Thị trường ngày 6/11: Giá dầu quay đầu giảm, vàng tăng vọt, kẽm cao nhất 1,5 năm
Chốt phiên giao dịch ngày 5/11, giá dầu quay đầu giảm, vàng bật tăng cao nhất 1,5 tháng, đậu tương và dầu cọ cao nhất 4 năm.
- 05-11-2020Giá heo hơi sẽ giảm tiếp?
- 05-11-2020Thị trường ngày 5/11: Giá dầu bật tăng mạnh gần 4%, cao su lao dốc mất gần 9%
- 04-11-2020Ngành dầu mỏ Mỹ tin tưởng có thể hợp tác với Joe Biden nếu ông thắng cử
Giá dầu giảm
Giá dầu giảm gần 1%, do các trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu gia tăng và kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa được giải quyết.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/11, dầu thô Brent giảm 30 US cent tương đương 0,7% xuống 40,93 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 36 US cent tương đương 0,9% xuống 38,79 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều tăng 4% trong phiên trước đó.
Ủy ban điều hành EU giảm dự báo kinh tế và cho biết nền kinh tế sẽ không hồi phục trở lại mức trước virus cho đến năm 2023.
Giá khí tự nhiên giảm hơn 3%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất 2 tuần, do dự báo thời tiết ôn hòa, nhu cầu sưởi ấm đến giữa tháng 11/2020 giảm và sản lượng khí tự nhiên tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 10,4 US cent tương đương 3,4% xuống 2,942 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ ngày 19/10/2020 và giảm phiên thứ 4 liên tiếp – lần đầu tiên – kể từ tháng 6/2020.
Giá khí tự nhiên giảm bất chấp tồn trữ và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng cao hơn so với dự kiến.
Giá vàng cao nhất 1,5 tháng
Giá vàng tăng lên mức cao nhất 1,5 tháng khi triển vọng về chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tại Mỹ ngày càng tăng, thúc đẩy kỳ vọng về kích thích lớn hơn và khiến đồng USD giảm trước tuyên bố chính sách của Cục Dự trữ Liên bang.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 2,3% lên 1.947,17 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.952,41 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 21/9/2020 và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York tăng 2,7% lên 1.946,8 USD/ounce.
Chứng khoán toàn cầu tăng, trong khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, khi Biden tiến gần hơn đến việc nắm quyền vào Nhà Trắng sau chiến thắng tại Michigan và Wisconsin.
Giá đồng tiếp đà tăng, kẽm cao nhất 1,5 năm
Giá đồng tăng, do đồng USD giảm và các nhà đầu tư chờ đợi nhiều hơn về các biện pháp kích thích từ ngân hàng trung ương, với làn sóng đóng cửa mới đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,1% lên 6.845,5 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp 6.780 USD/tấn.
Tính đến nay, giá đồng tăng hơn 50% kể từ mức thấp nhất năm 2020 trong tháng 3/2020, do nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh, sự gián đoạn nguồn cung, kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế và đồng USD suy yếu.
Giá kẽm trên sàn London tăng 0,6% lên 2.610 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Giá quặng sắt giảm, thép tăng
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore đều giảm, do xuất khẩu quặng sắt tại nước sản xuất hàng đầu – Australia – tăng trong tháng 10/2020, thúc đẩy tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc tăng.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 1,1% xuống 783 CNY (117,82 USD)/tấn, sau khi giảm 2,5% trong đầu phiên giao dịch.
Có khoảng 2/3 lượng quặng sắt xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc – nước sản xuất thép hàng đầu thế giới và mặt hàng này không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra . Xuất khẩu quặng sắt của Australia trong tháng 10/2020 dự kiến sẽ tăng lên 78 triệu tấn, so với 74 triệu tấn tháng 9/2020.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây tăng 0,3%, thép cuộn cán nóng tăng 0,5%, thép không gỉ giảm 0,5%.
Giá cao su tăng 3%
Giá cao su trên sàn Osaka tăng gần 3%, hồi phục từ mức thấp nhất 2 tuần trong phiên trước đó, do giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải và thị trường chứng khoán Tokyo tăng mạnh, thúc đẩy xu hướng thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn OSE tăng 6,1 JPY tương đương 2,9% lên 216,3 JPY (2,1 USD)/kg, sau khi giảm gần 9% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/10/2020 trong phiên trước đó.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 100 CNY lên 15.010 CNY (2.266 USD)/tấn.
