Thị trường rung lắc dữ dội, “cá mập” giao dịch ra sao trong tháng 6?
Trong tháng 6, mặc dù khối ngoại cũng như ETF nội liên tục “xả hàng” nhưng giao dịch khối tự doanh trong nước lại gây chú ý khi đẩy mạnh mua ròng trong 3 tuần cuối.
- 01-07-2018Thị trường cơ sở đìu hiu, nhà đầu tư nội - ngoại đẩy mạnh “kiếm ăn” trên thị trường phái sinh
- 01-07-2018[Quy tắc đầu tư vàng] Hành động ra sao trước những tình huống bất ngờ ập tới từ thị trường chứng khoán?
- 01-07-2018Mất hơn 18% trong quý 2, chứng khoán Việt Nam ghi nhận quý có diễn biến tệ nhất trong một thập kỷ
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tháng 6, chỉ số Vn-Index dừng tại 960,78 điểm, giảm 1,08% so với tháng trước, đánh dấu tháng điều chỉnh thứ 3 liên tiếp. Tính chung cả quý 2, chỉ số Vn-Index mất hơn 18% và là chỉ số chứng khoán có diễn biến tệ nhất Thế giới trong cùng giai đoạn.
Diễn biến kém khả quan của thị trường thời gian qua một phần nguyên nhân đến từ việc nhiều tổ chức, khối ngoại đẩy mạnh bán ra, gây áp lực lên thị trường. Do đó, hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư lớn này luôn thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư. Dưới đây là tổng hợp giao dịch của một số "cá mập" trên TTCK Việt Nam trong tháng 6:
ETF hút vốn nhẹ nhưng khối ngoại không ngừng bán ròng
Trong tháng 6, khối ngoại đã bán ròng 140 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Về con số tuyệt đối là không quá lớn, nhưng cần lưu ý rằng vào cuối tháng 6, khối ngoại đã mua ròng đột biến gần 2.400 tỷ đồng cổ phiếu Yeah1 qua phương thức thỏa thuận. Nếu loại trừ thỏa thuận đột biến này thì thực chất khối ngoại đã bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trong tháng 6 và đây là con số khá lớn.
Hoạt động giao dịch của khối ngoại từ trước tới nay luôn có ảnh hưởng khá lớn tới thị trường. Khi khối ngoại mua ròng, chưa chắc thị trường đã tăng điểm nhưng khi họ bán ròng liên tiếp thì thị trường thường sẽ điều chỉnh. Bởi vậy, diễn biến thị trường kém tích cực trong tháng 6 cũng là điều không quá bất ngờ.
Tuy vậy, một điểm đáng chú ý là áp lực bán của khối ngoại không đến từ các quỹ ETF mà thậm chí các quỹ này còn hút ròng nhẹ. Quỹ VNM ETF với tổng tài sản 354 triệu USD và dành gần 75% danh mục cho cổ phiếu Việt Nam đã hút ròng nhẹ 0,81 triệu USD. Trong khi đó, quỹ FTSE Vietnam ETF cũng hút ròng hơn 4 triệu USD trong tháng qua, nâng qua mô tài sản lên 325 triệu USD.
ETF nội VFMVN30 cũng bán ròng
Sau giai đoạn hút vốn mạnh trong tháng 5, quỹ ETF nội VFMVN30 đã bị rút vốn mạnh trong tháng vừa qua. Tính tới cuối tháng 6, số lượng chứng chỉ quỹ VFMVN30 chỉ còn gần 250 triệu đơn vị, giảm hơn 23 triệu chứng chỉ quỹ so với đầu tháng. Lượng chứng chỉ quỹ bị rút trong tháng qua tương ứng khoảng 380 tỷ đồng. Tổng tài sản VFMVN30 cũng giảm mạnh trong tháng 6 và hiện chỉ còn gần 3.900 tỷ đồng.
Trong năm 2018, quỹ VFMVN30 thường đi trước thị trường một bước. Quỹ này mua vào khi thị trường điều chỉnh, nhưng khi thị trường hồi phục thì bắt đầu bán ra. Áp lực bán mạnh từ ETF nội đã gây áp lực không nhỏ tới đà phục hồi của thị trường trong tháng 6.
Quỹ ETF nội VFMVN30 bị rút ròng mạnh từ đầu tháng 6
Điểm sáng từ khối tự doanh trong nước
Mặc dù khối ngoại cũng như ETF nội liên tục "xả hàng" nhưng thị trường vẫn ghi nhận dấu ấn tích cực đến từ khối tự doanh trong nước. Sau giai đoạn bán ròng mạnh trong tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6, khối tự doanh đã mua ròng trong 3 tuần liên tiếp (từ 11 – 29/6) với tổng giá trị khoảng 730 tỷ đồng trên hai sàn niêm yết.
Có thể khối tự doanh đã tranh thủ "gom hàng" khi thị trường được định giá hấp dẫn hơn, nhưng cũng có thể hoạt động mua vào thời gian qua nhằm mục đích "kéo NAV" quý 2.
Dù vậy, có thể thấy việc các "cá mập" trên thị trường đang không đồng thuận đã khiến thị trường gặp không ít thách thức trong tháng 6 vừa qua.