm nay, giá cao su không giảm và vẫn được hỗ trợ.
Khủng hoảng tại Ukraine có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Nhật Bản bởi khiến các gia đình và công ty phải trả giá nhiên liệu và hàng hóa cao hơn, báo hiệu sự cần thiết phải duy trì kích thích khổng lồ để hỗ trợ sự phục hồi mong manh.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải tăng 70 CNY đóng cửa tại 13.980 CNY (2.212,38 USD)/tấn.
Giá gạo Việt Nam tăng
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này do việc các tuyến đường thương mại sang Trung Quốc mở cửa trở lại, đồng thời một số thương nhân đặt cược nhu cầu tăng thêm từ các khách hàng đang tìm kiếm nguồn thay thế do khủng hoảng ở Ukraine.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 400 USD/tấn so với 395 – 400 USD/tấn một tuần trước.
Một thương nhân tại Bangkok cho biết tình hình tại Ukraine có thể tăng nhẹ phí vận chuyển.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên 403 – 400 USD/tấn từ mức 400 USD/tấn tuần trước.
Một thương nhân khác nói khủng hoảng này không ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Thái Lan vì Nga và Ukraine không là các đối tác thương mại lớn của họ.
Nhu cầu gạo từ Ấn Độ, nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đã cải thiện, nhưng giá gạo đồ 5% tấm không đổi ở mức 370 – 376 USD/tấn do đồng rupee suy yếu.
Nông dân Ấn Độ có thể thu hoạch kỷ lục 127,93 triệu tấn gạo so với 124,37 triệu tấn trong năm ngoái.
Trong khi đó, giá gạo tại Bangladesh ở mức cao, mặc dù dự trữ tốt.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 6,3 US cent hay 2,7% xuống 2,2290 USD/lb, giá đã giảm xuống mức thấp nhất hai tháng tại 2,2175 USD.
Các đại lý cho biết quỹ bán ra đang gây sức ép lên giá trong khi cũng lưu ý rằng xuất khẩu cà phê sang Nga có thể giảm do vấn đề thanh toán.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 17 USD hay 0,8% xuống 2.013 USD/tấn, mức thấp nhất 6 tháng.
Giá cà phê của Việt Nam giảm, theo giá London trong bố cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng và phương pháp thanh toán cũng như giá dầu tăng vọt bởi xung đột Nga – Ukraine.
Tính đến phiên 3/3 giá cà phê kỳ hạn tháng 5 tại London đã giảm hơn 7,6% hay 166 USD trong tuần qua, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 38.900 – 41.000 đồng (1,7 – 1,8 USD)/kg, giảm từ mức 40.600 – 41.800 đồng một tuần trước.
Thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 325 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London, một tuần trước mức trừ lùi là 330 – 340 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong hai tháng năm nay tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước đạt 293.000 tấn. Xuất khẩu riêng trong tháng 3 ước tính đạt 130.000 tấn, trị giá 304 triệu USD.
Thị trường Indonesia đóng cửa trong ngày 3/3 nghỉ lễ. Cà phê được chào bán ở mức trừ lùi 170 USD so với hợp đồng tháng 3 và tháng 4 tại London.
Giá đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,29 US cent hay 1,6% lên 18,93 US cent/lb, cao nhất trong 5 tuần.
Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi giá năng lượng cao.
Brazil đã xuất khẩu 1,72 triệu tấn đường trong tháng 2 so với 1,82 triệu tấn một năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 7 USD hay 1,4% lên 522,2 USD/tấn.
Ngô cao nhất 9 năm, lúa mì cao nhất 14 năm
Giá ngô của Mỹ tăng mạnh với những hợp đồng kỳ hạn gần, lên mức cao nhất 9 năm do xung đột tại Ukraine cắt đứt nguồn cung cấp từ Biển Đen và thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của Mỹ.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 đã tăng 35 US cent ở mức giới hạn giao dịch, lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2012. Hợp đồng này đóng cửa chỉ tăng 22-3/4 US cent đạt 7,47-3/4 USD/bushel.
Lúa mì Chicago tăng vọt lên mức cao nhất trong 14 năm do việc cắt đứt xuất khẩu từ khu vực Biển Đen, nơi cung cấp gần 1/3 xuất khẩu toàn cầu.
Lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 75 US cent mức giới hạn tăng một ngày, lên 11,34 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 3/2008.
Đậu tương trên sàn Chicago tăng bởi nhu cầu mạnh nhưng sau đó thoái lui bởi chốt lời, với giá gần mức cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 4-3/4 US cent lên 16.67 – 3/4 USD/bushel.