Trong tháng 10/2020, giá cao su đạt mức cao nhất hơn 3 năm do nhu cầu găng tay bảo hộ tăng bởi khủng hoảng Covid-19, ngành công nghiệp Trung Quốc hồi phục, nguồn cung thắt chặt và các nhà sản xuất bổ sung dự trữ.
Giá cà phê giảm tại Việt Nam, không thay đổi tại Indonesia, tăng tại New York và London
Thị trường cà phê Việt Nam giao dịch trầm lắng trước vụ thu hoạch mới được dự kiến vào giữa tháng 11/2020.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 170-180 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn London , giảm so với mức cộng 170-200 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá dao động 33.200 VND (1,43 USD)/kg, so với mức giá 32.400-34.000 VND/kg cách đây 1 tuần.
Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia Việt Nam cho biết khu vực trồng cà phê chủ yếu sẽ có mưa trong ít nhất 1 tuần nữa, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình hái và phơi cà phê.
Tại Indonesia , giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 170 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn London , không thay đổi so với cách đây 1 tuần, ngay cả khi vụ thu hoạch đã kết thúc.
Indonesia xuất khẩu 16.345,6 tấn cà phê robusta từ đảo Sumatra tỉnh Lampung trong tháng 10/2020.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 2,95 US cent tương đương 2,9% lên 1,0595 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 3 tháng trong ngày 2/11/2020.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 26 USD tương đương 2% lên 1.339 USD/tấn.
Sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2021/22 sẽ giảm 14-21%, do mưa dưới mức trung bình và sự thay đổi chu kỳ sản xuất cà phê Arabica, Ngân hàng đầu tư Itau BBA cho biết.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 0,17 US cent xuống 14,48 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 8 tháng (15,23 US cent/lb) trong ngày 3/11/2020.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London giảm 1,9 USD xuống 389,9 USD/tấn.
Giá đậu tương cao nhất 4 năm, ngô và lúa mì cao nhất 1 tuần
Giá đậu tương tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 4 năm do thời tiết khô tại khu vực Nam Mỹ, làm gia tăng mối lo ngại về nguồn cung tại thời điểm nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh. Đồng thời, giá ngô và lúa mì đạt mức cao nhất hơn 1 tuần do nhu cầu tăng mạnh và lo ngại nguồn cung.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 17-1/2 US cent lên 11,03-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 11,12-3/4 USD/bushel - cao nhất kể từ ngày 14/7/2016. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 4 US cent lên 4,09-1/4 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 3-1/4 US cent lên 6,09-1/4 USD/bushel, cả hai đều đạt mức cao nhất kể từ ngày 27/10/2020.
Thời tiết khô ảnh hưởng đến cây trồng ngô và đậu tương tại Nam Mỹ, cũng như cây trồng lúa mì vụ đông tại Mỹ và Nga, đe dọa nguồn cung suy giảm khi nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh.
Giá gạo giảm tại Ấn Độ và Thái Lan, tăng tại Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm, do nguồn cung vụ mới dồi dào và đồng rupee suy yếu, trong khi các thương nhân Việt Nam chờ đợi các đơn đặt hàng mới từ Philippines, ngay cả khi nguồn cung trong nước suy giảm.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm ở mức 366-370 USD/tấn, giảm so với 370-375 USD/tấn tuần trước đó.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam tăng lên 493-497 USD/tấn so với 495 USD/tấn tuần trước đó. Nhu cầu gạo dự kiến sẽ tăng vào cuối tháng này, do dự báo các đơn đặt hàng mới từ Philippines – quốc gia chịu ảnh hưởng của những cơn bão và lũ gần đây.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 455-458 USD/tấn so với 452-480 USD/tấn tuần trước đó, do nhu cầu giảm và nguồn cung dồi dào.
Thái Lan xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết.
Giá dầu cọ cao nhất gần 4 năm
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất gần 4 năm, do tồn trữ và sản lượng dầu cọ trong tháng 10/2020 giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 67 ringgit tương đương 2,2% lên 3.164 ringgit/tấn, cao nhất kể từ ngày 19/1/2017.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 6/11