MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ôtô chưa hồi phục

30-06-2020 - 10:02 AM | Thị trường

Thị trường vẫn đìu hiu dù có thông tin chính thức giảm lệ phí trước bạ ôtô từ ngày 28-6.

Ngày 29-6, một ngày sau khi chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô, khảo sát các đại lý ôtô tại TP HCM cho thấy khách hàng tìm đến để tham quan, mua sắm vẫn chưa sôi động.

Xếp hàng nhận ưu đãi

Các đại lý ôtô cho biết thời điểm này, khách hàng đang nhanh chóng thanh toán tiền để sớm lấy xe nhằm được hưởng mức ưu đãi 50% lệ phí trước bạ. Có rất ít khách hàng mới tới đăng ký xe sau khi nhận thông tin được ưu đãi lệ phí trước bạ. Do đó, nhiều đại lý không còn ưu tiên cho khách hàng đặt cọc trước mà hầu hết giao xe cho khách có đủ tiền thanh toán ngay tại thời điểm này.

Theo ông Từ Minh Trung, phụ trách chăm sóc khách hàng tại một đại lý ôtô ở quận 10 (TP HCM), trong tháng 5 và 6, lượng khách hàng đặt cọc mua xe tăng 30%-40% so với những tháng đầu năm. Nguyên nhân bởi khách hàng muốn "đặt gạch" chờ khi nào chính thức giảm phí sẽ giao tiền lấy xe.

Trong tháng 7 và tháng 8 tới, giới kinh doanh nhận định tình hình tiêu thụ ôtô vẫn khó có biến động do phần lớn khách có nhu cầu mua xe để tranh thủ ưu đãi đã "xếp hàng" sẵn từ 2 tháng trước. Tuy lượng mua xe trong 2 tháng tới tăng nhưng nhiều khả năng từ tháng 9 đến tháng 10-2020, khi thời hạn giảm lệ phí trước bạ sắp kết thúc và nền kinh tế có thể hồi phục tốt hơn thì cơ hội tiêu thụ ôtô sẽ tăng nhiều hơn hẳn.

Ông Nguyễn Huy Trung, Giám đốc Khối Đối ngoại Công ty Honda Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam đã nhận định tình hình tiêu thụ ôtô cho cả năm sẽ giảm mạnh từ 30%-50%. Tuy nhiên, việc giảm phí trước bạ cũng sẽ phần nào kích cầu tốt hơn, khiến mức giảm chỉ còn 20%-30% so với năm ngoái.

Thị trường ôtô chưa hồi phục - Ảnh 1.

Dù được ưu đãi thuế trước bạ nhưng thị trường ôtô vẫn chưa khởi sắc. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Không lo thiếu nguồn cung

Đại diện các hãng sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đều thừa nhận hiện tại các nhà máy đều dư thừa công suất do sức tiêu thụ trên thị trường quá yếu. Do vậy, nếu thị trường sôi động, nhu cầu tăng cao từ việc giảm phí trước bạ cũng không quá lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Việc các nhà máy đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp để đáp ứng nhu cầu thị trường là khá dễ dàng trong thời điểm này.

Thực tế, trong tháng 6 này, các hãng xe đều đua nhau khuyến mãi tặng trước bạ 50%, 100% cho khách hàng hoặc giảm giá, tặng phụ kiện có giá trị. Tức là dù chưa có chính sách từ phía nhà nước, nhiều khách hàng đã mua được xe có ưu đãi lệ phí trước bạ, thậm chí ưu đãi còn lớn hơn từ nhà nước. Nguyên nhân bởi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng kinh tế quá lớn, nếu trong 6 tháng đầu năm, các hãng và đại lý không giảm giá, khuyến mãi sâu thì không mong bán được hàng. "Từ đầu tháng 7, các hãng cũng như đại lý vẫn phải tiếp tục giảm giá bán, tặng gói phụ kiện… mới hy vọng bán được xe, song gói ưu đãi sẽ giảm bớt bởi đã có phần giảm lệ phí trước bạ giúp thu hút khách hàng" - một đại lý xe cho biết.

Tuy vậy, theo Bộ Công Thương, lệ phí trước bạ hiện dao động từ 10%-15% tùy địa phương. Do vậy, giảm 50% lệ phí trước bạ chưa đủ để thu hút khách hàng mua xe. Theo tính toán, với chiếc xe trị giá 1 tỉ đồng, nếu ở Hà Nội với mức áp dụng lệ phí trước bạ 12% thì người mua chỉ tiết kiệm được 60 triệu đồng nếu mua xe từ nay đến cuối năm 2020. Còn với những chiếc xe giá rẻ hơn, mức giảm giá đối với người tiêu dùng sẽ càng thấp hơn. "Đường dài đối với ngành công nghiệp ôtô là cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, nhất là về thuế, phí đối với xe sản xuất trong nước. Khi đó, giá xe mới thực sự giảm và tiệm cận được với năng lực tài chính của người tiêu dùng Việt Nam. Các chính sách khác chỉ có ý nghĩa tạm thời, không đủ sức giúp thị trường khởi sắc.

Đáng lưu ý, chính sách này không được áp dụng cho xe nhập khẩu, khiến giá xe ngoại vốn đã cao lại không được ưu đãi. Việc này sẽ gặp nhiều thách thức về pháp lý phòng vệ thương mại từ nhiều nước khác, theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia. Mặt khác, chính sách chưa chắc đã có ý nghĩa kích thích người tiêu dùng tăng mua xe nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay.

Đề nghị gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 28-6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), nghị định này sẽ được áp dụng với tất cả trường hợp đi nộp hồ sơ lệ phí trước bạ từ ngày 28-6, đối với các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, không phụ thuộc vào thời điểm xuất hóa đơn mua xe.

Bộ Công Thương cũng đề nghị tiếp tục được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 6 tháng với ôtô nội vì cho rằng việc này là thực hiện chính sách miễn giảm ở mức hợp lý, có thời hạn vì chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có ôtô. Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với giá trị sản xuất nội địa áp dụng với ôtô sản xuất trong nước, nhập khẩu trong một thời hạn nhất định (khoảng 5 năm).

Theo Nguyễn Hải - Hoài Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên