Thị trường tăng "nóng", hàng loạt doanh nghiệp đăng ký bán cổ phiếu quỹ, Vinhomes và Sacombank cũng nhập cuộc
Trong ngắn hạn, việc cổ phiếu quỹ ồ ạt được bơm ra thị trường, cùng với hàng loạt phương án phát hành thêm sẽ tác động tăng lực cung của thị trường.
Nhìn lại khoảng thời điểm đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động lên tâm lý của nhà đầu tư, gây ra xu hướng ồ ạt "cắt lỗ" trên TTCK. Trước tình hình nguy cấp, hoạt động mua vào cổ phiếu quỹ được các doanh nghiệp tận dụng tối đa nhằm giảm tình trạng bán ròng đồng thời "giải cứu" phần nào thị giá của cổ phiếu.
Bước qua thời kỳ tăm tối, chứng khoán Việt Nam đã hồi phục ngoạn mục từ quý 2/2020 và duy trì cho tới nay. Tháng 5/2021 được ví von là "tháng 5 rực rỡ" khi loạt chỉ số vọt tăng mạnh, xuyên qua hàng loạt mốc tâm lý để lên đỉnh đỉnh mới, qua đó giúp những nhà đầu tư đặt niềm tin vào chứng khoán đã đạt lợi nhuận kếch xù. Đà thăng hoa được tiếp nối cho đến phiên 28/6, chỉ số VN-Index chính thức vượt mốc "trong mơ" 1.400 điểm rồi tiếp tục nhanh chóng bỏ xa ngưỡng kỳ vọng này.
Trong bối cảnh thị trường tăng phi mã và cổ phiếu tăng được tính "bằng lần", nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội bán cổ phiếu quỹ.
Theo thống kê, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5/2021, hàng loạt công ty đã nối tiếp nhau công bố bán cổ phiếu quỹ với khối lượng đăng ký từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đơn vị. Đáng chú ý, hàng loạt doanh nghiệp trong rổ VN30 như VinHomes (VHM), Sacombank (STB), Petrolimex (PLX) cũng đăng ký bán cổ phiếu quỹ.
Giao dịch cổ phiếu quỹ từ 1/5/2021 đến nay (đơn vị: cổ phiếu)
Mới đây nhất, “ông lớn” ngành BĐS là Vinhomes (mã CK: VHM) vừa thông báo về quyết định của HĐQT về việc bán 60 triệu cp quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Được biết, Vinhomes đã mua lượng cổ phiếu quỹ này từ cuối năm 2019, với giá trung bình 92.245 đồng/cổ phiếu. Báo cáo quý 1/2021 đang ghi nhận giá trị số cổ phiếu quỹ vào khoảng 5.549 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, thị giá VHM chốt phiên giao dịch 8/7 đạt 117.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính theo mức giá này, Vinhomes sẽ thu về khoản tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, như vậy chỉ sau 1 năm rưỡi nắm giữ, số lãi công ty thu về đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu VHM 1 năm gần đây
Một doanh nghiệp vốn hóa lớn khác là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã CK: PLX) từ 24/5-22/6/2021 đã đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu quỹ. Cùng thời gian này, đại gia xăng dầu Nhật Bản ENEOS Corporation cũng đã thông báo mua vào lượng cổ phiếu PLX tương tự, nâng số cổ phần sở hữu lên 63 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,87%) và sắp trở thành cổ đông lớn.
Tại thời điểm giao dịch diễn ra, thị giá PLX ở quanh mức 56.500 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này ENEOS Corporation đã chi khoảng 1.400 tỷ đồng để mua thêm số cổ phiếu trên. Theo thông tin thu thập, Petrolimex đã mua vào số cổ phiếu quỹ chỉ với giá 10.600 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2016, từ đó có thể thấy đợt bán cổ phiếu quỹ đem về khoản lãi gấp đến 5 lần số vốn bỏ ra ban đầu.
Diễn biến cổ phiếu PLX 1 năm gần đây
Ghi nhận từ đầu tháng 5 đến nay, khối lượng cổ phiếu quỹ được giao dịch lớn nhất là tại ngân hàng TMCP Sacombank (mã CK: STB). Cụ thể, Sacombank đã đăng ký bán toàn bộ 81,56 triệu cổ phiếu quỹ, dự kiến giao dịch từ 1/7-30/7/2021. Mục đích ngân hàng là nhằm thực hiện theo đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt đồng thời để tăng nguồn vốn tự có và bổ sung nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng.
Nhìn vào diễn biến của cổ phiếu STB, không khó để nhìn thấy sự tăng trưởng “nóng bỏng tay” của thị giá từ đầu năm 2021 đến nay, vốn hóa thị trường tăng kỷ lục. Đóng cửa phiên giao dịch 8/7, giá cổ phiếu STB đứng ở mức 30.200 đồng/cp. Ước tính theo vùng giá này, Sacombank có thể thu về khoản tiền lên tới 2.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu STB cũng tâm điểm của thị trường trong thời gian gần đây khi liên tục được khối ngoại mua ròng. Chỉ trong vài phiên đầu tháng 7, thị trường đã ghi nhận lượng mua ròng hơn 14 triệu đơn vị STB bởi các nhà đầu tư ngoại, khối lượng này thậm chí vượt mức mua ròng trong cả tháng 6 trước đó.
Diễn biến cổ phiếu STB 1 năm gần đây
Tương tự, với mục đích tái cơ cấu nguồn vốn và bổ sung vốn lưu động để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Thép Nam Kim (mã CK: NKG) vừa thông báo đã hoàn tất bán ra toàn bộ 10 cổ phiếu quỹ. Giá bán bình quân 34.080 đồng/cổ phiếu, thu về 340,8 tỷ đồng. Thời gian bán từ 22/6 đến 5/7/2021. Đây là số cổ phiếu quỹ mà Thép Nam Kim mua vào từ tháng 7/2020.
Một số doanh nghiệp khác cũng đã công bố kết quả thành công bán cổ phiếu quỹ. Cao su Đồng Phú (mã CK: DPR) đã thông báo bán thành công gần 2.9 triệu cổ phiếu quỹ từ 1/6 đến 30/6, giá trị giao dịch bình quân đạt 59.717 đồng/đơn vị, ước tính thu về xấp xỉ 172 tỷ đồng.
Gỗ Phú Tài (mã CK: PTB) cũng bán toàn bộ hơn 2,5 triệu cổ phiếu quỹ tuy nhiên theo phương thức đặc biệt là dùng để thưởng cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu sẽ nhận được 5,51 cổ phiếu chia từ nguồn cổ phiếu quỹ này. Trên sàn giao dịch, thị giá PTB vẫn đang giữ vững đà sự thăng hoa ấn tượng, đến nay đã tăng trưởng 53% so với thời điểm đầu năm 2021, chốt phiên 9/7 tại mức 87.500 đồng/cổ phiếu.
Tăng lực cung sẽ tác động giá cổ phiếu trong ngắn hạn
Nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định, hoạt động tung cổ phiếu quỹ ra thị trường ồ ạt của các doanh nghiệp gần đây sẽ mang về lượng vốn cần thiết để bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Trong dài hạn, điều này sẽ mang lại tín hiệu vô cùng tích cực cho doanh nghiệp giúp nâng định giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc lượng cổ phiếu quỹ ồ ạt bơm ra thị trường, song song với cuộc đua tăng vốn bằng việc phát hành thêm cổ phiếu mới, chắc chắn sẽ tác động tăng lực cung của thị trường, từ đó gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong thời gian vài tháng tới đây.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư VNDirect, hiện tại giá cổ phiếu đang chạy trước lợi nhuận, kết hợp với yếu tố vượt ngưỡng tâm lý 1.400 điểm của VN-Index, nhịp điều chỉnh rất có khả năng sẽ xuất hiện trong những tháng còn lại của năm 2021. Nhà đầu tư cần thật sự cẩn trọng và đưa ra những quyết định phù hợp, tránh tình trạng “mua đỉnh bán đáy” với đà rung lắc của thị trường.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị